Hệ hình  phê bình văn học Trung Quốc-

từ chính trị sang thẩm mĩ, học thuật

Trần Đình Sử

       Lời người nghiên cứu: Bài nghiên cứu này tổng kết các đặc điểm và tính chất của phê bình cách mạng Trung Quốc từ năm 1949 qua 17 năm xây dựng “văn nghệ xã hội chủ nghĩa” và Cách mạng văn hóa cho đến nay. Bạn đọc  nhạy cảm sẽ thấy ngay đó cũng là đạc điểm và tính chất của nền phê bình văn học Việt Nam từ sau 1945 cho đến nay.Phê bình văn học “cách mạng” Trung Quốc là tấm gương cho ta soi thấy phần nào tình trạng của ta trong một thời gian dài.

    Mọi người đều biết, phê bình văn học hiện đại Trung Quốc trước năm 1949 đã tác động để dưa nền văn học nước này từ trung đại (tiền hiện đại) sang hiện đại. Nền phê bình văn học theo tư tưởng Mao đã đóng vai trò thúc đấy để dưa văn học hiện đại (đầu thế kỉ XX – 1949) sang nền văn học chính trị hóa cực tả (từ 1949 về sau). Kinh nghiện lịch sử cho thấy vai trò thổi phồng, bóp méo, hạ bệ của phê bình văn học trong thời này là nhân tố khiến cho văn học phát triển không bình thường.

    Phê bình văn học với tư cách là một hoạt động thực tiễn xã hội, từ những năm 40 tại khu giải phóng Diên An đã dự báo con đường phát triển của văn học chính trị tả khuynh. Dự báo này đã thấy trước từ hoạt động của các nhà lí luận mác xít như Chu Dương, Phùng Tuyết Phong những năm 30. Mặc dù khái niệm “văn học xã hội chủ nghĩa” nay đã thay đổi khác trước về nội dung, song trong một thời gian dài, phê bình thực hiện chức năng diễn giải giá trị hạt nhân của chế độ văn học đương đại. Từ năm 1949, tại đại hội văn nghệ lần thứ nhất trong báo cáo Văn nghệ nhân dân mới, Chu Dương đã khẳng định, phê bình là phương pháp quan trọng để lãnh đạo tư tưởng đối với văn nghệ: “Xây dựng một nền phê bình văn nghệ khoa học nhằm thực hiện việc lãnh đạo cụ thể đối với công tác văn nghệ.” Tư tưởng nền tảng của Chu Dương là bài nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Diên An: “Phê bình văn nghệ là một trong những phương pháp đấu tranh chủ yếu của giới văn nghệ.” Phê bình văn học được đặt vào vị công tác quan trọng của Đảng, là phương thức, công cụ lãnh đạo của Đảng làm cho mọi người thấy chúng ta tán thành cái gì, phản đối cái gì, chỉ cho người đọc cách chọn lựa tác phẩm tốt, tác phẩm xấu theo quan điểm của đảng, chi cho nhà văn thấy con đường phải đi theo quan điểm của Đảng, tránh phải đi đường vòng không cần thiết,  tức là phương pháp quan trọng thể hiện sự lãnh đạo của Đảng. Phê bình như thế tức là làm công tác tuyên huấn cho đảng, thực hiện cuộc đấu tranh của đảng trên mặt trận văn nghệ.  Hơn nửa thế kỉ thực hiện chức năng đấu tranh tư tưởng, phê bình văn học đã hoàn toàn biến chất. Tính chất thiên lệch của nó đã gây tác dụng tiêu cực. Thời đầu những năm 50 cũng có ý kiến nhắc nhở phê bình cần tránh thô bạo, vơ đũa cả nắm, phê bình phải gắn với xây dựng nền mĩ học mới, phải có tính sáng tạo, phải xuất phát từ tác phẩm, không xuất phát từ khái niệm…Chu Dương cũng nhiều lần nêu tiêu chí phân biệt phê bình đúng đắn và phê bình sai lầm, phê bình xây dựng và không xây dựng, phê bình phục vụ nhân dân, phê bình xây dựng nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa… Nhưng với tính chất vũ khí đấu tranh giai cấp trên mặt trận văn nghệ, đối tượng phê bình là các tư tưởng tư sản thù địch (thực chất là các quan điểm không đồng tình với Mao, khác Mao), nhà phê bình là chiến sĩ, phải có tính chiến đấu không khoan nhượng đối với kẻ thù, nắm vững tính mục đích chính trị, thế là tính chất thô bạo, làm tổn thương nhà văn chẳng những không giảm bớt, mà ngày càng gia tăng. Đến cách mạng văn hoá thì phê bình văn học được coi là vũ khí chuyên chính vô sản, đối với kẻ thù giai cấp, tư sản, xét lại, phong kiến, nhiệm vụ của phê bình văn học là “phê cho chúng đổ xuống, phê cho  chúng nát ra, phê cho chúng hôi thối đi” như khẩu hiệu chỉ đạo, thì cần gì tính khoa học, tính biện chứng, tính nghệ thuật nữa!

      Theo nghiên cứu của Vương Nghiêu và Lâm Kiến Phát đội ngũ nhà phê bình trong mấy chục năm trước đổi mới có mấy điểm rất đáng chú ý. Nhìn chung nhà phê bình chuyên nghịêp hầu như rất hiếm. 1. Các nhà lí luận như Chu Dương, Phùng Tuyết Phong, Thiệu Thuyên Lân, Hầu Kim Kính, Hà Kì Phương, Trương Quang Niên…tuy trình độ lí luận cao, nổi tiếng từ những năm 30, họ là nhà lí luận, nhà cách mạng, nhà lãnh đạo, cho nên chỉ viết các bài chỉ đạo, ít viết phê bình. 2. Các nhà biên tập cũng ít viết phê bình, nhưng thường viết những lời “sa pô” có tính chất chỉ đạo phê bình, kêu gọi phê bình lên đầu các bài báo.  3. “Thư bạn đọc” do những “người đọc dặc biệt” viết, có khi là hoá thân của lãnh tụ như Mao, nhân danh nhân dân để chỉ đạo cần phê phán vấn đề này, quan tâm vấn đề kia. Các báo thời đó rất nể trọng “ý kiến bạn đọc”. Tất nhiên đây không phải là bạn đọc theo ý nghĩa của mĩ học tiếp nhận mà là người quyền uy núp bóng quần chúng để chỉ đạo. 4. Còn những ngưòi viết phê bình phần lớn đều là cán bộ chính trị, quản lí, phi chuyên nghiệp, chỉ biết đường lối, ít biết văn nghệ, chỉ chụp mũ, suy diễn giáo điều là tài. 5. Trong thời kì cách mạng văn hoá lại có loại “tiểu tổ phê bình”, do một nhóm “quần chúng” tổ chức ý kiến phê phán, viết báo chữ to dán khắp các tường nhà, đường phố. Một nền phê bình văn học do các nhà phê bình như thế viết ra thì có bao nhiêu giá trị khoa học và nghệ thuật? Phê bình đồng nghĩa với hãm hại. Trong thời kì thống trị của phê bình ý thức hệ chủ lưu tức chính trị như thế vai trò phê bình của cá nhân bị tước bỏ và bị tập thể thay thế. Tình hình này còn tiếp tục cho đến cuối những năm 70 đầu những năm 80. Từ thảo luận “văn học vết thương” đến chất vấn khẩu hiệu “văn học tòng thuộc chính trị” đều là bài viết của các nhà lãnh đạo hay các nhà văn, nhà lí luận văn nghệ. Trong những năm đó vai trò của các ông như Chu Dương, Hạ Diễn, Mao Thuẫn, Trương Quang Niên, Hạ Kính Chi, Trần Hoang Môi, Lâm Mặc Hàn, Tần Mục…là rất nổi bật.

     Đến cuối những năm 80 tình hình trật tự trong phê bình thay đổi. Chức năng diễn giải đường lối chính sách văn nghệ dần dần suy giảm hẳn, chức năng trình bày tư tưởng, trình bày tri thức, yêu cầu mới về phẩm chất phê bình cũng thay đổi. Các nhà phê bình từng có nhiều chức vụ, các cây bút đa năng đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của họ. Quyền uy và uy tín của họ cũng trở thành quá khứ. Trong tư tưởng, nhận thức, phương pháp của họ xuất hiện sự khủng hoảng. Một số không ít người trong họ với tàn dư tư tưởng cũ vẫn còn gây trở ngại cho sự tiến bộ của văn học.

    Sau những năm 80 người đọc và phê bình chuyên nghiệp đóng vai trò ngày càng lớn. Nhà phê bình đóng vai trò độc lập. Một lực lượng đông đảo nhà phê bình mới xuất hiện, đánh dấu sự trở về với đời sống văn học bình thường. Lúc này sự tác động ăn ý giữa nhà sáng tác và nhà phê bình sẽ là những trang kí ức đẹp đẽ của lịch sử văn học. Khác hẳn các nhà phê bình những năm 60, các nhà phê bình bây giờ rất tự trọng cái tôi và chính kiến. “Cái mà tôi phê bình tức là tôi” câu nói cửa miệng rất phổ biến thể hiện sự trỗi dậy của tính chủ thể của nhà phê bình. Tư tưởng giải phóng, kinh nghiệm sinh động, tài năm cá nhân được dịp phô diễn đó là đặc trưng cơ bản của phê bình văn học những năm 80. Những năm ấy phê bình của Hội nhà văn và phê bình của các trường, viện chia thành hai phái, không ai kém ai. Với sự cộng tác của nhà văn, phê bình của hội nhà văn càng nổi bật hơn.

     Nhưng cùng với sự thay đổi trong chế độ văn nghệ và chế độ học thuật, sau những năm 90 phái phê bình của các trường, viện vượt trội hẳn lên về ưu thế tri thức. Có người nói, chế độ học vị và chức danh cũng làm cho vị thế của họ thay đổi. Tình hình đó làm cho nghiên cứu văn học học thuật hoá, phê bình văn học học giả hoá. Trong một số trường đại học có khi người ta không xem bài nghiên cứu tác gia tác phẩm có nhận định sắc sảo là công trình học thuật. Nhìn bề ngoài học giả trẻ các trường, viện chiếm đa số. Không ít nhà phê bình ngoài trường cũng thay hình đổi dạng để trở thành giáo sư kiêm nhiệm, đằng sau không tránh được có nguyên nhân kinh tế. Lương cao của các giáo sư ở các đại học là một sự hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là thực tế phê bình bây giờ hơn lúc nào hết đòi hỏi có sự nâng đỡ của tri thức khoa học. Phê bình cảm tính, bản năng không có sức thuyết phục nữa. Phê bình của các trường đại học và học viện là trụ cột làm cho phê bình văn học lành mạnh[1]. Tác giả Hầu Văn Nghi nhân xét loại phê bình này trầm tĩnh, nêu các vấn đề học thuật, không nôn nóng, không ồn ào, không tự đánh bóng, là một phong khí chưa từng có. Tác giả nêu một số tên tuổi như Trịnh Mẫn, Hồng Tử Thành, Nam Phàm, Trần Tư Hoà, Hoàng Tử Bình, Hạ Trung Nghĩa, Vương Nhất Xuyên, Vương Nhạc Xuyên…tiêu biểu cho phê bình học thuật[2]. Từ những năm 90 trở lại đây ảnh hưởng của phê bình văn học ở các trường đại học ngày càng lớn. Tuy vậy, ảnh hưởng của văn học cộng hưởng với ảnh hưởng của học thuật làm cho phê bình văn học hầu như chỉ có một màu, đó là “màu đại học”. Sự phân hoá của phê bình những năm 80 đã căn bản không còn nữa. Phê bình của nhà văn hầu như không còn gây được tiếng vang.

     Từ những năm 60 -70 phê bình lấy việc diễn giải đường lối văn nghệ của Đảng làm nhiệm vụ chủ yếu, thì đến nay phê bình đã đi vào học thuật, là một thay đổi to lớn, song khó trảnh khỏi ảnh hưởng của chế độ. Nhìn tổng quát thân phận nhà phê bình thay đổi, đối tượng phê bình thay đổi, phương pháp phê bình thay đổi, một trật tự mới của phê bình đang được thiết lập. Đó có thể là một thời cơ lớn, song viễn cảnh phê bình vẫn chưa sáng[3].

     Phê bình văn học thời nào cũng lấy việc nghiên cứu tác gia, tác phẩm làm cơ sở. Nhưng những năm 60 – 80 phê bình chủ yếu nghiến cứu sự thể hiện các phương pháp sáng tác, nào chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa…Tác phẩm bị mờ nhạt, nhưng bù lại phê bình có quan tâm chỉnh thể văn học. Từ những năm 80 do thoát khỏi sự ràng buộc của ý thức hệ, phê bình đã thoát khỏi vấn đề chủ nghĩa hiện thực, bàn luận nhiều vấn đề khác như văn học cải cách, văn học phản tư, văn học tiên phong, văn học tả thực mới…

    Phê bình văn học những năm 80 còn phải gánh trách nhiệm đánh giá lại các hiện tượng văn học, vừa giải cấu trúc vừa kiến tạo cái mới. Bây giờ nhìn lại công việc vẫn chưa hoàn thành. Quan niệm “văn học thuần tuý” được xác lập, đánh giá lại giá trị văn học 17 năm, nhưng có khuynh hướng giản đơn hoá. Phê bình sau đó chạy theo các diễn biến của văn học: “văn học vết thương”, “văn học phản tư”, “văn học cái cách”, “văn học tầm căn”, “văn học tiên phong”, “tân tả thực”…không thấy rõ được cái gì là “chủ lưu”, mà thực ra lúc này làm gì có chủ lưu, mặc dù giới lãnh đạo hô hào “viết giai điệu chính”, tức là văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Từ những năm 90 quan niệm văn học phân hoá lại thêm các quan hệ phức tạp giữa xã hội và thị trường, phê bình văn học cũng không thể làm được việc chỉ ra “diện mạo chủ lưu”. Như thế phê bình nằm giữa sự phát hiện và che đậy, coi như trạng thái thường xuyên của nó. Ở đây có vấn đề quan điểm, phương pháp và bối cảnh chính trị. Từ khi vứt bỏ quan niệm tiêu chuẩn chính trị là thứ nhất, tiêu chuẩn tính văn học được đưa lên hàng đầu, nhưng đây là nguyên nhân của phát hiện và che giấu, bởi ai cũng biết đằng sau văn học là có chính trị. Trong lịch sử người ta gạt bỏ một nhà phê bình nào đó là do ý thức hệ thời ấy chi phối, đến thời sau nhà phê bình đó được nhìn lại lại cũng do ý thức hệ thời ấy đòi hỏi. Cho nên sự đánh giá khác nhau, nâng lên đặt xuống là chuyện thường.

    Xét về mặt hệ hình nếu từ năm 1949 đến nay, lấy năm 1979 làm mốc chia làm hai giai đoạn, thì 30 năm trước phê bình theo hệ hình chính trị, còn 30 năm sau phê bình đi theo hệ hình thẩm mĩ. Từ trong Trung Quốc tân văn học đại hệ (1976 – 1982) tác giả Chu Tái, người viết dẫn luận đã bước đầu nhận xét khuynh hướng ấy. Lí luận phê bình văn học Trung Quốc lúc ấy xây dựng trên nền tảng lí luận mác xít, chú trong nội dung thế giới quan của văn học, đồng thời cũng quan tâm tính nghệ thuật, lấy chủ nghĩa hiện thực làm chủ đạo. Đến những năm 80 sự thâm nhập của chủ nghĩa hiện đại, sự lựa chọn phương pháp không bị coi là vấn đề lập trường, thế là văn học bị chia làm hai sơn hà. Phê bình theo nguyên tắc chủ nghĩa hiện thực vẫn còn, nhưng không đồng nghĩa với phê bình mác xít. Khảo sát phê bình theo quan điểm mác xít ở Trung Quốc hiện thời không thể không thấy một bức tranh mâu thuẫn và bất đồng. Các cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện thực nêu trên đây đã cho thấy nhận thức khác trước, mà mâu thuẫn và bất đồng cũng tạo nên một sức căng nội tại của lí luận. Phê bình mác xít không coi nhẹ nghiên cứu nội tại, nhưng coi nghiên cứu ngoại tại là nhiệm vụ ưu tiên, nhưng những năm 80 thì văn học hướng nội, phê bình cũng hướng nội. Phê bình mác xít ở Trung Quốc trở thành dung tục hoá là do đồng nhất văn học với vũ khí đấu tranh giai cấp.

    Phê bình chuyển sang hệ hình thẩm mĩ đánh dấu sự trỗi dậy của phong trào nghiên cứu mĩ học, nghiên cứu hình thức, nghiên cứu tưởng tượng, du nhập tư tưởng phương Tây, tạo thành một phong trào “văn học thuần tuý”. Phê bình vẫn quan tâm hiện thực nhưng chú trọng đánh giá giá trị thẩm mĩ. Và cùng vơi khuynh hướng đó cá tính, tài năng của nhà phê bình được đề cao, phát huy chưa từng có.

     Triết học và phong trào văn hoá có ảnh hưởng lớn đến phê bình văn học. Với sự giới thiệu các tư tưởng khai sáng, chủ nghĩa mác phương Tây, chủ nghĩa  Freud, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa hiện sinh, triết học hậu hiện đại, triết học hiện tượng học, thông diễn học, trào lưu văn hoá học…Các tư tưởng ấy trên nét lớn đã làm thay đổi nền tảng triết học của phê bình văn học Trung Quốc. Từ chủ nghĩa hiện thực đến chủ nghĩa hiện đại rồi hậu hiện đai, sự thay thế và cùng tồn tại của chúng đã làm quan niệm văn học đã thay đổi lớn, đặc biệt là quan niệm về tiểu thuyết, đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác và phê bình. Chúng ta có thể thấy từ khoá và phổ hệ tri thức của phê bình đã được kiến tạo mới. Từ khoá quen tai của giai đoạn phê bình văn học cách mạng là giai cấp, đấu tranh, lập trường, thế giới quan, chính trị, cách mạng, đời sống hiện thực, đề tài, điển hình, tính đảng, hiện thực xã hội chủ nghĩa… sau đó thay thế bằng diễn ngôn khai sáng như tính người, chủ nghĩa nhân đạo, tính chủ thể, cái tôi, hình thức, bản thể, tồn tại, ngôn ngữ, kí hiệu.. Rồi tiếp theo là diễn ngôn hiện đại và hậu hiện đại: tính hiện đại, hậu hiện đại, giải cấu trúc, hậu thực dân, dòng ý thức, sự cáo chung, tác giả đã chết, đa nguyên, nữ quyền luận, viết thân thể, tính dục, phi trung tâm, phản bản chất, tính phân mảnh… Phê bình đã hoàn toàn thay đổi.

     Ngày nay phê bình văn học trên thế giới đã là bộ môn khoa học độc lập. Phê bình văn học Trung Quốc sau những năm 90 chịu ảnh hưởng của phê bình văn học phương Tây rất lớn, song các vấn đề quan hệ văn học với hiện thực vẫn còn được quan tâm, các trào lưu nghiên cứu văn hoá, hậu thực dân, nữ quyền luận, tân lịch sử chủ nghĩa càng làm cho phê bình văn học mác xít vẫn còn là một khuynh hướng có ý nghĩa nhưng không còn là chủ đạo. Tái chính trị hoá trong phê bình không phải là trở lại với đấu tranh giai cấp như trước. Dù coi trọng lịch sử hay coi trong ngôn ngữ đều đem lại cho phê bình những tìm tòi mới. Vấn đề hệ hình mới được xác lập, nhưng sự vận dụng chín muồi, mối quan hệ giữa phê bình với bạn đọc, với sáng tác, với thực tế vẫn chưa đạt đến một trạng thái thực sự tốt đẹp. Phê bình văn học Trung Quốc vẫn chưa thành một bộ môn khoa học độc lập, bởi vì nó chưa được Trung Quốc hoá, chưa có phương thức quan tâm hiện thực của riêng nó.

      Trong ba mươi năm thời kì mới phê bình văn học Trung Quốc luôn phát triển trong sự khủng hoảng về ý thức. Tiếng kêu “khủng hoảng” cứ vang lên đều đều. Đầu những năm 80 người ta kêu phê bình khủng hoảng vì phương pháp cũ, thiếu phương pháp mới. Trước hiện tượng như “thơ mông lung”, người ta không biết phê bình đánh giá thế nào. Giữa những năm 80 rộ lên cơn sốt phương pháp luận, các phương pháp được giới thiệu rất nhiều. Những người hăng hái vận dụng phương pháp mới được chào đón nhiệt liệt như Lâm Hưng Trạch, Trình Văn Siêu, Lỗ Xu Nguyên, Lưu Tái Phục, Quý Hồng Chân, Trần Liêu… Phần lớn họ là những người di thực phương pháp nước ngoài vào văn học Trung Quốc, như phân tâm học, hệ thống luận, tin học, kí hiệu học.., có góc nhìn mới, thao tác mới, mở ra cánh cửa mới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vết tích nước ngoài. Lâm Hưng Trạch cho biết sự vay mượn chỉ là thủ đoạn, cái chính là dùng phương pháp khoa học tự nhiên để phá vỡ tính khép kín của phê bình văn học Trung Quốc lâu nay. Nhưng sau phương pháp luận người ta vẫn lại kêu khủng hoảng. Lần này lí do là do vận dụng giản đơn, chưa nhuần nhuyễn, giữa quan niệm, phương pháp, thao tác chưa ăn khớp. Mã Khổng Đa phê bình tệ sùng bái chủ nghĩa khoa học, sự không ăn nhập giữa phương pháp khoa học tự nhiên với khoa học nhân văn[4].Tác giả vận dụng phương pháp mới rất nhiều. Có thể kể Đồng Khánh Bính, Đào Đông Phong, Lí Xuân Thanh, Phương Khắc Cường, Quách Tử Đông, Lí Cát, Vương Hựu Bình, Từ Đại, Nam Phàm, Trình Văn Siêu … Tuy có đem lại cái mới, mở ra của sổ mới, song nhược điểm chính mà giới phê bình nhận xét là, chưa thoát khỏi sự tầm thường (bình dung), tức là thiếu hoặc không có sáng kiến, thường là nói theo, phụ hoạ, thiếu ý thức sáng tạo độc lập, chưa có tính nguyên sáng. Sang thế kỉ mới lại có tiếng kêu khủng hoảng mới. Đó là phong khí phê bình sách vở nhiều, sinh động ít, màu Tây nhiều, sắc Trung Hoa ít…Phê bình trường, Viện chưa đi vào đông đảo người đọc, còn cách xa văn học đại chúng. Căn bệnh chủ yếu của phê bình văn học Trung Quốc đương đại là sự ngheo nàn về tính độc sáng[5].      

     Bước sang thế kỉ mới, phê bình văn học Trung Quốc muốn chuyển thêm một bước mới. Theo Đàm Vận Trường, loại phê bình thứ ba này có mấy đặc điểm sau. Một là tích luỹ tri thức là rất đáng quý và cần thiết, song khi đã có rồi nên đem toàn bộ tri thức để vào trong ngoặc, treo lên, bởi tri thức trở ngại cho độc sáng. Dùng trí tuệ đối diện văn học Trung Quốc cho đến khi nào phát hiện ra vấn đề và giải pháp mới. Nói thế tức là trở lại với lối phê bình thông thường, để khái niệm tri thức, sang một bên, chỉ nghe theo cảm quan và thường thức của mình, lúc đó tri thức có được sẽ là độc sáng, chỉ thuộc về chính mình[6]. Đó là ý hướng đầy dũng cảm và tham vọng, nhưng nói thật, không có gì mới. Tuy nhiên, theo chúng tôi, phê bình văn học hiện nay không thể quay lưng với hệ hình khoa học đương đại. Thứ hai là phê bình coi trọng độc sáng, coi trọng phương pháp xử lí tư liệu và khảo chứng, khắc phục lối phê bình chỉ dựa vào quan điểm, cảm tính. Thứ ba là chuyển hướng nghiên cứu văn hoá, đối diện với sinh thái hiện tồn của con người.

      Sự chuyển hướng thẩm mĩ và học thuật và đòi hỏi độc sáng đang là bước chuyển có nhiều hứa hẹn. Tất nhiên phê bình văn học là lĩnh vực không mấy khi làm thoả mãn mọi người, trong xã hội vẫn luôn luôn nêu ra những yêu cầu mới. Tuy vậy cuộc chuyển hướng trên sẽ tạo ra một nền phê bình văn học mới, có tính sáng tạo và tính tự chủ độc lập của chuyên ngành.


[1] Vương Quang Minh. Chuyển hướng học thuật của phê bình văn học, Văn đàn phương Nam, số 6 – 1997.

[2] Hầu Văn Nghi Bàn về quan niệm và phê bình văn học, Khoa học xã hội xb., 2007, tr. 229 – 231.

[3] Vương Nhiêu, Lâm Kiến Pháp, Sự hình thành, phát triển và chuyển đổi hình thái của phê bình văn học Trung Quốc đương đại. Tạp chí nghiên cứu lí luận văn nghệ, số 5, năm 2010. Bài này sử dụng nhiều nhận định của hai tác giả này.

[4] Mã Khổng Đa. Phương pháp luận mới của phê bình văn học và sự sùng bái khoa học, Tranh minh, số 5 – 1992.

[5] Ân Quốc Minh. Sự nghèo nàn về độc sáng. Văn hoá Đông Phương, số 5 – 1997.

[6] Đàm  Vận Trường. Thời đại không có tri thức – sự lựa chọn văn hoá của loại phê bình văn học thứ ba. Vănnghệ tranh minh, số 1 – 1999.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Chiến lược diễn ngôn trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn

Trần Đình Sử

Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là một trong những áng văn hùng hồn, thống thiết hiếm có trong di sản Hán văn của dân tộc ta, được liệt vào hàng “thiên cổ hùng văn”, nghĩa là áng văn hùng tráng của muôn đời.

Bài hịch này nguyên bằng chữ Hán, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư do Lê Văn Hưu khởi đầu, Ngô Sĩ Liên và nhiều sử gia khác kế tục hoàn thành, vốn có đầu đề là Dụ chư tỳ tướng hịch văn,nghĩa là bài hịch dạy các tướng dưới quyền. Đến đầu thế kỷ XX, các học giả đem dịch giới thiệu rộng rãi cho quốc dân mới đặt nhan đề là Hịch tướng sĩ văn . Gần đây các tác giả bộ Thơ văn Lý  Trần mới đặt tên theo Đại Việt sử kí. Nhưng đông đảo người đọc vẫn quen với tên Hịch tướng sĩ.

Hịch là thể văn nghị luận cổ xưa dùng để tập hợp lực lượng, lên án kẻ thù, kêu gọi hành động, răn dạy, vỗ về quân sĩ, dân chúng. Người ta cũng gọi hịchlộ bố, nghĩa là ban bố công khai cho mọi người ai nấy đều hay. Hịch không phải là thể văn của thời bình, càng không phải thể văn của sinh hoạt đời thường. Đó là thể văn được viết ra vào những thời khắc khủng hoảng, khi Tổ quốc lâm nguy, gian đảng tiếm quyền hay tai họa khủng khiếp đe dọa tính mạng dân chúng, đòi hỏi mọi người đồng sức, đồng lòng đứng lên khắc phục. Để tập hợp mọi người, hịch phải có lập trường chính trực, quan điểm rõ ràng, chứng cớ xác thực, lời lẽ đanh thép. Để kêu gọi hành động, hịch phải biết kích động tình cảm, lời lẽ thống thiết, gây niềm công phẫn, đau đớn, khiến người có lương tâm không thể ngồi yên. Xét các yêu cầu đó, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn quả là một kiệt tác vô song. Đã hơn 700 năm trôi qua mà mỗi lần đọc lại bài văn vẫn làm người đọc bồi hồi xúc động.

Bài hịch này được viết vào lúc nào, hiện chưa có ý kiến nhất trí. Theo sách Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (1987) thì nó được công bố vào tháng 9 năm 1284 tại cuộc duyệt binh ở bến Đông Thăng Long.

Tháng 10 năm 1283, khi quân Nguyên một mặt cho quân bộ đổ xuống phía Bắc, yêu sách vua Trần cung cấp lương thảo và binh lính đi đánh Chiêm Thành, mặt khác chúng cho quân thủy đánh chiếm cảng Chiêm Thành (Quy Nhơn), đe dọa đem 50 vạn binh đánh nước ta, vua Trần trao cho Trần Hưng Đạo chức Tiết chế thống lĩnh chư quân (Tổng chỉ huy quân đội). Gần một năm trời Trần Quốc Tuấn nghiên cứu binh pháp, bố trí lực lượng, chuẩn bị đánh giặc. Bài hịch vừa là lời răn dạy, vừa là lời bộc bạch tâm huyết, vừa là bản mệnh lệnh quân sự, lại vừa là lời thề, đã làm nức lòng quân đội. Nhiều người tự nguyện thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” biểu thị quyết tâm không đội trời chung với giặc. Hiệu quả ấy hẳn có liên quan tới nội dung và nghệ thuật của áng văn.

Bài hịch gồm ba phần lớn. Phần đầu nêu gương trung thần, nghĩa sĩ dám xả thân lập công, ghi tên sử sách. Phần hai nêu rõ nguy cơ mất nước, lên án thái độ vô trách nhiệm, chỉ biết vui chơi, hưởng lạc, vạch ra tai họa sắp đến, bộc lộ tình cảm yêu nước, căm thù giặc. Đoạn cuối kêu gọi cảnh giác, học tập binh pháp, rèn luyện võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc. Cũng có thể chia đoạn giữa thành hai phần.

Mở đầu bài hịch, Trần Quốc Tuấn dùng một giọng chuyện trò để đối thoại với các tỳ tướng : nêu sự việc và nêu câu hỏi để họ tự trả lời. Tác giả nêu ra một lúc, theo lối liệt kê, sáu tấm gương đạo đức trung thần, nghĩa sĩ liều thân cứu chủ, sống chết theo chủ trong sử sách Trung Quốc, như một lẽ phải ở đời :

–  Kỷ Tín chết thay cho Hán Cao Đế.

–  Do Vu che giáo cho Chiêu Vương.

–  Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ.

–  Thân Khoái chết theo Trang Công.

–  Kính Đức cứu thoát Đường Thái Tông.

–  Cảo Khanh mắng giặc, không theo kế giặc mà làm phản chủ.

Đó là những tấm gương có tác dụng kích thích chí lập công danh, lưu tên sử sách cho các tỳ tướng. Để tăng hiệu quả kích động, tác giả còn hỏi thêm : các người muốn theo thói nữ nhi thường tình, chết già ở xó cửa hay bỏ mình vì nước, lưu danh muôn thuở ?

Chừng như thấy các tỳ tướng còn ngờ vực về các sự tích cổ xưa, Trần Quốc Tuấn còn kể thêm bốn tấm gương gần hơn trong cuộc chiến tranh Tống, Nguyên mới đây : Vương Công Kiên và Nguyễn Văn Lập người đời Tống, chống Nguyên ; Cốt Đãi Ngột Lang và Xích Tu Tư thuộc quân Nguyên, tiến đánh Nam Chiếu. Chủ tướng và tỳ tướng đều hợp sức lập công, lưu truyền tiếng tốt.

Tất cả mười tấm gương ấy đều khẳng định một nguyên lý đạo đức truyền thống có tính phổ biến : là tướng sĩ, mọi người đều phải hết lòng trung nghĩa, phụng sự triều đình, vương chủ và đất nước, dù chết cũng cam lòng.

Sau khi nêu gương, chủ tướng mới nói về hiện tình nguy cơ của đất nước và nỗi lòng lo lắng, căm phẫn của mình.

Tiếp tục mạch chuyện trò, tác giả lại nhắc đến hoàn cảnh chung của “ta” và “các ngươi” : “Huống chi ta cùng các ngươi, sinh phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Hai chữ “sinh” và “lớn” nói tới kinh nghiệm chung của Trần Quốc Tuấn và các tỳ tướng. Từ lần xâm lược thứ nhất của quân Nguyên, năm 1258, đến năm 1284, thời gian trên 25 năm, đủ cho một thế hệ tướng sĩ sinh ra và trưởng thành. Trong thời gian ấy, ai mà không thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, thấy đủ mọi hành động dối trá, tham lam, ngang ngược, làm nhục quốc thể. Tác giả nhắc lại các biểu hiện đó với một lòng căm thù sôi sục, đau đớn, nhức nhối, bằng những từ ngữ mạt sát, hạ nhục quân giặc : “Uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”.

Đây đúng là lúc mà sứ bộ nhà Nguyên nay đòi vua Trần sang chầu, mai đòi cống nạp vật quý, yêu sách đủ đường, vì chúng rắp tâm xâm lược nước ta. Trần Quốc Tuấn nhìn rõ dã tâm đó trong hình ảnh “hổ đói” và nguy cơ “tai vạ về sau”.

Trong văn mạch chuyện trò, vị chủ tướng có dịp bộc bạch lòng căm thù và ý chí tiêu diệt quân giặc với lời văn thống thiết, mạnh mẽ theo phong cách cổ điển. Đọc lời văn, ta như cảm được nỗi đau của ông : “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

Vị chủ tướng đã quên ăn, quên ngủ (“vỗ gối” là vỗ gối kê đầu, biểu thị uất ức, trằn trọc), ngày đêm tìm kế diệt giặc, đau đớn rơi lệ, sẵn sàng hy sinh để trả thù giặc. Mức độ căm thù đã lên tới tuyệt đỉnh : “… xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù” là ước lệ văn chương, biểu thị lòng khao khát trả thù cháy bỏng. Mức độ quyết tâm cũng lên tới tột cùng : “trăm thân”, “nghìn xác” là hình ảnh biểu thị dù có phải chết đến trăm lần, nghìn lần cũng xin làm.

Để kêu gọi, ràng buộc các tỳ tướng đồng sức, đồng lòng với mình, Trần Quốc Tuấn trước hết nhắc lại mối ân tình đồng gian khổ, chia hoạn nạn với họ. Bao nhiêu năm chủ tướng quan tâm tỳ tướng trong mọi mặt đời sống, sống chết trong chiến đấu, vui thú trong hòa bình. Phép liệt kê, trùng điệp đã tô đậm mối ân tình. Lời lẽ đầy vẻ ban ơn, nhưng đó là đặc điểm quan hệ chủ tướng và tỳ tướng ngày xưa dưới thời phong kiến.

Từ tầm cao trách nhiệm với đất nước, từ nguyên tắc đạo đức trung nghĩa và ân tình, Trần Quốc Tuấn đã quở trách hàng loạt biểu hiện vô trách nhiệm, lơ là cảnh giác một cách thẳng thắn, gay gắt, gần như là “xỉ mắng” : “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm ; hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển…”.

Phải nói đó là những lời quở trách hết sức nặng nề : “không biết lo”, “không biết thẹn”, “không biết tức”, “không biết căm”… thì còn đâu là con người có lương tâm nữa ! Nếu quả tỳ tướng của Trần Quốc Tuấn mà tinh thần đến như vậy thì còn đâu sức chiến đấu ! Đọc Đại Việt sử ký toàn thư thấy gia thần của ông như Dã Tượng, Yết Kiêu, các môn khách như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực… đều là những người trung nghĩa. Trung nghĩa là một nét nổi bật của tinh thần Đông  A (tức nhà Trần). Cho nên, số người cầu an, hưởng lạc tuy vẫn có, nhưng có phần chắc là Trần Quốc Tuấn dùng phép khích tướng, kích họ bằng cách sỉ nhục, đẩy họ vào thế phải chứng tỏ tấm lòng biết lo, biết thẹn, biết tức, biết căm mà đồng lòng hiệp sức cùng chủ tướng đánh dẹp quân thù.

Thái độ của chủ tướng là cực lực công kích thói cầu an, ham vui chơi, hưởng lạc mà lơ là cảnh giác, không thấy mối nguy diệt vong. Ông mỉa mai khinh miệt các thói ham chơi tầm thường : “Nếu có giặc Mông Cổ tràn sang thì cựa gà trống không sao đâm thủng áo giáp giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh. Tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không làm giặc say chết…”. Tất cả mọi suy luận ở đây dù rất nhiều vẻ, đều tập trung vào một mục đích duy nhất là tiêu diệt quân xâm lược, đối phó với âm mưu xâm lược, và so với mục đích ấy thì tất cả đều trở nên vô nghĩa ! Phải nói ngay rằng cách liên hệ “rượu ngon” với việc “làm giặc say chết”, “tiếng hát hay” với việc “làm cho giặc điếc tai…” là không tương xứng về mặt lôgíc, bởi vì không ai tính chuyện đem rượu ngon mà làm giặc say chết cả  ! Nhưng chính vì sự không tương xứng đó mà tính chất phi lý của việc ăn chơi, hưởng lạc lúc ấy lại càng bộc lộ rõ rệt, gay gắt hơn bao giờ hết. Đó là nghệ thuật biện luận tài tình của Trần Quốc Tuấn, làm cho những kẻ ăn chơi phải hổ thẹn.

Nhưng vị chủ tướng không dừng lại ở chỗ đó. Ông tiếp tục suy luận, và đẩy suy luận đi đến tận cùng. Nếu không giết được giặc thì tất bị giặc bắt. Không thể có lối thoát nào khác. Vị chủ tướng liền chỉ ra một chuỗi hậu quả của nguy cơ đó, cái này tiếp theo cái kia còn nặng nề hơn, nhưng không thể tránh được : “Lúc bấy giờ, ta và các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào ! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi  ; chẳng những xã tắc, tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ của cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên…”.

Các hậu quả càng ngày càng nặng nề, càng dài lâu, sâu thẳm, và cuối cùng, cái thú vui chơi, hưởng lạc thiển cận kia cũng không thực hiện được : “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi, phỏng có được không ?”. Có thể nói Trần Quốc Tuấn đã truy kích tư tưởng ham chơi, hưởng lạc không hợp thời đến tận cùng, làm cho ai cũng thấy nó là vô lý và nguy hiểm. Trần Quốc Tuấn không bài bác việc vui chơi, hưởng lạc, nhưng các việc đó không được phương hại cho việc bảo vệ Tổ quốc. Chuỗi hậu quả tai hại được sắp xếp tài tình, vạch rõ được việc vui chơi, hưởng lạc thiển cận, chỉ rõ được tai họa diệt vong tất yếu sẽ đến. Đó là nghệ thuật suy luận tài tình, vừa cho thấy hậu quả tai hại, vừa cho thấy lợi ích triều đình, chủ tướng và lợi ích của các tỳ tướng gắn bó chặt chẽ như môi với răng, môi hở, răng lạnh.

Phần ba chuyển sang lời răn dạy và mệnh lệnh. Khi các tỳ tướng đã bị thuyết phục bởi mối nguy xâm lược và họa diệt vong, Trần Quốc Tuấn bèn dạy bảo bài học cảnh giác : “Nay ta bảo thật các ngươi, nên nhớ câu : “Đặt mồi lửa dưới đống củi” là nguy cơ, nên lấy điều “Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ”. Ở đây Trần Quốc Tuấn sử dụng hai thành ngữ cổ của Trung Quốc. Sách Hán thư Trung Quốc có câu : “Đem lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên mà ngủ, lửa chưa kịp cháy bèn bảo là an toàn”, chỉ một tình huống tự lừa dối mình một cách ngớ ngẩn. Trần Quốc Tuấn chỉ ra bài học : “Nên xem việc để mồi lửa dưới đống củi là mối nguy”. Câu dịch trong bài ở đây chưa thật thoát ý. Thiên Cửu Chương của Khuất Nguyên có câu : “Người bị bỏng canh mà thổi dưa ôi, Sao chẳng đổi chỗ ấy đi” (Đào Duy Anh dịch). Người Trung Quốc hiểu đó là một cách rút kinh nghiệm quá đáng. Sợ canh nóng mà đến nỗi rau nguội cũng thổi cho nguội nữa thì buồn cười. Ở đây Trần Quốc Tuấn nói : “Nên lấy việc kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm bài học răn mình” (tức bài học cảnh giác). Câu dịch trong bài chưa thoát ý(1). Cả hai câu tác giả đều nhấn mạnh bài học cảnh giác, chớ để nước đến chân mới nhảy thì không kịp.

Ông đề ra nhiệm vụ với mục tiêu cụ thể : huấn luyện quân sĩ, tập luyện cung tên tới mức tài nghệ để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt nơi cửa khuyết (cửa lớn ở kinh thành), làm rữa thịt Vân Nam Vương, tức Thoát Hoan, con thứ chín của Hốt Tất Liệt, cũng tức là bêu xác y. Có như thế mới bảo vệ được các quyền lợi chính đáng của mình. Ông lập lại một thứ tự các phúc lợi được hưởng, có cái này thì sẽ được cái kia, và trở về với việc vui chơi : “Lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không ?”. Câu hỏi này hô ứng với câu hỏi trên, được nêu ra như một niềm tự tin, và ta như nhìn thấy nụ cười của vị chủ tướng.

Sau phần răn dạy là phần ra lệnh dứt khoát, bắt buộc : “Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái với lời ta dạy thì trọn đời là nghịch thù !”. Bởi vì ta với kẻ thù không đội trời chung, nếu không rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, tức là bó tay mà chịu thua giặc, như thế không phải nghịch thù thì là gì nữa ?

Nhưng Trần Quốc Tuấn không hề bi quan trước tinh thần tướng sĩ. Sau khi làm phép khích tướng, lên án thói cầu an, lơ là cảnh giác, ham vui chơi, hưởng lạc, ông hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi, và dự báo trước cái nhục cho những ai cố tình vui chơi, hưởng lạc lúc này : “Nếu vậy, rồi đây sau khi dẹp yên quân giặc, muôn đời để thẹn, các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa ?”.

Vậy là các tỳ tướng, nếu không lo rửa nhục cho chủ, không huấn luyện quân sĩ, nếu không chết về tay giặc thì cũng không còn chỗ dung thân ở dưới gầm trời. Họ chỉ có một con đường duy nhất là chuyên lo võ nghệ để rửa nhục cho nước và cho chính mình.

Bài hịch này rõ ràng là hịch kêu gọi học tập binh pháp, chuẩn bị giết giặc, nhưng đồng thời cũng là hịch kêu gọi giết giặc. Mục đích giết giặc, rửa nhục cho chủ quán xuyến từ đầu đến cuối. Nêu ra mười tấm gương trung thần, nghĩa sĩ, kể ra tình trạng nguy cơ, bộc bạch nỗi lòng khát khao giết giặc, rửa thù, lên án thói hưởng lạc, lơ là cảnh giác, khích tướng, vẽ ra các viễn cảnh tai họa, nêu ra lời răn, lời ra lệnh, tất cả đều hướng vào cái đích giết giặc. Không một lúc nào Trần Quốc Tuấn đi chệch mục đích của mình. Văn như vậy là bắn tên trúng đích.

Nghệ thuật bài văn rất đa dạng : khi thì nêu gương, khi thì trữ tình, khi thì sỉ nhục để kích tướng, khi thì suy luận lôgíc để vẽ ra viễn cảnh tai họa, đầy giọng châm biếm, mỉa mai, khi lại suy luận để vẽ ra viễn cảnh thắng lợi. Lời văn khi thân mật,  khi thống thiết, khi mỉa mai, khi ra lệnh dứt khoát như dao chém gỗ. Nhiều hơn cả là cách dùng câu hỏi tu từ để các tỳ tướng tự suy nghĩ mà tự trả lời, để cho tư tưởng của chủ tướng thấm dần vào tình cảm của tỳ tướng. Tình cảm tha thiết hòa quyện với lý trí sắc bén. Cách dùng hình ảnh cũng rất đặc sắc, tài tình. Bài văn thuộc thể loại văn thư quân sự nhưng lời lẽ không chỉ đanh thép, mà còn mềm mại, thắt buộc, khêu gợi, kích động, quả đúng là một “áng danh văn của nước nhà”. Đằng sau lý lẽ đanh thép, mệnh lệnh dứt khoát, ẩn chứa một tấm lòng ưu ái và một niềm tin tưởng.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

TÍNH CHẤT KÝ HIỆU CỦA

CHÂN DUNG NHÂN VẬT BẰNG NGÔN TỪ

TRONG VĂN HỌC CỔ ĐIỂN TRUNG QUỐC

B.L. RIFTIN(*)

Người dịch: Trần Đình Sử

Tác phẩm văn học trung đại trong khi phản ánh các quan niệm đương thời về thế giới và mô hình hóa chúng vào một hình thức tương đồng nào đó cũng mang theo toàn bộ các mối liên hệ ngoài văn bản. Mọi người đều biết, bản thân nghệ thuật trung đại là những mô hình cực kỳ công thức, trong văn học chúng thường hiện ra dưới hình thức một hình tượng điển mẫu. Tính công thức thể hiện cả trong bản thân sáng tác, lẩn trong phạm vi “đọc hiểu” độc đáo đối với văn bản. Về mặt này thậm chí nghệ thuật cổ đại dù gộp hết các so sánh tương đồng, các hình ảnh biểu tượng, công thức cũng không bão hòa tính ý thức hệ như tác phẩm trung đại. Hệ thống tư duy trung đại vừa quy định tâm thế sáng tác đặc thù của nhà văn thời đó, vừa quy định phương pháp sáng tác(1) đặc thù và thái độ đặc biệt đối với các truyền thống có trước (truyền miệng hay văn bản), từ đó tác giả trung đại có thể hấp thu nguyên vẹn những cốt truyện có sẵn hay các đoạn cốt truyện riêng biệt, vay mượn các hình tượng, biểu tượng hay công thức biểu hiện của chúng. Rất dễ hiểu là với thời gian một số nét nghĩa của hình tượng bị mất đi hay bị biến đổi, do đó việc nghiên cứu tác phẩm văn học trung đại phải bao gồm cả việc giải thích các mối liên hệ của nó với tư duy cổ đại và trung đại, với các phương diện hoạt động của con người ngoài nghệ thuật, cả việc xác định tương quan giữa tác phẩm nghệ thuật với truyền thống trước đó trên cấp độ các đơn vị sơ đẳng của văn bản, trong điều kiện phải tính đến các qui luật chặt chẽ của thể loại và vị trí của văn bản trong hệ thống văn học đương thời.

Trường hợp ngược lại (mà điều này thường xảy ra, nhất là trong các công trình về văn học phương Đông) các tác phẩm truyền thống, đôi khi hấp thụ một cách rất máy móc các tác phẩm có trước, lại hiện ra như một cái mới đối với tác giả đời sau. Đồng thời với việc nghiên cứu tỉ mỉ tương quan giữa tác phẩm trung đại với truyền thống có trước, cần phải, như chúng tôi đã cảm thấy, tiến hành phân tích không phải toàn bộ, mà tối thiểu theo ba cấp độ: cấp độ ý thức hệ, cấp độ miêu tả và cấp độ trần thuật. Sơ đồ này tất nhiên phù hợp hơn đối với tác phẩm tự sự trung đại và đòi hỏi một sự biến đổi đặc biệt đối với tác phẩm có tính chất sự vụ và nghi thức, đối với thơ ca và kịch.

Từ ba phương hướng nghiên cứu tác phẩm tự sự này, để hiểu được tính chất kí hiệu của văn học trung đại, điều quan trọng nhất, tất nhiên là phân tích sự miêu tả. Chính tác phẩm nghệ thuật, thông qua sự miêu tả hình tượng không chỉ truyền đạt cho chúng ta cấu trúc của thế giới, giúp hiểu được đặc trưng của nó, mà còn là cái chìa khóa để hiểu đúng nội dung. Sự miêu tả, như chúng tôi sẽ cho thấy trong bài này, được xây dựng trên cơ sở các khuôn sáo quen thuộc đối với người đọc trung đại, mà phần lớn chúng đều mang tính chất kí hiệu nổi bật. Ở đây tính kí hiệu của sự miêu tả nhân vật với tư cách là bộ phận cấu thành hữu cơ của hệ thống nghệ thuật, thường được xây dựng trên cơ sở các quan niệm đã có trước và được truyền thống cố định lại. Các quan niệm đó đã hình thành trong các phạm vi rất xa lạ đối với nghệ thuật ngôn từ và mang tính chất nghi thức, bói toán và tướng số.

Nhờ tính liên tục của truyền thống văn tự nhiều thế kỉ, và nhờ sự lưu trữ tốt đẹp các tác phẩm kinh điển do sự phát triển sớm nghề in trong thư tịch Trung Quốc mà chúng ta có thể theo dõi trong từng chi tiết quá trình hình thành sự miêu tả kí hiệu và sự tiến hóa của các kí hiệu công thức về nhân vật từ thời kì thần thoại cổ xưa nhất cho đến các hình thức phát triển của nghệ thuật sử thi trung đại.

Chúng ta sẽ bắt đầu với các văn bản cổ xưa nhất, phản ánh ý thức khi còn mang tính thần thoại của người Trung Quốc. Thần thoại cổ đại Trung Hoa truyền lại đến chúng ta dưới dạng rời rạc, “mảnh vụn”, và thường là bị biến cải theo tinh thần lí tính của nho giáo. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng đối với tài liệu, đặc biệt là đối với sự diễn giải của các tác giả cổ đại. Chẳng hạn, các phát hiện của Văn Nhất Đa[1] cho thấy, các quan niệm thần thoại của người Trung Quốc dưới dạng cổ xưa nhất về mặt thời đại, chúng ta có thể tìm thấy không phải trong các kinh điển nho gia cổ xưa nhất (thế kỷ VII-V TCN), mà ở trong các văn bản muộn hơn của các tác giả sống vào các thế kỉ đầu thiên niên kỉ của chúng ta. Điều đó gắn liền với việc các tác giả đó xa rời chủ nghĩa lí tính nho giáo và tiếp nhận các quan niệm tôn giáo của đạo gia, với hứng thú gia tăng vào thời đó đối với tất cả những gì thần bí, khác thường và kinh dị.

Dưới dạng nhân vật thần thoại cổ sơ có hệ thống hơn cả là các vị tằng tổ của người Hoa đã được thần thánh hóa thành những vị cầm quyền huyền thoại của “thế kỉ vàng” cổ đại, được khắc họa trong tác phẩm Đế vương thế kỉ (Ghi chép các đời đế vương) của nhà ngữ văn và nhà thơ nổi tiếng Hoàng Phủ Mật[2] (215-282). Tác phẩm này mặc dù được lưu lại dưới dạng không toàn vẹn vẫn có khả năng cho thấy sự hình thành và tiến hóa của hình tượng và đồng thời là sự hình thành một hệ thống kí hiệu độc đáo.

Ở đầu nguồn của hình tượng văn học có lẽ là sự miêu tả bằng ngôn từ đã có vào thời tư duy thần thoại thuộc giai đoạn phát triển rất xa xưa của văn học. Hình tượng đầu tiên, cổ xưa nhất của truyền thuyết thần thoại là người anh hùng văn hóa, vị chúa tể được đánh dấu bằng các dấu hiệu đặc biệt, có liên quan đến các vị tổ tô tem của tộc người. Rất có thể, vì thế mà hình tượng anh hùng văn hóa được mô hình hóa thành một toàn bộ các dấu hiệu của động vật (nếu như tô tem thuộc thế giới động vật) và của con người, nhưng ở các giai đoạn sớm hơn thì chỉ có dấu hiệu động vật. Thực chất của sự miêu tả này có thể được biểu đạt bằng một công thức cấu tạo giản đơn nhất. Ý nghĩa của hình tượng toát ra từ toàn bộ các dữ kiện được thông báo. Chúng ta hãy đọc các văn bản cổ đại và trung đại và theo dõi cách miêu tả các nhân vật cổ xưa nhất – các vị tổ đầu tiên của người Hoa và của các tộc người khác ở Đông Á. Hóa ra, các nhân vật cổ xưa hơn trong thần thoại cổ đại trong một số văn bản mang bộ mặt thuần túy thú vật.

Trong các phiến đoạn được lưu lại của một văn bản cổ đại có nội dung bói toán dựa trên biên niên sử Xuân Thu và vì thế mà được gọi là “Xuân Thu vĩ”[3] (khoảng thế kỉ I) chứa đựng cách miêu tả tổ tiên thuần túy mang tính chất thú vật như sau: “Phục Hy mình rồng, đầu bò tót, vai rộng”(2), nách rộng, mũi gồ lên như núi, sừng mặt trời, mắt rộng, lông mày ngọc, tóc dựng lên như bờm ngựa đang phi, chuôi tóc như lông chim, môi rồng, răng rùa, thân cao chín thước một tấc”(3). Ở đây thực chất không có gì giống với mặt người, toàn bộ sự miêu tả chỉ là tập hợp các bộ phận khác nhau nào đó, đem so sánh với các bộ phận của cơ thể các loài thú vật. Phục Hy, mặc dù là vị tổ thứ nhất của người Trung Quốc, nhưng trong văn bản này không có đặc điểm con người, nhưng ông cũng không giản đơn là thú vật, mà là một sinh thể dị thường mang dấu hiệu của rồng, bò tót, ngựa, chim, rùa.

Trong sách Đế vương thế kỉ của Hoàng Phủ Mật vừa nhắc đến trên kia đã có giới thiệu một cách hệ thống các nhân vật thần thoại cổ đại, được tôn vinh thành những đế vương huyền thoại của “thế kỉ vàng” cổ đại. Chúng ta tìm thấy ở đấy một sự miêu tả Phục Hy người – thú có phần khác hơn: “Phục Hy, người được quy cho công sáng tạo ra hệ thống bói toán bát quái, văn tự kết thừng, nhạc cụ, ở đây đã được miêu tả với đầu người, nhưng mình rắn (hay rồng), cho thấy mối liên hệ giữa ông ta với tô tem các bộ lạc họ Hạ, mà người Trung Quốc cổ đại miêu tả dưới dạng loài lưỡng thê, chứ không phải rồng hay rắn.

Chúng ta có thể tìm thấy bức tranh tương tự trong miêu tả Nữ Oa, được cho là người em gái của Phục Hy – đồng thời là vợ của ông ta, như thường thấy trong thần thoại, người phụ nữ được quy cho công vá trời, và đồng thời là vị chúa tể đã có công lấy đất sét vàng nặn ra loài người. Trong sách Lỗ sử (Lịch sử thời thượng cổ) của Luo Bi[4] (thế kỉ XII), dựa trên các tư liệu cổ xưa hơn, thì Nữ Oa được miêu tả như sau: “Mình rắn, đầu bò tót, tóc sáng”(5). Theo chú thích cho sách của Luo Bi viết vào thế kỉ XVI của một ông Han Ping nào đó, trích dẫn từ kinh điển đạo giáo Liệt tử, trong đó nói Phục Hy và Nữ Oa cả hai người “mình rắn, đầu bò tót, mũi hổ”(6), tức là có thêm một chi tiết nữa. Cái công thức thống nhất trong việc miêu tả nhân vật, xem ra được giải thích là cùng huyết thống… Giống như Phục Hy, hình tượng Nữ Oa cũng được tiến hóa từ thú vật đến người – thú: trong chỗ tương ứng ở sách của Hoàng Phủ Mật, thay cho chi tiết “đầu bò tót”, là chi tiết “đầu người”. Trong sách Liệt tử  truyền lại đến nay chúng ta tìm thấy hình như có sự kết hợp cả hai truyền thống đó, bởi vì cả Nữ Oa và Phục Hy, ở đây “đầu bò tót”, nhưng “mặt người”(8). Trong sách Hoàng Phủ Mật, Nữ Oa và Phục Hy có bộ mặt người – thú giống nhau, đúng như hình ảnh của các nhân vật đó được khắc đá trong khoảng thế kỉ I – II công nguyên.

Nếu quan sát sự miêu tả các nhân vật thần thoại cổ đại khác, được cho là hậu duệ và người nối dõi Phục Hy và Nữ Oa, như Thần Nông, vị tổ, theo thần thoại, đã dạy cho dân chúng biết cày ruộng, gieo hạt, thì trong chân dung ông ta cái chiếm ưu thế là các chi tiết người: “Thần Nông mình người, đầu bò tót” – ta đọc thấy trong sách của Hoàng Phủ Mật. Sau đó, giống như các trường hợp nêu trên, là sự xác định các phẩm chất đạo đức của nhân vật: “Ông có phẩm chất hiền minh”. Trong một tác phẩm thuộc khoảng đầu công nguyên có miêu tả một vị “thánh nhân có tên là Sĩ Nhiếp, người màu xanh, lông mày dài, đầu mang ngọc mềm làm trang sức”. Theo các tác giả biên soạn cuốn bách khoa thư đầu tiên của Trung Quốc là Nghệ văn loại tụ[5] thế kỉ XII, thì lại cho người đó là Thần Nông(9). Sự miêu tả này rõ ràng khác biệt với chân dung người – thú thời cổ sơ đã dẫn trên kia, bởi vì nó đã dựa hoàn toàn vào bề ngoài của con người. Đáng chú ý còn có một chi tiết trong sự miêu tả đó: trang sức trên đầu. Như ta sẽ thấy sau đây, các chi tiết tương tự sẽ trở thành công thức thường trực trong việc miêu tả các bậc đế vương huyền thoại cổ đại.

Quá trình “người hóa” bộ mặt bề ngoài của các nhân vật còn diễn ra tiếp tục. Theo tư liệu, Hoàng Đế, vị thủy tổ của người Hoa, theo truyền thống cổ đại Trung Quốc, là kẻ kế vị của Thần Nông, “có sừng mặt trời và mặt rồng”(10), nhưng một biến thể khác, thì ông ta có “bốn mắt”(11). Giống như các trường hợp nêu trước, người ta miêu tả những bộ mặt dị thường (mặt rồng), được bổ sung thêm sự đánh giá đạo đức nhân vật: “người hiền minh”. Bộ mặt rồng của Hoàng Đế đã không còn giản đơn là tàn dư bản tính thú vật của nhân vật thần thoại, mà đã là một dấu hiệu độc đáo, chỉ ra mối liên hệ giữa Hoàng Đế – bậc đế vương màu vàng, được coi là thủy tổ của người Hoa, với tô tem rồng của các bộ lạc ấy. Cái “sừng mặt trời” có phần nào bí ẩn mà chúng ta bắt gặp trong chân dung Phục Hy, xem ra được chuyển vào chân dung một nhân vật muộn hơn, như là dấu hiệu của nguồn gốc khác thường và tính đặc tuyển của nhân vật. (Xin chú ý sự di truyền các đặc điểm diện mạo bề ngoài từ nhân vật này sang nhân vật khác, cũng giống như sự dịch chuyển hoạt động của nhân vật trong các biến thể khác nhau của thần thoại). Chẳng hạn, một hoạt động đã quy vĩnh viễn cho Thần Nông là tìm ra cây thuốc, đã có trường hợp quy cho Hoàng Đế(12). Ngoài các đặc điểm khác thường trong bộ mặt của Hoàng Đế đã nêu với ý nghĩa khẳng định, ông ta còn có bốn mắt(13) và thậm chí là bốn bộ mặt(14). Các chi tiết này đã không còn gắn liền với quan niệm tô tem cổ xưa, mà gắn với sự “nâng cao” Hoàng Đế lên Trời và đặt ông ta vào đẳng cấp vị thần tối cao của Trung Quốc (Trung tâm), là cái đứng cao hơn tất cả, nhìn thấy tất cả những gì xảy ra bốn phương của thế giới. Trong truyền thuyết về sự sinh hạ kì diệu Hoàng Đế (ông hình như được hoài thai từ tia chớp) người ta còn tạo ra chi tiết, một kí hiệu khác thường của đứa trẻ sơ sinh: vừa sinh ra ông đã biết nói ngay(15).

Các yếu tố miêu tả ngoại hình sẽ tìm thấy ở thế hệ cháu của Hoàng Đế, được biết dưới cái tên Chuyên Húc. Bộ mặt của ông này không được miêu tả trong các cuốn sách cổ, mà chỉ được nói đến: “Nữ Thục đẻ ra Chuyên Húc ở vùng Nhược Thủy, trên đầu ông ta có sẵn dáo và mộc. Ông có đức hiền minh”(16).

Chúng ta thấy, trong sự miêu tả diện mạo bên ngoài của các nhân vật thần thoại đã cho thấy một cái gì mà nhân vật ấy mang ở trên đầu. Trong văn bản được trích về Thần Nông ở trên, về tính chất thì muộn hơn rõ rệt, đã nhắc đến sự trang sức, tức là một đồ vật rất thực tế. Sự miêu tả ở đây đã gợi lên một sự kinh ngạc: trên đầu đứa trẻ có dáo và mộc. Các nhà nho có tư duy lí tính, những người làm chú thích cho các trước tác cổ đại đã nhiều lần băn khoăn với các chi tiết đó, cho rằng chữ Hán “đái” (mang) trên đầu trong văn bản đã nhầm với chữ Hán tương tự là “diên” (con diều hâu, chim ưng), còn chữ “can” (cái mộc) trong trường hợp này là chữ rút gọn của chữ “kiên” ( vai)(17). Trong cách giải thích không phải là không gây tranh cãi này, vẫn còn một chữ “thủ” (đầu) và chữ “thuẫn” (cái mộc) chưa được giải thích, chữ này lại tạo nên một cặp ngữ nghĩa với chữ dáo. Cũng cần nhớ rằng, sự miêu tả bất cứ cái gì mang trên đầu đều tham dự vào cái mô hình bền vững trong việc miêu tả các nhân vật thần thoại cổ đại. Ngoài Thần Nông ra ở đây có thể dẫn ra sự miêu tả bộ mặt của Tây Vương Mẫu (trên đầu mang cái “thắng” – chiếc trâm cài tóc). Tổng hợp lại, như ta thấy, ở đây “cái dáo và mộc” với tư cách là biểu tượng về vũ khí cần thiết để thay thế cái sừng, bởi vì rõ ràng nó là cái thứ mà các vị tổ tiên xa xưa hơn còn mang hình thú vật như Thần Nông mang trên đầu như con bò đực.

Các nguồn thư tịch đã thông báo ngắn gọn về diện mạo bề ngoài của vị Đế Khốc thần thoại, người kế tục Chuyên Húc. Tư Mã Thiên chỉ viết rằng, đứa trẻ mới sinh đã có đặc điểm “vừa sinh ra thần minh và tự gọi tên  mình”(18). Nhưng Hoàng Phủ Mật lại cung cấp nét khác biệt nhất để phân biệt Đế Khốc[6] với tất cả các nhân vật khác: ông ta có hàm răng mọc liền nhau, có hiền đức”(19). Ở các chỗ khác của trước tác có nói rằng “ông sinh ra là có ngay các răng sữa” (tr.31), hay thậm chí “hàm răng gãy” (tr.30).

Một trong những tác phẩm đầu công nguyên có nhắc đến việc “Đế Khốc mang trên đầu chiếc mộc”, và ở đây rõ ràng là lặp lại cái mô hình đã có trong tiền nhân Chuyên Húc. Nếu không chấp nhận cách giải thích của các nhà chú thích, theo đó, thay cho chữ “mang trên đầu cái mộc” phải đọc là “trên vai ông ta có con chim ưng, thì phải thừa nhận rằng, sau Thần Nông và Hoàng Đế các đặc điểm thú vật biến mất khỏi việc miêu tả các vị tổ tiên thần thoại của người Hoa. Ở giai đoạn này việc sáng tạo chân dung nhân vật được hình thành bằng cách tổng hợp các đặc điểm động vật và con người, trong đó dần dần diễn ra sự thay thế bằng các sự vật thuộc thế giới gần gũi với con người. Sự thay thế này được thực hiện theo các dẫn liệu chức năng (vũ khí: mộc, dáo thay cho sừng với tư cách là vũ khí chiến đấu và phòng thủ).

Tuyến miêu tả chân dung tiếp theo được đánh dấu bằng việc miêu tả các đế vương cổ đại, những người được coi là nửa thần thánh, nửa truyền thuyết, như Nghiêu, Thuấn và Vũ. Sự miêu tả ông Nghiêu cô đọng hơn cả. Mọi người đều biết ông ta cao mười thước (xích) và lông mày tám sắc. Đặc điểm sau cùng là dấu hiệu chỉ có ở người thông thái và sáng suốt, có kiến thức về các hiện tượng trên trời như mặt trời, mặt trăng và thiên giới.

Trong các cuốn sách cổ người ta miêu tả tỉ mỉ hơn chân dung của người kế vị ông ta là Thuấn và Vũ. Ông Thuấn có mặt rồng, miệng lớn. Mình đen. Cao sáu thước một tấc. Ông là người hiền minh – Đó là điều đọc thấy trong sách của Hoàng Phủ Mật. Trong các đoạn khác của cuốn sách đó ta còn tìm thấy một chi tiết: Thuấn “có đôi mắt có hai đồng tử”. Trong sách Hiếu kinh chi tiết này còn được bổ sung thêm một nét: “Tay nắm chặt như một dấu hiệu đặc biệt”. Các nhà chú thích đề nghị hiểu các đặc điểm của ông như sau: “Mắt hai đồng tử làm nhớ tới ánh chớp, mồm lớn là miệng đấu há to của chòm sao Đại hùng (Gấu lớn). Cái dấu hiệu nắm chặt trong tay ám chỉ rằng Thuấn đã lao động đến vã cả mồ hôi trước khi ngồi vào ngai vàng. Rõ ràng tất cả các giải thích ấy cho thấy cần phải hiểu các đặc điểm chân dung của Thuấn không phải theo nghĩa đen, mà theo nghĩa biểu tượng, ẩn dụ, có lúc theo ý nghĩa của lí thuyết tướng số. Nhưng những người bình luận muốn bỏ qua các chi tiết quan trọng như mặt Thuấn là mặt rồng vốn có mối dây liên hệ với các nhân vật trước đó (chẳng hạn như Hoàng Đế) và thông qua đó mà liên hệ với các vị tổ tô tem (Rồng). Có thể giả thiết rằng mắt có hai con ngươi của Thuấn là sự biến thể khác của “bốn mắt” vốn có của Hoàng Đế.

Điều thú vị là trong sách Lỗ sử[7] phản ánh các quan niệm về giai đoạn  muộn hơn, có tính biểu tượng, nhưng không mang tính thần thoại, trong cách miêu tả vua Thuấn mặt rồng được thay thế bằng khuôn mặt vuông có tính hiện thực hơn còn các ngón tay nắm chặt thì biến thành nắm chặt một quả cân bằng đá, tượng trưng cho kiến thức của ông về qui luật vận động của các vì tinh tú, và tất cả mọi miêu tả đều thực hiện bằng ngôn từ: “trong lòng ôm một viên ngọc thần kì”(20), mà theo lời chú thích, là ẩn dụ chỉ trạng thái cực kì thông thái.

Trong các văn bản cổ xưa hơn viết về Vũ, người có công lao trị hồng thủy và tiến hành quy hoạch đất đai, ông còn được miêu tả chi tiết hơn. Ông có “mũi hổ, mồm lớn, tai có ba vành, trên đầu có móc và búa, ngực là cái đấu bằng ngọc mềm, chân có nốt ruồi, đôi giày vải tương tự như “ji”[8] vì thế mà ông được đặt tên là Văn Mệnh[9] – dấu hiệu của mệnh Trời, mình cao mười thước hai tấc. Ông người hiền minh”. Một chỗ khác trong văn bản đó giải thích rằng “da tay và chân ông thô ráp, chai sạn, vì vậy mà người đời bảo ông Vũ đau bệnh khô cơ[10], hai chân không bước đi được. Cho đến nay các thầy lang vẫn gọi bệnh ấy là bệnh “bước chân ông Vũ”(21). Nhà triết học thế kỉ thứ V trước CN Mặc Địch đã ngợi ca Vũ, bảo rằng do làm việc liên tục mà “lông ở bắp chân bị sỏi và đá làm cho rụng hết”(22).

Chúng ta thử phân tích sự miêu tả vua Vũ ở đây, một nhân vật chúa tể thần thoại điển hình. Sự miêu tả ông Vũ phần nào phân biệt với các chân dung có trước ở chỗ lần đầu tiên nó mang dấu vết của tính chất không tĩnh tại. Chân dung của các vị tổ cổ xưa hơn chứa đựng các đặc điểm cố định của nhân vật thần thoại, dường như có sẵn từ lúc sinh ra. Còn ở đây trong sự miêu tả đã có thêm các đặc điểm và chi tiết mà nhân vật có được trong quá trình sống (nổi chai da tay, chân; bệnh tật – bệnh khô; lông chân rụng…). Sự xuất hiện việc miêu tả các yếu tố có tác dụng cần thiết để nhấn mạnh năng lực làm việc phi thường của nhân vật, sức lao động khổng lồ của ông ta nhằm quy hoạch đất đai, đã chứng tỏ một bước tiến nhất định trong ý thức nghệ thuật của người Hoa cổ đại, nói lên ý đồ phá bỏ các công thức đơn điệu đã hình thành trong việc miêu tả các bậc tổ tiên thần thoại.

Truyền thống lịch sử Trung Quốc cổ đại cho rằng, Vũ đã cách chức một loạt các vị cầm quyền không có gì xuất sắc, đã thống trị từ khoảng thế kỉ XXII đến thế kỉ XVIII trước CN. Sự thoái hóa dần dần cho đến lúc “ngai vàng” chuyển vào tay bạo chúa Kiệt, một  kẻ đáng ghét vì đạo đức xấu xa. Đáng chú ý là, với tư cách một nhân vật phản diện, Kiệt không hề có huyền thoại về cuộc sinh hạ kì lạ, còn “chân dung” của y trên thực tế được thay thế bằng việc miêu tả sức mạnh cơ bắp thô lỗ, như y có thể uốn thẳng cái móc, kéo thẳng cục sắt thành dây thừng, bằng tay không y có thể bắt được gấu hay hổ”(23). Ở đây lần đầu tiên ta bắt gặp lối miêu tả cường điệu sức mạnh cơ bắp của nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà sức khỏe đó được vận dụng để miêu tả nhân vật phản diện.

Ở đây dễ dàng nhận thấy cái khuôn mẫu tư duy đặc trưng cho văn hóa Trung Hoa, phần nhiều đã nhờ nho giáo mà được cố định lại. Theo các quan niệm đó sức mạnh cơ bắp và phù hợp với nó là thực lực quân sự, nghệ thuật quân sự bao giờ cũng được xem là một cái gì thứ yếu, thấp kém hơn nhiều so với “văn” – văn hóa, cái có khả năng làm cho cuộc sống tốt đẹp. Có thể giả thiết rằng trong sự hình thành khuôn mẫu tư duy này có vai trò cực kì quan trọng của sự chuyển hóa xa xưa từ du mục sang trồng trọt của người Trung Hoa và vai trò rất nhỏ của sự săn bắn, một hoạt động rõ ràng là đòi hỏi sức mạnh to lớn của cơ bắp và đã dẫn đến sự sùng bái sức mạnh ấy.

Các tư liệu cổ đại đã miêu tả hoàn toàn khác vị vua hiền tài Thang – người sáng lập triều đại nhà Thương, kẻ đã đánh bại tên “giặc cướp” Kiệt, một gã có sức mạnh của một hiệp sĩ. Khác với Kiệt, chúng ta không biết gì về sự sinh hạ của gã. Thang đã có sẵn một huyền thoại về sự ra đời diệu kì của ông (mẹ ông ta nhìn thấy một “cột” ánh sáng trắng đâm vào mặt trăng rồi mang thai). Thang có đôi má bầu, trán hẹp, mặt trắng với hàm râu quai nón, thân hình rắn chắc, tiếng nói như sấm, mình cao chín thước, từ vai xuống có bốn cùi chỏ, có đức rất hiền” – sách của Hoàng Phủ Mật cho biết như thế(24). Một chỗ khác trong sách này còn bổ sung thêm một chi tiết: “có vết chai trên các ngón tay”(25). Đặc điểm này ta đã thấy khi miêu tả chân dung vua Vũ huyền thoại, ở đấy vết chai là dấu hiệu của khối lượng công việc khổng lồ mà Vũ đã làm để tạo ra các con kênh và quy hoạch các dòng sông, còn ở đây có thể giả thiết rằng các vết chai trên ngón tay là dấu hiệu công nhận Thang thuộc vào phạm trù những người cai trị biết lo lắng đến phúc lợi của dân, giống như Vũ. Vua Vũ đã lập nên triều đại nhà Hạ, một triều đại dần dần suy đồi. Thang cũng thế, ông lập ra triều đại mới là nhà Thương, và chân dung của ông cần được tô đậm cái nét nào đó phù hợp các đấng đế vương thần thoại của thời viễn cổ.

Trong tác phẩm Tuân Tử (thế kỉ III trước CN) có thể tìm thấy thêm một chi tiết quan trọng trong chân dung của Vũ đã được chuyển sang cho Thang, ông này cũng mắc bệnh khô(26). Hai dấu hiệu đầu tiên của Thang: má bầu, trán hẹp (thực chất là dưới to trên nhọn) cũng đã thấy không chỉ ở Thang, mà còn ở nhà thông thái Y Doãn, là người cho đến năm bảy mươi tuổi, khi Thang chưa biết tiếng ông ta, theo truyền thuyết, vẫn không tìm được cho mình một công việc thích hợp. Trong chân dung Y Doãn người ta còn nói rằng ông “mình đen, người bé, lưng còng, tiếng nói khe khẽ”(27). Ngoài cặp dấu hiệu đầu tiên trùng khớp giữa ông ta và Thang, các đặc điểm khác đều đối lập để xác định dấu hiệu của ông vua. Thân hình Y Doãn vừa nhỏ bé, lưng vừa còng, tiếng nói lại khẽ. Trong sách Tuân Tử còn nói rằng, trên mặt Y Doãn “không có râu, không có cả lông mày”(28). Và ở đây, rõ ràng ta tìm thấy một sự đối lập đầy đủ với bộ râu quai nón của Thang. Giải thích sự khác nhau này trong chân dung hai nhân vật, xem ra, chỉ có thể xuất phát từ cái mã xã hội độc đáo: người thông thái, phù hợp với quan niệm Trung Quốc cổ xưa, đứng ở bậc thang thấp hơn vua, và vì thế mà chân dung của ý đối lập gay gắt với vị chí tôn có tính chất hoàn thiện, mặc dù vẫn có vài điểm giống với vua.

Các công trình văn hóa cổ đại không hề cung cấp đặc điểm chân dung cho tất cả các nhân vật được nhắc đến. Thực tế chỉ có các vị tiên tổ là có chân dung, sau đó là các vị vua nửa huyền thoại, nửa truyền thuyết, những người sáng lập các triều đại đầu tiên và tiếp theo. Chỉ một điều này cũng cho thấy miêu tả chân dung có ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và đặt nền móng cho quyền của người được ngồi vào ngai vàng và sáng lập ra triều đại mới. Đó chính là lí do vì sao tất cả các vị vua đời nhà Thương sau khi được Thang sáng lập không ai có quyền được có chân dung của mình trong văn học. Không có chân dung của vị vua cuối cùng của nhà Thương, lại là một tên bạo chúa có tên là Trụ Tân, cũng giống tên bạo chúa cuối đời nhà Hạ là Kiệt, người ta chỉ biết y đẹp và có sức mạnh phi thường(29); nhưng tuyệt đối không phải hiền minh. Tình trạng đó theo truyền thống nho học, là lí do đã gây ra cuộc chiến tranh nhằm chống lại y và lập ra nhà Chu là một triều đại mới.

Những người lập ra nhà Chu là các đế vương toàn vẹn như Văn Vương và con trai ông ta là Vũ Vương, theo truyền thống đã hình thành họ lại có dấu hiệu của những người đặc biệt. Như người sáng lập nhà Thương là vị vua Thang thần thoại, là người có “bốn cùi chỏ”, tức là có bốn tay, vua Văn Vương có “bốn vú”. Sự miêu tả ông ta đầy đủ nhất lại là trong sách của Hoàng Phủ Mật, “Văn Vương có tên là Xương, có mặt rồng, vai hổ, mình cao chín thước, ngực có bốn vú”(30). “Mặt rồng” cần thiết ở đây đối với nhà biên niên sử cổ đại để xác lập mối liên hệ Văn Vương với các vị tổ tô tem, còn “vai hổ” là bằng chứng của một vương công hùng mạnh đã trở thành vua. Chúng ta biết, dưới gầm trời này, vua Vũ vĩ đại, người sáng lập nhà Hạ đã có cái  mũi rồng. Con Văn Vương là Vũ Vương thì không có sách nào miêu tả chi tiết như thế. Từ nhiều văn bản khác nhau ta biết hình như ông ta có những cái răng mọc liền nhau(31), dấu hiệu nổi bật làm cho ông ta giống với Đế Khốc[11] mà chân dung của ông ta, như đã có lần nhắc đến, rằng ông ta “có những chiếc răng mọc liền nhau và ông ta rất hiền minh”. Xem ra ở đây những chiếc răng mọc liền cần được hiểu như là dấu hiệu của ông vua hết sức hiền minh. Trong các văn bản khác còn ghi thêm một dấu hiệu, hình như chỉ mình Vũ Vương có. Ông bao giờ cũng nhìn lên (ý nói là nhìn lên vầng mặt trời). Sự nhìn lên về sau trở thành dấu hiệu của vị đế vương thông thái, con người vĩ đại trong quan niệm của người Trung Hoa.

Như đã nói trên, phù hợp với nghi thức trong truyền thống sử học cổ đại và trung đại thì chỉ các vị tổ đầu tiên mới có chân dung, còn các nhà vua kế tục sau đó chỉ những ai được coi là người lập nên triều đại thì mới có. Vì thế sau Văn Vương và Vũ Vương, “chân dung” tiếp theo trong văn học Trung Quốc chỉ có ở người sáng lập ra nhà Tần, người đã sáp nhập các nước nhỏ, phân tán của Trung Quốc thành một đế quốc lớn thống nhất vào thế kỉ III trước CN, vương công Doanh được gọi là Tần Thủy Hoàng, tức là hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần. Ông có “mũi cao, mắt dài” (một biến thể khác là “mắt ong”), ngực diều hâu, tiếng chó sói, ông ít có thiện tâm, mắt nhìn như hổ và trái tim lang sói”(32). Ở đây cụm từ “mũi cao” – “long chuẩn” cần được giải thích đặc biệt. Vấn đề là từ “long” (nghĩa là cao, gồ lên, vồng lên) có âm đọc giống như tiếng “long” (nghĩa là rồng). Nếu ta nhớ lại, dấu hiệu chân dung của các vua trước Tần Thủy Hoàng là “mặt rồng”, thì hoàn toàn có thể giả định rằng “long chuẩn” (mũi cao) chính là biểu đạt đồng âm dị nghĩa của các tác giả cổ đại về “long chuẩn” tức là “mũi rồng”. Điều đặc biệt là, trong các sách dân gian thế kỉ XIV chúng ta cũng tìm thấy cách biểu hiện có tính pha trộn này(33). Rất có thể là sự biến nghĩa là không hề ngẫu nhiên, mà phản ánh một sự tư duy lí tính của các nhà nho, những người muốn giải thích các quan niệm thần thoại cổ đại một cách lí tính theo tinh thần vốn có của thế giới quan nho giáo. Hàng loạt nhà chú thích, có người đề nghị hiểu “mặt rồng” giản đơn chỉ là “mũi tròn nổi lên giữa hai mắt”.

Trường hợp Tần Thủy Hoàng nói chung là đặc biệt. Người thống nhất giang sơn, kêu gọi các hiền sĩ, các nhà pháp gia thông thái đứng ra giúp rập mình, ông ta lại hăng hái đào tận gốc trốc tận rễ các nguyên lí của nho giáo, và như truyền thống đã cho biết, ông đã “đốt sách, chôn sống hàng trăm nhà nho”, học trò của Khổng Tử vĩ đại. Các sử gia của thế kỉ sau đã ban tặng cho ông ta tất cả các định ngữ xấu xa, ác ý nhất có thể nghĩ ra được, và ông trở thành nhân vật phản diện cả trong các truyện dân gian. Đáng chú ý là Tư Mã Thiên, vị cha đẻ của sử học Trung Quốc đã tiến hành miêu tả chi tiết sự trị vì của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đáng căm ghét này không phải bằng ngôn ngữ tác giả của ông như thường lệ, mà bằng ngôn ngữ trực tiếp của một viên quan.

Trong cuốn sách bách khoa thư đầu tiên của Trung Quốc là Nghệ văn loại tụ, soạn vào thế kỉ VII bởi Âu Dương Tuân, trong mục Đế Vương, đã cung cấp thông tin về tất cả các đế vương từ Phục Hy thần thoại, trở đi, được sắp xếp theo trật tự liên tục trước sau, đã bỏ trống, không ghi về các vua nhà Tần, từ Tần Thủy Hoàng đến con trai ông là Tần nhị thế. Tiếp ngay sau các vua triều đại nhà Chu là các hoàng đế nhà Hán, những người đã lật đổ ách quân chủ nhà Tần. Sự thật đó là một sự biểu đạt tuyệt vời, nếu tính đến trình độ cao của ngành sử học Trung Quốc thời trung đại. Trong khi dẫn lời nói trực tiếp của Liêu, một viên quan đời Tần, chân dung của Tần Thủy Hoàng đã mang sắc thái cảm xúc, trong trường hợp này là thái độ lên án và chỉ trích. Ý nghĩa phủ định thể hiện trong các chi tiết như “ngực diều hâu”, “tiếng nói như sói”, và, tất nhiên là “tim sói lang” – trong tiếng Trung Quốc biểu đạt này thường dùng để xác định phẩm chất của loại người hạ đẳng (trong kết cấu chặt chẽ của từ “lang tâm, cẩu phế” nghĩa là tim sói, phổi chó). Dấu hiệu duy nhất của hoàng đế trong chân dung ông ta là “mũi cao”.

Vì thế mà người hủy diệt triều đại Tần, lập nên triều đại Hán tiếp theo, được biết đến trong lịch sử là hoàng đế Cao Tổ mà Tư Mã Thiên và các nhà sử học tiếp theo đã miêu tả đầy đủ với tất cả các nghi thức đã định hình từ đầu CN: “Cao Tổ mũi cao, mặt rồng, ria và râu quai nón màu đỏ, bên đùi trái có 72 nốt ruồi đen”(34). Biểu đạt “mặt rồng” đầu CN đã trở thành một dấu hiệu mà kết quả của nó ông vua được sánh với các vị tiên đế thần thoại, và qua các vị ấy, sánh với vật tổ của các bộ tộc cổ sơ cư ngụ trên lãnh thổ Trung Quốc, điều này ta đã bắt gặp nhiều lần. “Ria và bộ râu quai nón màu đỏ” có lẽ là có dụng ý so sánh Cao Tổ với vua Thang, người lập ra triều đại nhà Thương, là người như đã nói trên, cũng đã được đánh dấu bằng kí hiệu đó. Đặc biệt đáng chú ý trong chân dung này của vua Cao Tổ là “72 nốt ruồi đen”. Vấn đề là Hán Cao Tổ được coi là hậu duệ của một trong năm vị đế vương thần thoại đứng về phía ánh sáng – đó là vua phương Nam Xích Đế (vua đỏ), là người được miêu tả dưới dạng con chim màu đỏ với cái mặt rồng và “nhiều nốt ruồi đen”(35). Hoàn toàn dễ hiểu là các nốt ruồi đen trong chân dung Cao Tổ là dấu hiệu về mối liên hệ giữa ông ta với bậc tiền bối thần thoại linh thiêng.

Chân dung của người sáng lập nhà Hậu Hán cũng được cấu tạo và miêu tả như vậy. Quang Vũ Đế trị vì từ năm 25 đến năm 57 và được coi là hậu duệ của Cao Tổ đời thứ 9. Trong cuốn sử Đồng Quan Hán kỉ (Ghi chép của Đồng Quan về nhà Hán) thế kỉ thứ II CN đã viết về Quang Vũ Đế như sau: “Vua có mũi cao, sừng mặt trời, mồm rộng, lông mày và ria đẹp, mình cao bảy thước ba tấc. Ông là người có nhân, thông thái, sáng suốt và tài giỏi”(36). Trong chân dung Quang Vũ Đế các yếu tố chi tiết tách rời chúng ta đều đã biết từ trước. Nó hoàn toàn được tập hợp lại từ các khuôn mẫu – công thức đã định hình trong văn học có tính chất kí hiệu và cần thiết để chứng minh về số phận của con người làm vua thiên hạ.

Tính chất thiên định, lựa chọn này trong thời kì ý thức thần thoại phản ánh sự đánh dấu mối liên hệ giữa nhà vua với thế giới động vật của các vật tổ tô tem, ở đây phần nhiều đã mất đi mối liên hệ với chân dung của các bậc thống trị huyền thoại đầu tiên của tộc người và dòng họ. Các yếu tố riêng lẻ của hệ thống các quan niệm cổ xưa không hề bị bỏ quên trong quá trình chuyển hóa sang thế giới quan duy lí, mà vẫn được lưu giữ và cố kết trong tướng mạo học, hoàn toàn nghiêm túc theo khái niệm đương thời của bộ môn đã tồn tại ở Trung Quốc cũng như ở các nước khác thuộc thế giới cổ đại, có quyền bình đẳng với các khoa học y khoa hay huyền bí. Chúng ta không biết chính xác khi nào thì khoa nhân tướng học được hình thành ở Trung Quốc như là một hệ thống. (Hiện chúng tôi chưa tìm được một công trình nghiên cứu nào bằng tiếng Hán, tiếng Nhật hay tiếng châu Âu về đề tài này). Nhưng rõ ràng là, nó đã tồn tại từ thế kỉ III trước CN, bởi vì trong công trình triết học Tuân Tử chúng ta tìm thấy một chương chuyên biệt có tên là “Phi tướng” – Phủ nhận nhân tướng học. Chính chương này cho phép ta hình dung một học thuyết về nhân tướng học cổ đại.

Bác lại bản thân tư tưởng về khả năng xác định được các thuộc tính bên trong của con người, bản chất và tính cách của nó xét theo diện mạo bên ngoài, Tuân Tử đã viện dẫn các dữ liệu khác nhau mà nhân tướng học thời đại ông đã sử dụng cũng như các ví dụ mà ông biết để phủ nhận chúng.

Từ các lập luận của ông ta thấy dấu hiệu quan trọng nhất của một con người vĩ đại về mặt nhân tướng học là thân hình cao. Chúng ta nhớ lại rằng thân hình cao (dịch ra hệ thống đo hiện đại thì không dưới hai mét) được lưu ý khi miêu tả hầu hết các vị vua cổ đại, bắt đầu từ ông Nghiêu thần thoại(37). Đó là dấu hiệu đầu tiên của con người vĩ đại được nhấn mạnh trong hệ thống nhân tướng học. Bác lại điểm này của học thuyết, Tuân Tử biện dẫn chân dung người  kế vị của Nghiêu là Thuấn, là một người nhỏ bé(38).

Trên thực tế, trong công trình của Hoàng Phủ Mật mà các trích dẫn của chúng tôi phần lớn đều lấy từ đó, đã nói rằng Thuấn mình cao sáu thước một phân (lục xích, nhất thốn), khoảng chừng 1m 62cm; khó mà nói rằng, vì sao trong việc miêu tả một nhân vật nửa thần thoại mà người ta lại  nêu ra một con số như thế, bởi vì tất cả chỉ là công thức, theo đó tất cả các nhân vật thần thoại được hình dung như những người khổng lồ, không phải được hình thành một lần là xong, và diện mạo của Thuấn hình như cũng được rút ra từ các quan niệm truyền thống. Thật thú vị là một điều khác – các tác giả khác nhau thời cổ đại và trung đại, những người đã miêu tả Thuấn đều muốn sửa lại điểm gây “hiểu lầm” đó. Chẳng hạn, đó là lí do vì sao trong tác phẩm Khổng Tùng tử của Khổng Phụ[12] cuối thế kỉ III trước CN nói rằng, Thuấn “mình cao tám thước”(39), còn trong Lịch sử thời thượng cổ của Luo Bi (?) thì Thuấn đã cao lên đến “chín thước”(40). Nhân tiện nhà chú thích tác phẩm sau là Nan Ping khẳng định tắp lự rằng con số của Hoàng Phủ Mật là không chính xác.

Đáng tiếc là Tuân Tử trong chương sách trên viện dẫn rất ít các ví dụ cụ thể từ lĩnh vực nhân tướng học, nặng về thảo luận chung chung về bản tính con người; về tính không nhất thiết phải phù hợp diện mạo bên ngoài với phẩm chất bên trong. Đó là lí do tại sao mà văn bản có ý nghĩa hơn đối với nghiên cứu của chúng tôi lại là một bộ phận tương tự ở trong sách Luận hành (“Bàn về sự thăng bằng” hay là “các ý kiến phê phán”, như người ta thường dịch nó như thế). Công trình này được viết bởi nhà tranh luận Vương Sung, sống vào thế kỉ I CN. Cũng giống như người đi trước của ông là Tuân Tử, Vương Sung trong chương Nhân tướng học đã phê phán gay gắt và hoài nghi sâu sắc hệ thống các quan niệm về nhân tướng học hình thành ở thời ông. Đối với chúng ta trong trường hợp này cái đáng chú ý đặc biệt là các định nghĩa về các nhân vật thần thoại và truyền thuyết mà ông dẫn ra và được các nhà nhân tướng học thừa nhận: “Truyền thống bảo rằng: Hoàng Đế mặt rồng, Chuyên Húc trên đầu có mộc, Đế Khốc có những chiếc răng mọc liền, vua Nghiêu có lông mày tám sắc, vua Thuấn mắt có hai đồng tử, Vũ tai có ba vành, vua Thang mỗi vai có hai tay, Văn Vương có bốn vú, Vũ Vương bao giờ cũng nhìn lên trên, Chu Công lưng còng, Cao Dao có mồm ngựa, Khổng Phu Tử đầu có cái gò”(41).

Điểm lại các chân dung này cái có ý nghĩa quan trọng là ở chỗ, nó cho thấy đặc điểm chân dung vào thời đại muộn hơn đã có sự rút gọn vào một dấu hiệu, là cái mà trong bất cứ văn bản văn học nào, thậm chí không cần nhắc tên nhân vật, chỉ cần nhắc đến nó là người Trung Quốc sẽ liên tưởng đúng đến nhân vật ấy của thời cổ đại. Và nếu như, chẳng hạn, chúng ta gặp trong Văn tế nàng Mạnh Khương chung thủy của Hoang Shi Khang[13] (?) (khoảng 1573-1620) câu “Hai đồng tử đi về phía Tây” thì rõ ràng, trước hết ta phải nghĩ đến vua Thuấn thần thoại, mà kí hiệu của ông là “mắt có hai đồng tử”. Trong các văn bản muộn hơn kí hiệu này của chân dung khác thường của nhân vật đã biến thành một kí hiệu thẩm mĩ, thành một định ngữ độc đáo, được thực thể hóa, có khả năng như chúng ta vừa thấy, là thay thế bản thân khách thể, mà nó là một trong nhiều định nghĩa về khách thể đó (một sự thay thế tương tự cực kì đặc trưng đối với các văn bản Phật giáo, là nơi mà tên của đức Phật thường được thay thế bằng các định ngữ vĩnh hằng về ông).

Nếu trước đây, trong thời cổ đại xa xưa các nhân vật của nghệ thuật ngôn từ – các vị tiên đế thần thoại được miêu tả qua sự so sánh liên tục từng bộ phận của khuôn mặt và thân thể phù hợp với bộ phận tương ứng của thân thể một loài thú nào đó, mà thường là các vật tổ (tô tem), thì cùng với sự hình thành hệ thống kí hiệu bền vững dùng để miêu tả họ, các nhân vật lịch sử bắt đầu được miêu tả thông qua sự so sánh từng bộ phận của khuôn mặt và thân thể họ không phải với thú vật, mà với các vị tiên tổ đã được lí tưởng hóa. Một ví dụ bất ngờ nhất cho cách miêu tả đó được Vương Sung dẫn ra trong công trình của ông. Nhà triết học dẫn một trường hợp vui vui từ cuộc đời của Khổng Phu Tử. Nhà thông thái vĩ đại có lúc nào đó đi đến gặp vua nước Trịnh. Một người dân nước đó nhìn nhìn ông ta và bảo: “Đầu ông ta giống đầu ông Nghiêu, má gợi nhớ Cao Dao, hai vai tương tự như viên quan Tử Sản, chỉ có từ thắt lưng trở xuống kém ông Vũ ba phân”(42). Thế là ở đây toàn bộ hình dáng bề ngoài của Khổng Tử được miêu tả bằng cách so sánh từng bộ phận riêng biệt của thân thể với từng bộ phận tương ứng từ trong chân dung nổi tiếng của các nhân vật thần thoại (chỉ ngoại trừ Tử Sản, tên thật là Công Tôn Kiều, có thời làm quan cho nước Trịnh; nhưng cách miêu tả hai vai ông ta thế nào, rất tiếc là chúng tôi chưa tìm thấy).

Do từ những điều đã trình bày ở trên mà chúng ta đã  biết được ông Nghiêu có mặt rồng, thì giả thiết vì thế mà phải tiếp tục bàn luận là điều hợp  logic, về vị pháp quan thời thần thoại là Cao Dao chúng ta biết rằng ông ta có cái mõm ngựa(43), hay là theo nguồn tài liệu khác, ông ta có mỏ chim(44), mặt ông ta có màu sắc quả bí đỏ với cái vỏ dày đã bị bóc ra(45), nhưng dù sao chúng ta vẫn chưa biết về cái má của ông ta được so sánh với cái gì. Tất cả những điều đó dẫn ta đến với ý nghĩ rằng hệ thống “chân dung” kí hiệu vào thời ấy (thời kì trung cổ đại) vẫn chưa hoàn toàn định hình. Nếu xếp ví dụ này vào thời đại muộn hơn và hệ thống kí hiệu đã hoàn toàn cố định, thì, chẳng hạn, lông mày của Khổng Tử có lẽ sẽ phải so sánh với ông Nghiêu, còn miệng ông ta có lẽ sẽ phải so sánh với ông Cao Dao, v.v… Bằng chứng gián tiếp cho sự cố kết các kí hiệu nhất định mang tính chất chân dung chỉ nảy sinh vào thời kì cổ đại muộn, đến gần với ranh giới của công nguyên, có thể là một cách miêu tả khác về ngoại hình của Khổng Tử được trưng ra trong tác phẩm của Khổng Phụ (cuối thế kỉ III trước CN) là Khổng Tùng Tử . Khổng Phụ dẫn lời của Chang Hong[14], quan nhà Chu, là người đã nói về Khổng Tử, rằng ông ta có dáng dấp hoàn toàn thông tuệ: hai mắt như dòng sông và mũi cao – bề ngoài của Hoàng Đế; hai tay dài, lưng rùa, mình cao chín thước sáu tấc – bộ mặt của vua Thang”(46). Việc đưa vào văn bản cách giải mã đầy đủ về kí hiệu với việc chỉ ra kẻ sở hữu và cả cái phương thức chỉ ra không chỉ một kí hiệu, mà là một số (hai hoặc thậm chí ba), chính là chứng tỏ rằng, theo quan điểm của chúng tôi, hệ thống mã một nghĩa vẫn chưa hoàn toàn định hình.

Hãy nhớ lại lần nữa văn bản của Tuân Tử, trong đó, có chỗ nói rằng cả Nghiêu và cả Thuấn trong hai mắt có hai đồng tử theo chiều thẳng đứng. Trong sách của Vương Sung, xuất hiện sau sách Tuân Tử ba trăm năm, nói về hai đồng tử đã hoàn toàn giống như nói về một kí hiệu độc đáo của chỉ một mình Thuấn.

Các kí hiệu trong bộ mặt khác thường của nhân vật thần thoại, thường được quan niệm như là di vật (hóa thạch) của  nguồn gốc kì lạ của họ và xác nhận mối quan hệ với vật tổ tô tem, về sau, nhất là khi chuyển hóa sang tư duy lí tính kiểu nho giáo, đã mất hết ý nghĩa ban đầu. Một số bắt đầu được giải thích với ý nghĩa ẩn dụ, trong đó, thay cho mã thần thoại là mã xã hội hay đạo đức. Kết quả là kí hiệu của bộ mặt khác thường của nhân vật bắt đầu được cảm nhận chỉ như là các ẩn dụ đã quen thuộc, cho thấy phong cách và  một tính cao cả rõ rệt. Ví dụ tiêu biểu cho loại này là biểu hiện “mặt rồng” (hay là mặt của con rồng), với sự chuyển hóa sang tư duy lí tính, biểu hiện đó trong phong cách cao có nghĩa giản đơn là “mặt của nhà vua”. Chính vì ý nghĩa ẩn dụ như thế mà có thể bắt gặp nó ngay cả trong bài thơ của Lý Bạch Niềm vui mang đám mây, trong đó có câu thế này: “Tôi cúi chào mặt rồng (tức là chào vua – B.R) và chúc người trường thọ như một đấng toàn năng”. Trong các từ điển giải thích hiện đại bằng tiếng Trung Quốc (thậm chí là cả tiếng Nhật) biểu đạt đó chỉ được giải thích giản đơn như là mặt của ông vua mà không cần dẫn ra ý nghĩa ban đầu của nó, cái nghĩa đã mất từ lâu, vốn phản ánh của tư duy thần thoại.

Cũng như vậy người ta bắt đầu giải thích các kí hiệu khác về các vị tổ tiên thần thoại cổ đại. “Tai có ba vành” – dấu hiệu đặc trưng của Đại Vũ (Vũ vĩ đại), các nhà ngữ văn thời trung đại đề nghị hiểu một cách giản đơn như là ẩn dụ để cho thấy, người có lỗ tai  như thế nghe được hết và biết hết. Những cái tai bé nhỏ mà Chuyên Húc, một trong các vị vua thần thoại có được như một đặc trưng của y, các nhà chú thích truyền thống đã giải thích như là biểu tượng của người sống lâu (mọi người biết Chuyên Húc đã sống rất lâu, ngồi trên ngai vàng bảy mươi tám năm).

Trong trường hợp sau chót các nhà chú thích quan tâm đi tìm ý nghĩa thích hợp đối với hệ thống kí hiệu nhân tướng học. Các môn nhân tướng học Trung Hoa cổ đại vay mượn nhiều kí hiệu của diện mạo bề ngoài dùng để đánh dấu các chân dung của các vị tổ đầu tiên, và bắt đầu dùng các dấu hiệu đó để xác định tính cách tự nhiên của con người cùng số phận của nó. Như Lưu Hiếu Tiêu[15] đã viết vào thế kỉ V trong Lời tựa cho điển phạm nhân tướng học: “Nếu một người sinh ra mà đã mang dấu ấn của thần linh, thì ngay từ khi mới sinh đã biết nói, lông mày của nó ánh lên tám sắc và trong con mắt đẹp có hai đồng tử – Đó thực sự là đặc trưng của khuôn mặt thần linh, dấu hiệu của đấng thông tuệ hoàn thiện. Các dấu hiệu đặc biệt dưới dạng chiếc sừng mặt trời, dáng mặt trăng tóc trùm đầu, dáng cao thượng của rồng, uy phong của hổ… Tất cả đều là dấu hiệu rõ ràng của diện mạo của bậc đế vương, vương công và quan đại thần”(47).

Hầu như tất cả các dấu hiệu được nêu ra ở đây chúng ta đều đã bắt gặp trong chân dung của các vị tổ sơ thần thoại, những người giờ đây đã được giải thích hoặc theo cách ẩn dụ, hoặc theo quan niệm lí tính. Chứng minh cho điều này là chú thích của nhà ngữ văn sống vào thế kỉ III CN Trương Trạm viết cho tác phẩm Liệt Tử, trong đó có nói: “Trong diện mạo con người hiếm khi bỗng nhiên bắt gặp sự tương đồng với loài chim hay loài thú; các bậc hiền triết toàn năng thời cổ xưa hầu hết đều có diện mạo đáng kinh ngạc. Người ta nói: “mình rắn, mặt người”, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là họ toàn thân mọc vẩy và bò đi bằng bụng, hoàn toàn không có tứ chi. “Đầu bò tót, mũi hùm” hoàn toàn không có nghĩa là họ có sừng, mồm thõng xuống… Tất cả điều đó chỉ gợi nhớ cách nói “lưng rùa”, “bước thiên nga”, “vai diều”, “mỏ đại bàng” có trong sách tướng số”(48).

Đáng tiếc là chúng ta không thể nói gì về nhân tướng học chỉ dựa vào các sách xuất bản còn truyền lại đến chúng ta hết sức muộn màng. Nhưng theo đó cũng thấy được sự chuyển nghĩa các kí hiệu về hình dáng khác thường của các vị tổ sơ đã diễn ra như thế nào. Cái “mũi hùm” mà chúng ta gặp trong chân dung vua Vũ thần thoại, trong các sách tướng số sau này xác định là dấu hiệu của người cực kì giàu có và do giàu có mà nổi tiếng(49). Thế đấy, các sách tướng số sau này đã thích ứng với nhu cầu xem bói của những người thường đã giải thích kí hiệu của đấng đế vương cổ đại theo tinh thần bói toán thông thường.

Trên đây chúng tôi đã phân tích hệ thống kí hiệu chân dung đã được người Trung Quốc cổ đại cảm nhận từ các thời đại thần thoại, sau đó lại được giải thích theo khuynh hướng lí tính, ẩn dụ, hay nhân tướng học. Các kí hiệu này đã tạo thành một hệ thống xác định vào khoảng giao thời của thiên niên kỉ chúng ta, trong các thế kỉ đầu tiên. Nhưng chính vì vào thời ấy ở Trung Quốc đã có sự du nhập đạo Phật từ Ấn Độ thông qua con đường trung Á và trung tâm châu Á. Đạo Phật mang theo vào Trung Quốc một hệ thống riêng đã hình thành ở Ấn Độ cổ đại trên cơ sở các quan niệm truyền thống, và trong đó có học thuyết về ba mươi hai dấu hiệu của những người vĩ đại (chữ sancrit là dvātrimsanmahāpurusalaksanāni) và tám mươi đặc điểm của khuôn  mặt (chữ sancrit là: aśītyanuvyanjanani). Một số yếu tố của hệ thống kí hiệu biểu nghĩa Ấn Độ chẳng bao lâu, vào thế kỉ III-VI CN đã được các nhà sử học Trung Quốc tiếp nhận và sử dụng trong việc sáng tạo ra các chân dung biểu tượng của các vua chúa(50). Chẳng hạn, Lưu Bị, người lập nên nước Thục (thế kỉ III CN) được miêu tả một cách quan phương trong sách Tam Quốc chí của Trần Thọ (233-297) như sau: “Ông mình cao bảy thước năm tấc, hai tay dài quá gối, đầu quay ra sau nhìn thấy được tai  mình”(51).

Ngoài các dấu hiệu về thân cao của Lưu Bị ra, các kí hiệu khác trong diện mạo đức vua của ông đã được chuyển một cách cơ giới từ chân dung đức Phật. Cũng như thế, theo công thức Phật giáo các chân dung các vua khác thế kỉ III-V vua nước Ngụy là Minh Đế[16] (“vua có khuôn mặt thiên thần, khi ông đứng lên tóc chảy dài xuống đất”), vua nước Tần Vũ Đế[17] (“tóc dài chấm đất, tay dài quá gối – đó không phải là diện mạo của thần dân”). Đặc biệt phổ biến là văn học dịch Phật giáo vào thế kỉ III-IV đã mang đến kết quả là các vị vua này đều được miêu tả theo khuôn mẫu thuần túy Ấn Độ trong các sách lịch sử.

Nhưng điều hết sức có ý nghĩa là chẳng bao lâu các nhà sử học đã cảm thấy thiếu sót rõ ràng trong lối miêu tả diện mạo vua chúa chỉ phỏng theo các dấu hiệu thần linh lấy từ tập quán tôn giáo Ấn Độ, vì thế trong chân dung các đế vương đời sau (thế kỉ V-VI) chúng ta sẽ thấy một sự kết hợp cơ giới thú vị các kí hiệu có cội nguồn từ cách miêu tả diện mạo các bậc tổ sơ người Trung Quốc và các yếu tố miêu tả chân dung đức Phật. Chẳng hạn, vua nước Trịnh là Cao Tổ được miêu tả trong lịch sử quan phương như sau: “mình cao bảy thước năm tấc, có sừng mặt trời, mặt rồng, tay dài quá gối”. Và cái sừng mặt trời, cái mà dưới ánh sáng của các quan điểm lí tính sau này được giải thích như là cái xương lồi cao lên ở bên trái đầu, và mặt rồng – dấu hiệu nổi bật của đế vương mà chúng ta đã biết, có nguồn gốc từ chân dung các bậc tiên tổ, còn tay dài quá gối, như đã nói trên, là kí hiệu diện mạo của But đa (tiếng sancrit viết: jānupralambabāhūh).

Còn có một sự miêu tả được cấu tạo phức tạp hơn về chân dung người sáng lập triều đại Bắc Chu (556-581) vua Văn Đế: “mình cao tám thước, mang tai vuông, trán rộng, ria và râu quai nón đẹp, tóc dài chấm đất, tay dài quá gối, lưng có nốt ruồi đen, cong như con rồng cuộn, từ khuôn mặt tỏa ra ánh sáng hồng, tất cả những ai nhìn thấy vua đều cảm thấy dễ chịu và sợ hãi”(52). Các dấu hiệu của vua, người sáng lập triều đại (mang tai vuông, ria và râu quai nón đẹp, nốt ruồi đen), ở đây xen lẫn với các dấu hiệu của hệ thống Phật giáo như chúng ta đã biết.

Với sự suy thoái của vai trò Phật giáo ở Trung Quốc và sự phục hưng và củng cố vị trí của Nho giáo vào thời Tống (thế kỉ X-XII) các công thức Phật giáo này đã biến mất khỏi văn xuôi lịch sử, nhưng chúng vẫn tiếp tục tồn tại trong truyền thống kể chuyện bằng miệng và văn chương tự sự như là các dấu hiệu của con người do số phận định đoạt. Trong quá trình này nhân tướng học và các công thức vay mượn từ nước ngoài cũng đóng một vai trò không nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tác. Chẳng hạn, trong hệ thống bói toán của họ đã có thêm như, tai dài chấm vai, với tư cách là dấu hiệu của sự cực kì thông tuệ.( Ai có được chúng sẽ là “người đứng đầu trong thiên hạ”.)

Sự nảy sinh nghệ thuật tự sự ở Trung Quốc diễn ra chủ yếu vào giai đoạn trung đại phát triển (thế kỉ VII-XVI), lúc đó trong văn học Trung Quốc đã hình thành thể loại truyện truyền kì, truyện kể thành phố, thoại bản (sách dân gian), sử thi diễn nghĩa và cuối cùng là tiểu thuyết đời thường. Thoát thai trên nền tảng văn xuôi ghi chép cao cả và thể loại kỉ truyện ghi chép tiểu sử, truyện kể văn học (truyền kì) Trung Quốc trên thực tế không hề biết đến miêu tả diện mạo bề ngoài của nhân vật (có những ngoại lệ cực kì hiếm hoi – sự miêu tả súc tích các vật kinh dị gắn liền với các thế giới khác).

Sách truyện dân gian lại là chuyện khác. Hình thành như một thể loại vào thế kỉ XIII – đầu thế kỉ XIV, chúng chủ yếu phản ánh vừa thế giới quan dân gian, vừa các thủ pháp miêu tả folklore mà các nghệ nhân kể chuyện chuyên nghiệp tiếp nhận. Trong số các sách truyện dân gian được lưu giữ cho đến ngày nay có Truyện diễn nghĩa về tam quốc chí, xuất bản vào những năm 20 thế kỉ XIV bằng lối in mộc bản ở tỉnh Phúc Kiến. Một trong các nhân vật chính của sách này – hậu duệ xa xôi của các vua Hán là Lưu Bị. Chúng ta đã biết cách miêu tả ông ta trong các sách lịch sử. Trong sách dân gian thế kỉ XIV ông ta được tả như sau: “Khi sinh ra ông đã có cái mũi rồng gồ cao, mắt phượng, lưng vua Vũ, vai vua Thang. Ông mình cao bảy thước năm tấc, tay dài quá gối…”(54). Lối miêu tả này đã có nhiều chi tiết hơn so với Tam quốc chí của Trần Thọ.

Qua một số trang nữa trong cuốn sách dân gian ta lại gặp trong lời kể của một trong các nhân vật sự lặp lại cách miêu tả diện mạo Lưu Bị, và người đọc nhận ra, rằng Lưu Bị lại “tai dài chấm vai”(55). Lần thứ ba chân dung Lưu Bị được cung cấp qua cảm nhận thị giác của đám lính tráng nhìn thấy ông ta: “Tất cả các tướng và binh lính đều nhìn thấy người đứng dẫn đầu các tướng. Mặt ông ta như trăng tròn, tai dài chấm vai, hai tay dài quá gối, mũi rồng gồ cao, mặt rồng – đó là mặt của hoàng đế hay vương công”(56). Ở đây người ta đã bổ sung vào chân dung nhân vật đã biết một sự so sánh khuôn mặt với trăng tròn và các sự miêu tả này đáng chú ý là cách mà các tác giả của cuốn sách dân gian (mà rất có thể gồm cả những nghệ nhân kể chuyện trước họ) sử dụng chân dung kí hiệu – biểu tượng về Lưu Bị có trong văn xuôi lịch sử, chuyển từ đó sang và đánh dấu thân hình nhân vật, cũng như công thức về sự ra đời của Phật, tai dài chấm vai và tay dài quá gối.

Nhưng vì nguyên tắc nguyên hợp của thế giới quan dân gian ở thời đại trung đại phát triển, bộ kí hiệu Phật giáo về con người vĩ đại còn được bổ sung thêm một dấu hiệu nữa của Phật – đó là khuôn mặt tròn, dễ dàng kết hợp với kí hiệu – khuôn sáo có nguồn gốc trong truyền thống Trung Hoa cổ đại. Từ đó mà có thêm mặt rồng – hóa thạch có tính cách tô tem, cả cái mũi rồng gồ lên, cả cái lưng vua Vũ, cả đôi vai vua Thang. Chúng ta nhớ rằng, từ mỗi đôi vai của  người sáng lập ra nhà Thương có tính chất bán thần thoại, dường như còn có mọc ra hai tay. Còn như chiếc lưng của Đại Vũ, người lập nên triều đại cổ xưa nhất (và cũng là thần thoại nhất) là nhà Hạ, thì ở đây chúng ta cần phải giả thiết rằng đã có sự tồn tại của một hệ thống kí hiệu chân dung đặc thù nào đó của dân gian, chưa được ghi trong các tác phẩm đánh dấu thời cổ đại mà ta đã biết, cũng như chưa được ghi trong các từ điển đầy đủ nhất bằng tiếng Trung Quốc, và cũng khác biệt ít nhiều với hệ thống kí hiệu quan phương và nhân tướng học. Những gì mà chúng ta gặp ở đây không phải là một sự thực nhầm lẫn ngẫu nhiên, nó còn được xác nhận bằng việc trích dẫn truyện dân gian rút từ tập sách xuất bản thế kỉ XVII: “Shi Hong Zhao[18] tham gia hội long hổ; trong đó Quách Uy trở thành vua của triều đại đoản mệnh của nhà Hậu Tấn[19], được miêu tả như  một người có “lông mày vua Nghiêu, đôi mắt vua Thuấn, lưng vua Vũ, vai vua Thang”. Cũng vẫn các công thức ấy cần thiết để chứng tỏ cho người đọc biết rằng nhân vật có đủ điều kiện để đóng vai sáng lập một triều đại, ở đây được dùng kết hợp với các kí hiệu chân dung bền vững mà chúng ta đã biết, đã được Vương Sung ghi nhận từ thế kỉ I CN.

Tuy vậy có thể giả định rằng trong cả hai trường hợp người ta đã thay thế hình tượng – kí hiệu ngôn từ viết đã quen thuộc là “vai Vũ” bằng “tai vũ”. Cặp đôi bền vững như thế (tai Vũ, vai Thang) chúng ta có thể tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm rất xa lạ với dân gian, bắt đầu từ sách Tân luận của Hoàn Đàm, nhà triết học thế kỉ I trước CN. Rõ ràng đó là chuyện sau khi đã tiếp nhận vào hệ thống tư duy truyền thống dân gian các yếu tố Phật giáo và nhất là biểu đạt “tai dài chấm vai” như là dấu hiệu của người vĩ đại, thì tai của Vũ có ba vành lại được thay thế bằng các dấu hiệu khác. Tất nhiên là khó mà xác định chính xác với ý nghĩa nào mà người nghe và người đọc đương thời cảm nhận các khuôn sáo bền vững đó, có khả năng nhiều nhất là giả thiết rằng, biểu đạt kiểu “vai Thang” được cảm nhận thuần túy theo ý nghĩa cường điệu – giản đơn như là một đôi vai to, mạnh mẽ, mà không có chút ám thị nào về việc từ đôi vai ấy sẽ mọc ra hai cánh tay.

Cuốn sách dân gian vị tất đã là nơi cung cấp đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc chân dung các nhân vật khác không thuộc hàng vua chúa. Trước đó quyền được có chân dung chỉ cấp cho, theo nghi thức văn học vững bền, chủ yếu là các vị tổ thần thoại và những người sáng lập triều đại, chân dung của họ, theo ý của các nhà sử học cần có để chứng tỏ tính hợp pháp của họ đòi hỏi được chiếm ngai vàng, bằng cách viện dẫn các dấu hiệu bề ngoài làm cho họ giống với các tổ tiên huyền thoại. Trong cuốn sách dân gian quả thực, không phải tất cả mọi nhân vật đều có quyền có đặc điểm chân dung, mà chủ yếu chỉ các nhân vật sử thi có thật, những người được coi là người trần mà thể hiện các sức mạnh linh thiêng của vũ trụ. Chẳng hạn như Quan Vũ – một viên tướng nổi tiếng kết nghĩa làm em Lưu Bị. Truyền thống sử học hoàn toàn  không cung cấp chân dung của ông ta. Trong cuốn sách dân gian chúng ta đọc thấy ông ta có “lông mày thần, mắt phượng, râu rậm, mặt đỏ màu hồng ngọc, mình cao chín thước hai tấc”(57). Mắt phượng gợi nhớ chân dung Lưu Bị đã nói trên kia, được đưa vào đây là do học thuyết nhân tướng học Trung Quốc cho rằng, mắt phượng hẹp, ít nhiều bị kéo dài ra, là dấu hiệu của sự thông tuệ khác thường.

Người thứ ba trong ba anh em của Lưu Bị – Trương Phi là một hiệp sĩ sử thi điển hình (ông ta cũng là một nhân vật lịch sử có thật), cũng được miêu tả một cách tương tự: “Ông ta đầu báo, mắt tròn như cái vòng tròn đeo tai, hàm én, ria hổ, mình cao hơn chín thước, còn tiếng nói của ông ta vang lên như tiếng sấm”(58).

Đối chiếu sự miêu tả ba anh em kết nghĩa trong cuốn sách dân gian lập tức đập vào mắt ta là một mô hình thống nhất trong việc mô tả nhân vật. Diện mạo nhân vật được miêu tả dần dần, thông qua miêu tả từng đặc điểm tách rời của khuôn mặt và thân thể, đối với mỗi bộ phận cấp cho một xác định (mà cơ sở chủ yếu của nó là so sánh với một con vật nào đó). Phương thức đó được sử dụng hầu như khắp nơi, ngoại trừ các hình tượng Phật giáo được xây dựng theo một công thức khác. Tính chất cổ xưa của bút pháp cắt rời như thế là rất dễ thấy. Như chúng ta đã thấy, chính các sự miêu tả của tất cả các vị tiên tổ thần thoại được sử dụng rộng rãi trong văn xuôi lịch sử cổ đại và trung đại lại trở thành mô hình điển hình cho văn xuôi sử thi trung đại. Từ lời kể miệng và các sách dân gian cách miêu tả tương tự như thế được chuyển vào các sách sử thi đồ sộ, tương tự như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (thế kỉ XIV) hay Truyện Thủy Hử của Thi Nại Am (thế kỉ XIV). La Quán Trung, chẳng hạn, đã chuyển trực tiếp các đặc điểm chân dung của các nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi từ quyển sách dân gian vào trần thuật chỉ thay đổi từ “mặt rồng” thành “khuôn mặt như hồng ngọc” và bổ sung chi tiết “môi đỏ như tô son”… Tương tự như vậy ông mở rộng một chút đặc điểm tính cách của Quan Vũ, còn Trương Phi thì để nguyên.

Thi Nại Am cũng dựa trên truyền thống kể miệng đó, cung cấp những chân dung bị tách rời cho phần lớn các nhân vật – những tên cướp khởi nghĩa tốt bụng. Miêu tả một người trong số họ có tên là Lâm Xung, trên thực tế ông lặp lại chân dung của Trương Phi (Lâm Xung có đầu báo, mắt tròn như vòng đeo tai, hàm én, ria hổ).

Trường hợp đặc biệt là sự miêu tả tướng Quan Thắng trong sử thi anh hùng Truyện Thủy Hử của Thi Nại Am. Trong sách dân gian về các nhân vật Tam Quốc, thường xuyên được nhấn mạnh rằng mặt Lưu Bị giống Tịnh Đế, có khả năng trị vì khoảng từ năm 157 đến năm 141 trước CN, mà ông tự coi là hậu duệ xa xôi của ông ta. Đáng tiếc là chúng ta không tìm thấy cách miêu tả Tịnh Đế trong văn học như thế nào, chủ yếu là vì ông ta không phải là người sáng lập triều đại, và một chân dung như thế cũng không đến phần ông ta. Điều quan trọng là chỗ khác: định hướng chân dung ở hình dáng bề ngoài (tất nhiên, tuyệt đối là phi hiện thực) của một vị tổ tiên nào đó. Các chân dung của những người sáng lập triều đại đã được làm ra bằng các kí hiệu lấy từ sự miêu tả các vị tổ đầu tiên, và vì như thế mà định hướng theo mô hình thần thoại, các nhân vật thuộc thời đại sau này lại được miêu tả theo truyền thống đó để phù hợp với chân dung của vị tổ xa xôi nhưng nổi tiếng. Hình thức đơn giản nhất của sự phù hợp đó là đồng nhất hoàn toàn. Chính cái hình thức đó chúng ta tìm thấy trong chân dung Quan Thắng, là người được coi là hậu duệ xa xôi của Quan Vũ nổi tiếng (họ cách xa nhau khoảng 8 thế kỉ). Quan Thắng trong Truyện Thủy Hử là một sao chép chính xác của vị tổ của mình, trong đó, rõ ràng, chân dung ông ta phù hợp không chỉ là sự miêu tả ngắn gọn về Quan Vũ trong cuốn sách dân gian, mà còn ít nhiều đầy đủ hơn trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Vì thế Quan Thắng, chẳng hạn, mặt không phải màu hồng ngọc, như trong sách dân gian, mà là màu đỏ như táo chín (như trong sử thi), còn đôi mắt vẫn là mắt phượng, bởi vì chi tiết này có ý nghĩa biểu tượng rõ rệt mà La Quán Trung đã mượn từ văn bản của cuốn sách dân gian.

*

Vậy là chúng ta đã xem xét sự hình thành “chân dung” trong văn xuôi cổ điển Trung Quốc từ thời thần thoại đến thời sử thi thành văn đã phát triển, xuất hiện trước tiểu thuyết. Kết quả là chúng ta đã giải thích được rằng, mô hình cổ sơ của lối miêu tả tách rời từng yếu tố chân dung của các vị tổ đầu tiên vẫn tiếp tục là hình thức tích cực để tổ chức miêu tả diện mạo bề ngoài của các nhân vật và của các truyện kể sử thi dân gian và sách dân gian thế kỉ XIV và các sử thi thành văn của thời trung đại phát triển. Đóng vai trò quan trọng trong chân dung các nhân vật văn học cổ đại và đặc biệt thời trung đại là biểu tượng, được hình thành nhờ sự tách rời và sự dồn nén lại các miêu tả chi tiết lúc nào đó của các vị tổ đầu tiên, rồi được thay đổi ý nghĩa trên các bình diện xã hội, nghi thức, hay nhân tướng học hay thuần túy chỉ là ẩn dụq

                                       

(1) Vấn đề này đã được chúng tôi xem xét trong bài báo Phương pháp trong văn học trung đại phương Đông. Tạp chí  Những vấn đề văn học, số 6 năm 1969, tr.75-93.

(2) Trong văn bản Trung Quốc với tính chất là định nghĩa về từ “vai” là từ “cừ” có nghĩa là kênh, mương dẫn nước; ở đây chúng tôi chọn một nghĩa rất xa, phái sinh của từ này xuất phát từ cặp đối với cặp chữ Hán[20].

(3) Xuân Thu vĩ hợp thành đồ – Trong tùng thư  “Linglungshan guan”, 1889. T.5, tr.1 (in mộc bản do Lao Yiwan sưu tập).

(4) Hoàng Phủ Mật: Đế vương thế kỉ tập tồn, Xu jun Yuan soạn. Bắc Kinh. 1964, tr.2.

(5) Luo Bi: Lỗ sử (Lịch sử thời thượng cổ). T.2, quyển 2, tr.1. Trong văn bản các câu  bổ sung sau này được đưa vào Sử kí của Tư Mã Thiên (145-87 trước CN). Tư Mã Trinh vào thế kỉ VIII sau khi viết diện mạo kinh ngạc đã viết thêm: “có đức hiền minh của bậc thánh hiền”. (Xem Tư Mã Thiên – Sử kí, trong Nhị thập tứ sử, T.1, Bắc Kinh, 1959, tr.28. Điều này cho thấy sự hình thành công thức miêu tả các vị tiên tổ thần thoại, trong đó sự đánh giá luân lí đạo đức nhân vật đặt trong mối liên hệ lôgic nhất định với bộ mặt khác thường.

(6) Luo Bi: Lịch sử thời thượng cổ, T.2, quyển 2, tr.1.

(7) Như trên.

(8) Xem Liệt tử tập thích, Dương Bá Tuấn soạn, Thượng Hải, 1958, tr.51.

(9) Nghệ văn loại tụ. Bắc Kinh, 1961, quyển 11, tr.8a.

(10) Hoàng Phủ Mật: Đế vương thế kỉ, tr.10.

(11) Như trên, tr.16.

(12) Như trên, tr.19.

(13) Như trên, tr.17.

(14) Điều này nói trong sách Shi zi, xem Viên Kha: Thần thoại Trung Quốc cổ đại, M., 1965, tr.356.

(15) Điều này nói trong sách Cát Hồng, xem Nghệ văn loại tụ, q.11, tr.10.

(16) Hoàng Phủ Mật. Sđd, tr.27.

(17) Xem Vương Sung: Luận hành, Bắc Kinh, 1957, tr.52.

(18) Tư Mã Thiên: Sử kí, T.1, M., 1972, tr.136.

(19) Hoàng Phủ Mật, Sđd, tr.29.

(20) Như trên, tr.50.

(21) Như trên.

Như Dương Hùng đã cho biết, “các thầy cúng thường bắt chước dáng đi của Vũ”. Dương Hùng: Pháp ngôn, trong sách Chư tử tập thành, T.7, Bắc Kinh, 1957, tr.28.

(22) Trích theo L.D. Pozdneeva: Các nhà vô thần, duy vật và biện chứng của Trung Quốc cổ đại, M., 1967, tr.23.

(23) Hoàng Phủ Mật, Sđd, tr.58. Ở Lưu An, trong sách Hoài Nam Tử (thế kỉ 1, CN) còn có bổ sung vào sự miêu tả này, sau từ “kéo sắt” còn có “xe vàng làm bánh”, còn thay thế chuyện “tay không bắt gấu và hổ” là một đoạn miêu tả dài theo kiểu song hành (đối): “diệt rùa lớn và cá sấu dưới nước, bắt gấu và đom đóm trên cạn” – Xem Chư Tử tập thành, T.VII, Hoài Nam Tử, tr.132.

(24) Hoàng Phủ Mật, Sđd, tr.63.

(25) Như trên, tr.64.

(26) Tuân Tử, T.1, Thượng Hải, 1936, tr.70.

(27) Hoàng Phủ Mật, Sđd, tr.67.

(28) Tuân Tử, T.1, tr.70.

(29) Như trên.

(30) Hoàng Phủ Mật, Sđd, tr.82.

(31) Xem: Morohaxi Tesudi. Kan-va dai jiten (Đại từ điển Trung Nhật), T.12, Tokyo, 1957, tr.1104.

(32) Vương Sung: Luận hành, tr.57.

(33) Xem: Riftin B. Sử thi lịch sử và truyền thống folklore ở Trung Quốc. M., 1970, tr.100.

(34) Tư Mã Thiên: Sử kí, Bắc Kinh, 1963, T.2, tr.342. So sánh: Krol Ju.L. Tư Mã Thiên – nhà sử học, M., 1970, tr.137-139.

(35) Miêu tả từ tác phẩm cổ đại He cheng tu được Tư Mã Thiên dẫn. Xem Sử kí, T.2, tr.342.

(36) Trích theo Nghệ văn loại tụ, quyển 12, tr.11a.

(37) Tuân Tử, T.1, tr.68.

(38) Như trên.

(39) Khổng Phụ: Khổng Tùng tử – Trong Hán Ngụy tùng thư, Thượng Hải, 1885, tr.4.

(40) Xem Luo Bi: Lịch sử thời thượng cổt, T.3, phần Hậu kí, quyển 11, tr.1a.

(41) Vương Sung: Luận hành, tr.52.

(42) Như trên, tr.57.

(43) Như trên, tr.52.

(44) Bạch hổ thông. Trích theo Viên Kha. Thần thoại Trung Quốc cổ đại, tr.374.

(45) Tuân Tử, T.1, tr.70.

(46) Khổng Phụ: Khổng Tùng tử, tr.1.

(47) Âu Dương Tuân: Nghệ văn loại tụ, quyển 75, tr.4.

(48) Liệt Tử tập thích, tr.51.

(49) Ma y tướng pháp, sách mộc bản, 1903, quyển 3, tr.28.

(50) Quý Hâm Lâm: Trung Ấn văn hóa quan hệ sử luận tùng, BK, 1957, tr.87-94.

(51) Trần Thọ: Tam quốc chí, Bắc Kinh, 1963, T.IV, tr.871-872. Vấn đề này được nghiên cứu riêng bởi nhà sancrit học Trung Quốc là Quý Hâm Lâm.

(52) Các ví dụ này chúng tôi vay mượn từ bài báo nói trên của Quý Hâm Lâm, nhưng tác giả này không quan tâm sự kết hợp các kí hiệu Trung Quốc truyền thống về đế vương và Ấn Độ.

(53) Xem Ma y tướng pháp, quyển 3, tr.38a.

(54) Tam quốc chí bình thoại, Thượng Hải, 1955, tr.11-12.

(55) Như trên, tr.19.

(56) Như trên, tr.30.

(57) Như trên, tr.10-11.

(58) Như trên, tr.11.


(*)

[1] Văn Nhất Đa (1899 – 1946), nhà thơ và học giả . Ông có các công trình nghiên cứu văn học như: Thần thoại  và thơ ca, Sở Từ hiệu bổ. – ND.

[2] Hoàng Phủ Mật (215 – 282), nhà y học thời Ngụy Tấn, đặt nền móng cho thuật châm cứu. Đồng thời ông còn có các sách khảo cứu như Đế vương thế kỉ, Liệt nữ truyện, Cao sĩ truyện…-ND.

[3] Xuân Thu vĩ, một trong thất vĩ, bảy cuốn sách dựa vào kinh điển nho gia rồi suy diễn để đoán cát hung, hưng phế, thịnh suy, gồm Dịch vĩ, Thư ví, Thi vĩ, Nhạc vĩ, Lễ vĩ, Xuân Thu vĩ, Hiếu kinh vĩ. Xuân Thu vĩ cũng tức là Xuân thu sấm vĩ. Các sách này chứa đựng nhiều chuyện hoang đường quái đãn theo tinh thần bói toán, phương thuật. – ND.

[4] Luo Bi. Chúng tôi chưa tra cứu được âm Hán Việt của tác giả này, tạm phiên âm theo tiếng Nga – ND.

[5] Nghệ văn loại tụ. Loại thư, một thứ sách phân loại tri thức để tra cứu, tựa như bách khoa thư, do Âu Dương Tuân cùng một số người khác, biên soạn, gồm 100 cuốn, chia 46 mục, trình bày tri thức thiên văn, địa lí, nhân sự, đế vương, quan chức, kiến trúc, hôn táng…. Âu Dương Tuân (557 – 641), người đời Đường. Chưa rõ cuốn sách thế kỉ XII tác giả nhắc ở đây là sách nào. -ND.

[6] Thủ lĩnh bộ lạc cổ đại, họ Cao Tân, tương truyền là chắt của Hoàng Đế, cha đẻ của Thuấn. – ND.

[7] Lịch sử nước Lỗ, theo Hán ngữ đại từ điển, là tên sách mà tác giả dịch thành Lịch sử thời thượng cổ,  vốn là sách do Khổng Tử viết, cũng gọi là Xuân Thu, nhưng ở đây lại do Luo Bi viết vào thế kỉ XII, xem đoạn trên– ND.

[8] Tác giả phiên âm theo tiếng Nga, chúng tôi chưa thấy mặt chữ Hán và chưa biết nghĩa là gì. -ND.

[9] “Vũ” là nhũ danh, người sau gọi ông là Hạ Vũ, Đại Vũ. Sử kí. Hạ bản kỉ cho biết tên của Vũ là Văn Mệnh, nghĩa là dấu hiệu của mệnh trời. – ND.

[10] Tiếng Nga dịch là sukhotka. – ND.

[11] Tên vị đế cổ đại. Tương truyền là hậu duệ của Hoàng Đế, hiệu Cao Tân Thị. – ND.

[12] Khổng Phụ: Hậu duệ tám đời của Khổng Tử, sống vào thời cuối Tần, từng tham gia khởi nghĩa chống Tần. Sách Khổng Tùng Tử là sách do người Ngụy Tấn soạn. –ND.

[13] Chúng tôi chưa tra được âm Hán Việt..- ND.

[14] Chúng tôi chưa tra được âm Hán Việt. – ND.

[15] Lưu Hiếu Tiêu, tức Lưu Tuấn (462 – 521), người đời Nam triều, từng viết chú thích cho sách Thế thuyết tân ngữ. – ND.

[16] Tức Tào Duệ. -ND.

[17] Tức Tư Mã Viêm. – ND.

[18] Chúng tôi chưa tra cứu được âm Hán Việt. – ND.

[19] Theo Từ điển Từ Nguyên, Bắc Kinh, 1993, Quách Uy thuộc nhà Hậu Chu. – ND.

[20] Chữ “vai” tiếng Hán là “kiên”, thuộc bộ nhục. Không rõ nguồn giải thích chữ này như tác giả chú ở sách nào. – ND.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ LÀ HỆ THỐNG KÍ HIỆU THỨ SINH

V. Chiupa

  Lã Nguyên dịch

Văn học là một loại hình nghệ thuật. Nó vẫn thường được gọi là “nghệ thuật ngôn từ”. Thế tức là nghệ thuật rộng hơn văn học. Cho nên, ta buộc phải nói về nghệ thuật theo cả nghĩa rộng, lẫn nghĩa hẹp của khái niệm ấy.

Theo nghĩa rộng, chữ “nghệ thuật” gắn với ý niệm về sự khéo léo, tinh tế, có thể sử dụng để chỉ bất kì một kĩ năng thực tế nào, ví như nghệ thuật ẩm thực. Theo nghĩa hẹp, nó là khái niệm chỉ “loại” dành cho các dạng hoạt động độc đáo trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, ví như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh và, tất nhiên, văn học. Những lĩnh vực hoạt động này yêu cầu các sản phẩm do nó chế tác phải đạt tới một “giới hạn” hoàn thiện nghệ thuật nào đấy mà nếu nói theo lời của Kant thì nó “không thể du di được”[1].

Theo nghĩa rộng, lời nói hoa mĩ có thể gọi là “nghệ thuật ngôn từ”. Ở đây, chúng ta chỉ bàn về văn học như một dạng nghệ thuật theo nghĩa hẹp, nghĩa đặc biệt, chỉ một dạng hoạt động mang tính nghệ thuật.

          Tất cả những gì có quan hệ với con người, tựu trung có thể chia thành ba loại: hoặc là sự vật (kể cả những “vật sống động”), hoặc là cá nhân, hoặc là kí hiệu. Chất liệu để dùng trong nghệ thuật theo nghĩa hẹp, tức là để nghệ sĩ  sử dụng trong hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp của anh ta chính là các kí hiệu. Quét sơn lên bề mặt của tấm ván, hay bức tường, người thợ sơn sử dụng  sơn như một đồ vật. Nhưng khi họa sĩ cũng sử dụng chính thứ sơn ấy như một phương tiện tạo hình, nó trở thành một kí hiệu. Mọi hoạt động, nếu được tiến hành với các kí hiệu, chứ không phải với các đồ vật, hay với các cá nhân, đều gọi là hoạt động kí hiệu học. Là một loại hình nghệ thuật, văn học cũng là hoạt động tín hiệu, hoạt động kí hiệu học.

Các tín hiệu đặc biệt được con người lựa chọn để giao tiếp với nhau (ví như lời nói), cũng như các đồ vật, hoặc các sinh thể đều có thể trở thành kí hiệu. Chẳng hạn, cơ thể người nghệ sĩ trong vở diễn trên sân khấu chính là kí hiệu. Nếu vì một lí do nào đó, chúng ta chỉ nhìn thấy ở cơ thể của người nghệ sĩ ấy một cái thân xác đang động cựa, thì vở diễn sẽ mất hết hiệu quả nghệ thuật nữa. Cho nên, là sự trình diễn thể hiện kĩ năng sử dụng cơ thể, xiếc không phải là nghệ thuật hiểu theo nghĩa đặc biệt, giống như ta nói về văn học, âm nhạc, hội họa, hay nhà hát. Mọi đồ vật, mọi sinh vật đều có thể sử dụng làm kí hiệu cho một cái gì đó. Chỉ riêng cá nhân thì không thể trở thành kí hiệu của một cais gì đó, mà vĩnh viễn là người sử dụng kí hiệu. Bản chất của kí hiệu nằm ở chỗ, nó là vật thay thế cho một cái gì đó. Là hoạt động kí hiệu học, nghệ thuật có nguồn cội từ các nghi lễ ma thuật được tiến hành bằng các nhân vật thay thế cho các đối tượng hoặc bản thể mà tác động ma thuật muốn nhắm tới.

Nhưng từ trong bản chất, không thể qui kí hiệu về các hiện tượng vật chất dùng để thay thế. Đồ vật, những tín hiệu nhân tạo (ví như các chữ cái) hoặc các sinh thể (bao gồm cả con người, nhưng không trong tư cách là cá nhân) sẽ trở thành kí hiệu nếu chúng tham gia vào một loại quan hệ đặc biệt – quan hệ kí hiệu học. Mỗi một kí hiệu bao giờ cũng có ba bình diện: bình diện biểu đạt, hay là tên của tín hiệu, bình diện được biểu đạt – nghĩa của kí hiệu và bình diện hiện thực hóa – ý nghĩa của nó. Mỗi bình diện như vậy là một mặt của các mối quan hệ mà tổng thể của chúng sẽ làm cho kí hiệu trở thành kí hiệu.

          Tín hiệu – là quan hệ giữa kí hiệu với một ngôn ngữ cụ thể. Nếu không có một ngôn ngữ tương ứng, thì không thể có kí hiệu. một dấu hiệu nào đó, ví như triệu chứng của một căn bệnh hoàn toàn không phải là kí hiệu theo nghĩa kí hiệu học, vì các triệu chứng y học có thể sẽ được phát hiện và được mô tả, nhưng không ai sử dụng chúng làm phương tiện giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Triệu chứng là cái tự nhiên, đương nhiên, trong khi đó kí hiệu lại là cái được qui ước, bao giờ cũng mang tính ước lệ. Cần nhấn mạnh, rằng khi nói tới các ngôn ngữ, ta không chỉ hàm chỉ các ngôn ngữ “tự nhiên” của dân tộc, nơi ngôn từ – các tên gọi của nghĩa được xem là kí hiệu, mà còn hàm chỉ mọi hệ thốngkí hiệu nhân tạo có thể sử dụng để kiến tạo văn bản. Ngược lại, khi nói tới văn bản chúng ta không chỉ hàm chỉ các văn bản bằng lời, mà còn hàm chỉ mọi cấu trúc kí hiệu(chữ “texte” có gốc La Tinh “textum” có nghĩa là kết nối) có chứa đựng ý nghĩa.

          Nghĩa – là quan hệ giữa kí hiệu với một thực tại, thực tại ấy không nhất thiết phải có thật. Để được sử dụng như một kí hiệu, một vật thay thế nào đó cần phải trở thành cái tham chiếu (tiếng Pháp: referent, gốc La Tinh: referre nghĩa là thông báo), tức là nó phải tương ứng hoặc là với một hiện thực có thật được nó thay thế (mô hình hóa), hoặc một hiện thực khả thể, hay hiện thực hư cấu, không có thật. Nghĩa của kí hiệu là mô hình của một hiện tượng đời sống nào đó trong tư duy, chứ không phải đời sống mà kí hiệu chỉ ra.

          Ý nghĩa – đó là quan hệ giữa kí hiệu với ý thức nhận biết không chỉ có khả năng phân biệt các kí hiệu riêng lẻ của ngôn ngữ, mà còn có khả năng nắm bắt trật tự tổ chức của các kí hiệu. Chẳng hạn, từ trong từ điển có nghĩa, nhưng không có ý nghĩa. Chỉ trong ngữ cảnh của một phát ngôn nào đó, được kết hợp với những kí hiệu khác của ngôn ngữ, nó mới có ý nghĩa. Nói cách khác, ý nghĩa bao giờ cũng có tính ngữ cảnh.

          Một văn bản có kết cấu chặt chẽ bao giờ cũng chứa đầy ý nghĩa tiềm năng mà ý thức tiếp nhận sẽ buộc chúng phải hoạt động, tức là phát hiện và làm cho chúng trở thành cái hiện hữu,  mang tính quan niệm. Tính quan niệm của ý nghĩa làm nảy sinh khả năng thay thế (tính đối lập, tính không đồng nhất) bằng một ý nghĩa khác, hoặc một loạt ý nghĩa có thể có trong một ngữ cảnh cụ thể. Ý nghĩa không mang tính khách quan giống như nghĩa, không mang tính chủ quan giống như phản ứng của ý chí-tình cảm; chính tính quan niệm đã nối kết xung quanh nó tất cả những ai tiếp nhận ý nghĩa ấy.

Ba thuộc tính của kí hiệu vừa nêu ở trên – tính qui ước, tính tham chiếutính quan niệm – là thuộc tính chung, có ở mọi hoạt động kí hiệu học, bao gồm cả các dạng hoạt động nghệ thuật. Hoạt động nghệ thuật tác động tới các khả năng thụ cảm kí hiệu trong tâm thức của chúng ta (thực tiễn – tinh thần) từ các bình diện: a) cái nhìn bên trong; b) thính giác bên trong và c) lời nói bên trong (phi định hình về mặt cú pháp).

Thoạt nhìn, các nghệ thuật tạo hình – hội họa, đồ họa, điêu khắc – chỉ làm công việc chế tác đồ vật. Nhưng thực ra, chúng sử dụng các sự vật như những kí hiệu. Từ các kí hiệu vật chất ấy, chúng sáng tạo ra các văn bản không lời. Nếu ở bình diện vật chất, tác phẩm hội họa, hoặc điêu khắc tác động trực tiếp tới giác quan của con người, thì ở bình diện tổ chức kí hiệu (văn bản) chúng tác động tới cái nhìn trong tâm thức của chúng ta (suy luận trừu tượng), với cái nhìn ấy, màu sắc, đường nét, hình khối trở thành các đơn vị tư duy và có ý nghĩa độc đáo của một loại ngôn ngữ đặc biệt (trực quan). Có thể xem các tín hiệu giao thông là thí dụ đơn giản nhất về loại ngôn ngữ ngoài lời như vậy.

Là nghệ thuật biểu hiện, âm nhạc cũng sử dụng các tín hiệu âm thanh nhân tạo hoặc âm thanh của lời nói trong ngôn ngữ tự nhiên như những kí hiệu của một loại ngôn ngữ đặc biệt (ngôn ngữ thính giác). Ngôn ngữ ấy tác động tới thính giác bên trong, với thính giác ấy, đó là ngôn ngữ có rất nhiều ý nghĩa. Trong khi ấy, thính giác bên ngoài của chúng ta tiếp nhận âm nhạc một cách rất “vật chất”, cường độ âm thanh và sự réo rắt của âm nhạc có thể khiến thính giác bị khó chịu, hoặc được xoa dịu.

Cuối cùng là các loại hình nghệ thuật thị giác: sân khấu và điện ảnh. Các loại hình nghệ thuật này sử dụng khả năng của con người như một sinh thể được các đồ vật và những người khác cùng hoạt động với nó bao quanh, đóng khung lại theo một cách nào đó. Các kí hiệu hành vi của con người trở thành các đơn vị của một loại ngôn ngữ đặc biệt (mô tả) tác động tới khả năng tâm thức thuộc ngôn ngữ bên trong của chúng ta. Bởi vì mọi sự hiểu, mà ở đây chính là hành động của diễn viên trên sân khấu tác động tới sự hiểu của khán giả đối với các xung động và động cơ của hành vi ấy, rốt cuộc đều là “sự phiên dịch ngôn ngữ tự nhiên sang ngôn ngữ bên trong”[2]. Ý nghĩ của chúng ta, những ý nghĩ sau đó cần được sắp xếp lại thành ngôn ngữ người khác có thể hiểu[3] sẽ được hình thành trong hệ thống ngôn ngữ giao tiếp tự động không có ngữ pháp – ngôn ngữ của “lời nói bên trong với mình” ấy.

Các hệ thống kí hiệu điệu bộ, cử chỉ, giọng điệu, màu sắc, âm thanh…được hình thành dần dần trong đời sống của người nguyên thủy (trong đời sống của sinh vật cũng có những hệ thống kí hiệu tương tự như vậy). Nghệ thuật xuất hiện trên nền tảng của các hệ thống kí hiệu như vậy, nó củng cố chắc chắn khả năng của các hệ thống kí hiệu ấy, giúp cái “tôi” của con người ngày càng thích ứng với thế giới xung quanh.

Văn học khác biệt hoàn toàn với các loại hình nghệ thuật khác ở chỗ, nó sử ngôn ngữ tự nhiên của con người làm kí hiệu. Đó là hệ thống kí hiệu có sẵn, đã hoàn bị, đồng thời hoàn hảo nhất. Nhưng nó sử dụng các khả năng của hệ thống ngôn ngữ gốc này chỉ để tạo ra văn bản thuộc về hệ thống kí hiệu thứ sinh[4]. Nghĩa và ý nghĩa của các kí hiệu lời nói (kí hiệu ngôn ngữ học) trong các văn bản nghệ thuật tự chúng trở thành “tên gọi” của các kí hiệu khác – kí hiệu siêu lời nói, siêu ngôn ngữ học.

Các kí hiệu thứ sinh này thường gọi là mô tip. Trong văn bản được hiểu như một hệ thống mô tip, ý nghĩa nghệ thuật không phải do các câu và các tổ chức cú pháp tạo thành, mà được tạo thành bởi chức năng giao tiếp: ai nói? nói thế nào? nói cái gì? nói trong tình huống nào? nó cho ai nghe?  Ý nghĩa của vở kịch trên sân khấu cũng y hệt như vậy, vì nghệ thuật ngôn từ cũng là nền tảng của nghệ thuật sân khấu.

Nhưng không nên gán trực tiếp bất kì một lời nói nghệ thuật nào cho cá nhân nhà văn. Người nói trong các tác phẩm hoặc là các hình tượng (nhân vật) đóng thế cho tác giả, hoặc là đại diện của ông ta – các mặt nạ ngôn ngữ nói lên sự hiện diện của tác giả trong văn bản (người trần thuật, người kể chuyện, kí giả, chủ thể trữ tình…). Rốt cuộc, cả hai trường hợp ấy đều sở đắc vị thế của các nhân vật văn học. Ngay cả trong thơ tự bạch trữ tình tâm tư, hình tượng tác giả không phải là người đang nói (nhân vật trữ tình), mà là người đang lắng nghe, đang tìm hiểu, đang đánh giá cái người nói ấy như lắng nghe, đánh giá một người khác.

Theo quan niệm sâu sắc của M.M. Bakhtin, văn học là nghệ thuật “nói gián tiếp”[5], cho nên nhân vật tác giả đích thực (từ quan điểm nghệ thuật), luôn được “bọc kín trong im lặng”[6], còn bản thân. Tác giả không dùng ngôn ngữ bằng lwoif để nói với chúng ta, mà giao tiếp với chúng ta bằng ngôn ngữ thứ sinh (ngôn ngữ nghệ thuật).  Cho nên, chỉ mỗi chỉnh thể văn bản là thuộc về tác giả. Cái chỉnh thể văn bản này được kiến tạo bằng ngôn từ đa phần là của các chủ thể lời nói hư cấu, của “người khác” so với tác giả, hoặc với tác giả, là “người khác của bản thân mình”. Chỉ ở những văn bản không có tính nghệ thuật nhà văn mới “tự nói”, “nhân danh bản thân” để nói. Trong phạm vi của lời nói nghệ thuật, lời nói thuộc về tác giả – nếu có những lời như vậy – chỉ là những câu chữ đóng khung siêu văn bản (tức là “văn bản về văn bản”): nhân đề, đề từ, đề tặng, ghi chú.

 Tuy nhiên, đôi khi cũng có trường hợp nhà văn trực tiếp nhân danh cái “tôi” của bản thân để nói. Trong những trường hợp như thế, mạng lưới nghệ thuật bị xé rách bời những đoạn văn chính luận, hoặc một loại văn khác chêm vào. Ở những đoạn văn chem. Vào này, ngôn từ và cấu trúc lời nói lại quay trở về với bản chất kí hiệu gốc của chúng.

Khác với lời nói phi nghệ thuật, văn bản nghệ thuật không tác động trực tiếp vào ý thức của chúng ta, mà tác động gián tiếp thông qua thị giác bên trong, thính giác bên trong và sự thức nhận tác phẩm diễn ra dưới hình thức ngôn ngữ bên trong của chúng ta. Sự tác động này được tổ chức bằng hoạt động kí hiệu học của tác giả, người sử dụng các phát ngôn gốc để kiến tạo những phát ngôn phái sinh:  một văn bản duy nhất như là “tổng thể các yếu tố của ấn tượng nghệ thuật”[7].

Những ý kiến nói trên của M. Bakhtin có thể xác định bản chất kí hiệu học của tác phẩm hội họa, điêu khắc, một vở nhạc kịch, kịch sân  khấu. Nhưng để tổ hợp các kí hiệu – các yếu tố của hoạt động tiếp nhận trong ý thức – trở thành văn bản, cần phải có ba bình diện cơ bản như sau[8]: a) Tính biểu lộ – sự biểu hiện bề ngoài trong chất liệu kí hiệu. Đặc điểm này giúp phân biệt văn bản với những bức tranh trong tưởng tượng. b) Tính phân giới trong không gian (khung, hàng đèn trước sân khấu) hoặc trong thời gian (mở đầu và kết thúc). Đặc điểm này giúp phân biệt văn bản với tư cách là những tổ hợp kí hiệu với những tổ hợp kí hiệu không có sự phân giới như các ngôn ngữ. c) Tính cấu trúc nội tại. Đặc điểm này giúp phân biệt văn bản với bảng chữ cái hoặc một tập hợp ngẫu nhiên các kí hiệu.

Mọi kí hiệu, kể cả những tổ chức kí hiệu đặc thù mà nghệ thuật sử dụng, ngoài ngữ nghĩa (khả năng tương thích với hiện thực được thay thế), đều còn có hai đặc điểm cấu trúc tối quan trọng: tổ hệ (syntagme – trục kết hợp) và từ hệ (paradigme – trục lựa chọn). Tổ hệ tạo ra khả năng nối kết về mặt cấu trúc kí hiệu này với các kí hiệu khác để tạo ra một văn bản có mạch lạc chặt chẽ. Từ hệ tạo ra khả năng lựa chọn khu biệt kí hiệu này với các kí hiệu khác đảm bảo cho sự xuất hiện của ý nghĩa trong văn bản.

Nếu tổ hệ làm cho kí hiệu trở thành một yếu tố của văn bản, thì từ hệ trong ngôn ngữ của nó, thì từ hệ làm cho kí hiệu thành yếu tố của ngôn ngữ. Với tư cách là cơ chế giao tiếp, ngôn ngữ là một tập hợp từ hệ. Từ hệ ngôn ngữ là chuỗi biến thể của các kí hiệu mà bao giờ người ta cũng chỉ được lựa chọn từ đó một kí hiệu duy nhất để kiến tạo các văn bản khúc chiết và có ý nghĩa. Chẳng hạn, tổ hệ cú pháp của các biến cách và chia động từ là thí dụ như vậy (từ tổ hợp các hình thái của từ dùng khi phát ngôn cần lựa chọn một hình thức phù hợp nhất. Đặc trưng của từ hệ ngữ nghĩa đảm bảo cho sự sinh nghĩa của ngôn ngữ được xác định bởi từ đồng nghĩa (cùng một nghĩa có nhiều cách gọi tên) và từ đồng âm (cùng một tên có một số nghĩa).

Chúng ta hiểu một phát ngôn thông thường bằng lời nói bằng cách đối chiếu văn bản của nó (tổ hợp tổ hệ của các kí hiệu) với một ngôn ngữ (tổ hợp từ hệ của các kí hiệu) mà chúng ta đã biết từ trước. Nhưng với một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, mọi chuyện có thể diễn ra rất khác. Ở đây phát ngôn đi trước ngôn ngữ khá xa, và điều đó làm nên đặc trưng kí hiệu học của nghệ thuật như là hoạt động kí hiệu của một dạng hết sức đặc biệt.

Khi đọc một tác phẩm văn học, đặc điểm này của phát ngôn nghệ thuật thường bị bỏ qua, vì người đọc quá rành ngôn ngữ dân tộc của văn bản. Nhưng ngôn ngữ dân tộc ấy không phải là ngôn ngữ nghệ thuật. Chẳng hạn, trong truyện Cái mũi của N.V. Gogol, kí hiệu quan trọng nhất chứa đựng một ý nghĩa hết sức cơ bản nào đó hiển nhiên là sự biến mất của cái mũi của viên thiếu tá Kovalev. Mô tip cái mũi biến mất đúng là một kí hiệu, nhưng nó là kí hiệu của cái gì? Nếu tách ra ra khỏi thiên truyện của Gogol, vị tất đã có một ngôn ngữ mà trong từ vị của nó sự thay đổi diện mạo ấy có một nghĩa tương thích.

Vấn đề ở đây tuyệt nhiên không phải là tính chất huyễn tưởng của biến cố bất ngờ (khiến không thể đọc nó như một triệu chứng y học). Các kí hiệu của ngôn ngữ nghệ thuật có thể chỉ là các sự thực bình thường, dễ nhận biết. Tỉ như “cái túi đỏ” mà ở chương XXIX, phần đầu tiểu thuyết của L.N. Tolstoi, Anna Karenhina đã lấy ra một “cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh” và “gắng đọc” (mặc dù thay vì chuyện đọc, lúc ấy nàng “chỉ thiết tha được sống”) và đến chương cuối phần bảy nó đã “giữ nàng lại” một khoảnh khắc trong lúc nàng tự vẫn, nhưng lại bị tuột ra, cũng là một kí hiệu. Và cũng như vậy, đặt ra bên ngoài phạm vi văn bản tiểu thuyết Anna Karenhina, ta không thể tìm được cách giải nghĩa cho tiểu mô tip ấy. Nghệ sĩ nói bằng ngôn ngữ của lời nói nội tâm của mình. Hiện tượng về lối nói phi diễn ngôn (không thể chia tách các âm, từ và câu) rất khác biệt với ngôn ngữ diễn ngôn trong lời nói bên ngoài của chúng ta (hiện tượng này  đã được L.S. Vygotski và N.I. Zinkin nghiên cứu kĩ).

Theo Vygotski, nét độc đáo cơ bản của lời nói nội tâm với “cú pháp vị từ thuần túy” của nó là ở chỗ, nó “hoạt động chủ yếu bằng ngữ nghĩa” của ý thức ngôn ngữ. Hơn nữa, trong bản thân lĩnh vực ngữ nghĩa, sự độc đáo ấy lại nằm ở “ưu thế tuyệt đối của ý nghĩa của từ so với nghĩa của nó”, cũng như ở cái tương đương của các đơn vị ý nghĩa thuộc về một chiều kích khác.  Chẳng hạn, cái tương đương của những các nhan đề là toàn bộ văn bản: nhan đề gần như có thể thay thế toàn bộ văn bản. Theo Vygotski, “từ” phi ngôn ngữ (đơn vị ngữ nghĩa) của ngôn ngữ nội tâm “tựa như thâu nạp vào bản thân ý nghĩa của những từ đi trước và đi sau bằng cách mở rộng vô giới hạn cái khung nghĩa của mình <…> Muốn phiên dịch loại nghĩa này ra lời nói bên ngoài phải mở rộng các ý nghĩa đã được rót vào một từ ra bức tranh toàn cảnh của các từ”[9].

Vị thế ngữ nghĩa của từ “cánh buồm” trong bài thơ cùng tên của Lermontov, hay từ “cái mũi” trong thiên truyện của Gogol chính là như thế. Đơn vị ngữ ngĩa của ngôn ngữ nghệ thuật ví như “chiếc túi đỏ” trong tiểu thuyết của Tolstoi có thể được biểu thị trong văn bản chỉ bằng một từ hoặc một tổ từ, nhưng nó có thể chứa đựng trong bản thân một phạm vi ngữ nghĩa hết sức rộng rãi và sâu sắc. Mặt khác, mọi đơn vị ngữ nghĩa thuần túy, có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân, không phải ai cũng hiểu như nhau[10] đều có thể triển khai thành cả một “bức tranh toàn cảnh của ngôn từ” (thành câu, đoạn, hay thậm chí cả một văn bản).

“Tính chất vị từ thuần túy và tuyệt đối như hình thức cú pháp cơ bản của ngôn ngữ nội tâm”[11] là đặc điểm cực kì quan trọng của loại phát ngôn phi diễn ngôn.

Văn bản nghệ thuật hoàn toàn có thuộc tính như vậy. Chẳng hạn, từ quan điểm ngôn ngữ học, ở dòng thơ “Trắng lên một cánh buồm cô độc” (“Белеет парус одинокий”), vị từ – vị ngữ rơi vào từ đầu tiên. Nhưng “chủ ngữ” của phát ngôn nghệ thuật tuyệt nhiên không phải là “cánh buồm”. Ở đây chính “cánh buồm” (cũng như cả “trắng lên”, cả “cô độc”) đều là vị từ của cái không được gọi ra, của phương thức hiện hữu trong thế giới mà tất cả các từ trong văn bản, không có ngoại lệ, đều thực hiện chức năng vị từ trong mối quan hệ với nó.

Tương tự như vậy, toàn bộ bức chân dung hội họa chỉ là “vị ngữ”. Chủ ngữ của vị ngữ ấy là tên của người được mô tả trên bức vẽ, có ghi rõ dưới bức tranh. Nhưng nó không phải là một phần của bức vẽ hội họa.

Cuối cùng,  điểm khác biệt nổi bật nhất của lời nói nội tâm với lời nói bên ngoài là tính chất tự do của tổ chức “giọng điệu” khiến cho bình diện ngữ âm của nó có thể giảm xuống mức tối thiểu, cũng có thể đơn giản hóa và cô đúc tới mức tối đa”[12]. Sự kết hợp của những sai lệch theo các hướng khác nhau so với chuẩn mực ngôn ngữ: sự suy yếu (“giảm thiểu”) và sự tăng cương (“cô đúc”) cũng là bình diện cực kì quan trong giúp ta nhận ra bình diện cuwucj kì quan trọng của hiện tượng ngôn ngữ nghệ thuật.

Đặc biệt, nếu thiếu sự tự do trong tổ chức giọng điệu làm phương tiện cơ bản để nhận thức như vậy, ta sẽ không thể cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật tạo hình với ngôn ngữ “câm” của chúng. Mặt khác,  việc chia tách ở lời nói nội tâm bình diện ngữ âm và ngữ nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên sẽ dẫn tới chỗ,  các âm vị sẽ có được giá trị nghệ thuật bổ trợ trong văn học (nhất là trong tơ). Bình diện âm thanh – cấu âm của lời nói trong hoạt động của nghệ thuật ngôn từ buộc phải trải qua quá trình ngữ nghĩa hóa phái sinh: âm vang của các từ, do nghĩa của ngôn ngữ gốc bị bỏ qua, trở thành kí hiệu của nghĩa và ý nghĩa mới.

Đặc điểm độc đáo của nghệ thuật đặt trên nền tảng độc đáo của ngôn ngữ bên trong dẫn tới chỗ, văn bản nghệ thuật nhìn trong tổng thể của nó rất giống với phát hiện khảo cổ – tựa như văn bản duy nhất đã đến được với chúng ta không phải bằng ngôn ngữ được giữ lại. Muốn giải mã cái văn bản ấy cần tái cấu trúc cái ngôn ngữ đã mất. Nhiệm vụ đặt ra trước việc phân tích văn bản nghệ thuật cũng tương tự như vậy.

Lại nữa, mọi sự hiểu thông thường đối với tác phẩm văn học đều là nỗ lực vô tình nhằm khôi phục theo kiểu như trên cái hệ thống kí hiệu vẫn còn là bí mật với chúng ta. Độc giả không thể nhận ra, đến một trình độ nào đó, việc đọc văn bản nghệ thuật luôn luôn “biến thành bài học ngôn ngữ”[13], và mỗi lần đọc tiếp theo giống như một phát ngôn tiếp theo bằng ngôn ngữ mang tính cá nhân này. Về mặt này, nhà nghiên cứu văn học với vai trò “độc giả chuyên nghiệp”, khác xa với độc giả thông thường luôn hiểu rõ sự kiện đọc là cái gì.

Tất nhiên, về nguyên tắc, không thể có loại văn bản nghệ thuật tuyệt đối hy hữu. Bởi vì sẽ không ai có thể tiếp nhận cái kiến tạo mới mẻ ấy như một văn bản. Rất nhiều thành phần của các ngôn ngữ ghệ thuật mang tính liên văn bản, người ta đã bắt gặp ít nhiều ở những tác phẩm khác. Nhưng ngay cả trong ngôn ngữ tự nhiên cũng có yếu tố liên ngôn ngữ, liên dân tộc: yếu tố được vay mượn từ các ngôn ngữ khác hoặc được kế thừa từ ngôn ngữ nguyên sơ.

Sự hiện diện ở văn bản nghệ thuật một ngôn ngữ riêng bên trong nó ( trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình và âm nhạc điều này thể hiện rất rõ) thường được nhìn nhận thông qua phạm trù lí thuyết phong cách. Các sáng tác không có phong cách độc đáo, chỉ mô phỏng quy tắc của các phong cách khác trong văn học, văn chương đại chúng thuộc loại này) không thuộc lĩnh vực nghệ thuật hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa chuyên môn của thuật ngữ này. Nó có thể được nghiên cứu từ quan điểm lịch sử văn học, nhưng nằm trong đối tượng của lí luận văn học.

 Phong cách cảu một kiệt tác nghệ thuật dẫu hy hữu thế nào thì nó vẫn có vô vàn yếu tố lặp lại các phong cách của những tác phẩm cùng một loại hình. Tương tự như vậy, mọi ngôn ngữ Ấn-Âu hoặc ngôn ngữ Tuyếc (nhất là các ngôn ngữ Slavow, Romang, hay Đức đều có nhiều đặc điểm chung với nhóm ngôn ngữ tương ứng hoặc một số ngôn ngữ cùng thành phần.

Đặc biệt, các ngôn ngữ nghệ thuật (phong cách) có thể được phân biệt về loại hình theo nguyên tắc cấu trúc chủ đạo của lối nói bóng được chúng sử dụng. Là hệ thống kí hiệu phái sinh, ngôn ngữ nghệ thuật hoạt động bằng cách thế này hay thế khác phá vỡ, làm biến dạng hệ thống kí hiệu gốc của ngôn ngữ tự nhiên. Điều này tạo ra lối nói bong như một đặc điểm kí hiệu học không thể loại bỏ của các văn bản nghệ thuật.

Phúng dụ (Allégorie) đòi hỏi lấn át, thay thế nghĩa của ngôn ngữ gốc bằng các ý nghĩa cần được giải mã. Chẳng hạn, con lừa trong ngụ ngôn không có nghĩa là con vật được gọi tên bằng từ ấy, trong phạm vi của phát ngôn nghệ thuật nó biểu thị một ý nghĩa nào đó (ý niệm về sự ngu dốt).

Biểu trưng (Emblème) thực chất là mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực nghĩa của kí hiệu ngôn ngữ trong khi vẫn duy trì ý nghĩa ban đầu của nó. Chẳng hạn, chim hòa bình do Picasso vẽ vẫn giữ lại ý nghĩa về con chim của Noé, đồng thời mở rộng ý ngĩa trong kinh thánh của nó thành mọi sự chấm dứt hành động chiến tranh hoặc các thảm họa thiên nhiên, đưa các ý nghĩa ấy vào thành phần của cái được biểu đạt. Hoặc nếu áp dụng cho người khác, từ “mùa thu Boldino” (năm 1830, thời kì vàng son trong cuộc đời sáng tạo của Pushkin) chứa đựng những thành tựu của anh ta theo nghĩa sáng tạo hứng khởi tương tự như Pushkin.

Biểu tượng (Symbole) trái ngược với biểu trưng như một nguyên tắc cấu trúc của lối nói bóng. Trong khi vẫn duy trì nghĩa ban đầu của kí hiệu ngôn ngữ, biểu tượng hóa mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, “những cây nến” và “những cuốn sách” trong ngữ cảnh số phận tiểu thuyết của Anna Karenhina là loại biểu tượng như vậy. Các biểu tượng này, vốn không phải là phúng dụ, không thể giải mã theo kiểu đơn nghĩa, nhưng trong phạm vi của chỉnh thể nghệ thuật, hoạt động ý nghĩa của chúng hướng ta tập trung vào nội dung của toàn bộ cuốn tiểu thuyết.

Nghịch dị (Grotesque)  ngược với phúng dụ. Nó là trò chơi bằng nghĩa của ngôn ngữ gốc dẫn tới sự loại bỏ ý nghĩa, thay thế nó bằng ý nghĩa chủ quan. Tính chủ quan của một ý thức tạo sinh văn bản nào đó – của tập thể hoặc cá nhân[14] – được biểu thị bằng trò chơi này. Sự biến mất của cái mũi trong thiên truyện của Gogol hoàn toàn không có một ý nghĩa nào cả, vì thế nó chẳng cần phải giải mã, nhưng nó có giá trị quan trọng gây ấn tượng chủ quan – ấn tượng rất khác nhau với viên thiếu tá và bác thợ cạo, với nhân vật và tác giả, với tác giả và độc giả.

 Có thể bắt gặp những hiện tượng biến đổi của hệ thống kí hiệu gốc như vừa nêu trên trong cùng một văn bản.Nhưng ngôn ngữ văn học độc đáo của một văn bản văn học nào đó bao giờ cũng giữ một vị thế nhất định về mặt kí hiệu học trong tương quan với ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ dân tộc). Theo nguyên tắc cấu trúc ấy, các phong cách có thể chia thành các loại hình phúng dụ, biểu trưng, biểu tượng, nghịch dị.

Tất cả những gì được xem là bộ phận cấu thành của một phong cách độc đáo với tư cách là những nhân tố được tái tạo, lặp lại, mang tính loại hình có thể gọi là thi pháp của tác phẩm. Không đồng nhất một cách giản đơn thi pháp với những  đặc điểm của lối nói bóng, vì nó bao gồm trong bản thân các bình diện thể loại và nhiều bình diện tổ chức nghệ thuật khác của tác phẩm. Chính những bình diện này của văn học là đối tượng nghiên cứu lí thuyết – đối tượng của thi pháp học như một khoa học.

Người dịch: LN

Nguồn: Художественный дискурс (Введение в теорию литературы).- Серия«Лекции в Твери». ТВЕРЬ 2002

 


[1] I. Kant- Phê phán năng lực phán đoán// I. Kant – Tuyển tập, bộ 6 tập. M., 1966. T.5, tr. 325.

[2] N.I. Zinkin – Ngôn ngữ. Lời nói. Sáng tạo. M., 198, tr. 161 (tiếng Nga)

[3] L.S. Vygotski – Tư duy và ngôn ngữ// L.S. Vygotski – Tuyển tập, bộ 6 tập. T.2, 1982.

[4] Xem: “Văn học nghệ thuật nói bằng ngôn ngữ đặc biệt, nó là hệ thống thứ sinh được kiến tạo ở bên trên ngôn ngữ tự nhiên”; “Một tổ hợp câu nào đó của ngôn ngữ tự nhiên muốn được thừa nhận là ngôn ngữ nghệ thuật cần chứng minh rằng chúng đã tạo ra một cấu trúc thuộc loại thứ sinh nào đó” (Iu.M. Lotman – Cấu trúc văn bản nghệ thuật. M., 1970, tr. 30).

[5] M.M. Bakhtin – Mĩ học sáng tạo ngôn từ. M., 1979, tr. 289

[6] Tlđd – Tr. 353.

[7] M.M. Bakhtin  – Những vấn đề văn học và mĩ học. M., 1975. Tr. 18.

[8] Iu.M. Lotman – Cấu trúc văn bản nghệ thuật. M., 1970, tr. 67 – 69.

[9] LS. Vygotski – Tuyển tập, bộ 6 tập. T.2, tr. 344, 346, 350.

[10] Chẳng hạn các từ “liompa (лиомпа) trong truyện ngắn cùng tên của Iu. Oleshi, “diêu bông” trong bài thơ của Hoàng Cầm, hay “Cậm cam” trong thơ Nguyễn bình Phương không có trong ngôn ngữ.

[11] L.S. Vygotski – Tlđd. Tr. 333.

[12] L.S. Vygotski – Tlđd. Tr. 346.

[13] Iu.M. Lotman – Bên trong các thế giới tư duy. M., 1999. Tr. 19.

[14] Về mối quan hệ giữa “nghịch dị carnaval” và “nghịch dị tiểu thuyết”, xem: M.M. Bakhtin – Sáng tác của François Rabelais và văn hóa dân gian thời trung đại và Phục Hưng. M., 1990

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Mấy cảm nghĩ về Nhật kí Trong tù của Hồ Chí Minh

 Trần Đình Sử

          1. Có thể xem Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng tư duy nghệ thuật của nó chủ yếu lại thuộc một loại khác so với truyền thống. Nét nổi bật của thơ ca cổ điển Trung Quốc và Việt Nam là cái nhìn “vũ trụ” đối với con người và cuộc đời. Là những con người sống trong các quan hệ nhân sinh cụ thể, nhưng trong quan niệm, các nhà thơ lại tự thấy họ chỉ sống giữa cỏ cây, núi sông, đất trời. Vì vậy, khi khí khái thì đội trời đạp đất, chọc trời khuấy nước; khi thất ý thì giãi bày với nhật nguyệt, cỏ cây; khi uất hận, hỏi trời xanh, tạo hóa; khi thế cùng, gửi tâm sự vào kiếp sau. Thơ trữ tình Việt Nam từ thế kỉ X cho đến thế kỉ XX, mặc dù có nhiều biến đổi rất quan trọng trong khuynh hướng tư tưởng, tình cảm – và cũng đã có nhiều tài năng lớn, vượt ra khỏi mọi thông lệ thường thấy – nhưng về cơ bản vẫn tư duy trong cái mô hình ấy. Hồi đầu thế kỉ, nhà thơ cách mạng Phan Bội Châu khi vào tù đã nói: “Đã khách không nhà trong bốn biển – Lại người có tội giữa năm châu”, còn cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Bài hát lưu biệt lại hát: “Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết”… Lối tư duy này làm cho hiện thực xã hội lịch sử cụ thể bị trừu tượng đi, còn các hình ảnh thiên nhiên thì chứa đầy ý nghĩa tượng trưng thâm thúy. Điều làm cho Hồ Chí Minh mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông chính là vì ông vẫn giữ lối tư duy này và thể hiện đặc biệt nổi bật trong thơ chữ Hán thời kháng chiến chống Pháp. Trong nhiều bài thơ chữ Hán làm lúc ấy, Hồ Chí Minh là người làm việc nước sống giữa hoa, chim, trăng, suối, trẻ nhỏ, vườn rau… Cách tư duy này động viên được sự đồng cảm cố hữu tồn tại hàng bao thế kỉ trong tâm lý người Việt, dựng lên hình tượng một con người siêu phàm, ung dung, toàn tâm kháng chiến, hiện thân cho non sông, cốt cách và trí tuệ Việt Nam.

          Vũ trụ trong Nhật ký trong tù vẫn mang đậm màu sắc truyền thống với những “phù vân”, “trùng sơn”, “chinh nhân”, “thu nguyệt”… Nhưng vũ trụ này cũng mang rõ nội dung xã hội, thời đại cụ thể, thể hiện ở nhiều bài. Đáng kể là bài Buổi sớm: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt – Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.” Hoặc bài Cảnh buổi sớm: “Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng – Chỉ bởi trước lao còn bóng tối – Mặt trời chưa rọi thấu vào trong.” Nhà ngục được đặt trong một luồng ánh sáng bao trùm đã bộc lộ rõ tính chất cục bộ, lạc lõng của nó. Đọc hết tập thơ, ta thấy nhà ngục đó là cả một xã hội đen tối với những luật lệ riêng lạ lùng, còn mặt trời không còn là nguồn sáng chung trong “nhật nguyệt”, nguồn dương khí của thế giới, mà đã là mặt trời vật chất với những ý nghĩa tượng trưng mới mẻ. Ý nghĩa tượng trưng này thể hiện tập trung ở bài Nắng sớm:

“Nắng sớm xuyên qua nơi ngục thất,

Đốt tan khói đặc với sương dày;

Đất trời phút chốc tràn sinh khí,

Tù phạm cười tươi nở mặt mày.”

          Đây không chỉ là cảnh nắng sớm sinh động trong tù mà còn là ước mơ đổi thay, cải tạo toàn bộ cuộc sống – cái nhà ngục của con người – với một cảm xúc mạnh mẽ, một khí thế không gì ngăn cản được.

          Đã có ý kiến cho rằng thơ Hồ Chí Minh đầy trăng. Có lẽ phải nói thêm: thơ ông đầy ánh nắng sớm. Nếu như thơ cổ đã có nhiều ánh trăng thì ánh nắng sớm ở đây là một hình tượng rất mới mẻ. Thơ xưa chỉ thường nói “tịch dương”, “tà huy”, “lạc nhật”, “nhật mộ”… Phải liên hệ với các bài thơ Đêm dài, Đêm tối, Đêm mùa hạ, Gánh nước đêm… của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Từ Diễn Đồng, Trần Tuấn Khải… mới thấy cái nắng sớm ở đây gắn liền như thế nào với khát khao đổi đời và cảm quan về thời đại mới. Trước đó, trong bài Lời than vãn của Bà Trưng Trắc – Nguyễn Ái Quốc cũng đã một lần dùng hình ảnh mặt trời buổi sáng tượng trưng cho thời đại mới, chứng tỏ sự nhất quán trong cảm quan của ông. Điều này cũng chứng tỏ thời gian nghệ thuật là sự kéo dài của thời gian thực tại ở trong tâm tưởng và là sự tiếp nối, mở rộng giới hạn vốn có của thời gian nghệ thuật trong văn học thời đại trước.

          2. Một số người sành thơ thường có thói quen đánh giá tập thơ theo tài nghệ vận dụng thi liệu truyền thống và mức độ giống của nó so với các mẫu mực của người xưa. Nhiều ý kiến khác đã góp phần khẳng định tập thơ ở chỗ, bên cạnh phương thức tư duy nghệ thuật truyền thống, nó còn mở ra một cái gì rất mới, góp phần phá vỡ những giới hạn có sẵn trong thi ca trữ tình cổ điển.

          Ở đây có nhiều khía cạnh để bàn. Nhưng điều dễ thấy là thơ Nhật ký trong tù thiên về thể tài thơ ký sự, thơ sinh hoạt hằng ngày. Ai cũng biết quá nửa tập thơ viết về cái phần tồn tại rất vật chất của người tù: bắt rận, ghẻ lở, đói, cùm chân, ngủ cạnh hố xí, chia nước, rụng răng, mất gậy, đêm lạnh, giải đi đường, trượt ngã, ngồi xe than, nộp tiền đèn… Nếu nói đưa chất văn xuôi vào thơ là một hướng phát triển quan trọng của thơ ca thế giới thì Nhật ký trong tù quả là tập thơ Việt Nam thể hiện hướng này một cách độc đáo.

          Khác với quá trình phát triển của thơ một số nước phương Tây, hoặc Nga, từ chủ nghĩa cổ điển, trong thơ cổ chữ Hán không có đối lập tuyệt đối các đề tài cao cả với các đề tài sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Nhưng các hiện tượng như đói rách, hát rong, ăn xin, bán áo, bắt lính… mà các nhà thơ đồng tình với nhân dân ghi nhận như những điều “sở kiến”, chủ yếu lại giới hạn trong phạm vi các sự kiện gây tình cảm bi phẫn, thống thiết, ai oán. Nhật ký trong tù cũng có một số bài như vậy. Nhưng cái chính mà tập thơ mang lại không giản đơn là nhiều sự thực sinh hoạt hằng ngày hơn, mà là một cái nhìn mới đối với các hiện tượng “văn xuôi” hằng ngày. Xét về mặt này thì từ Nguyễn Trãi, thơ Nôm ta đã có con niềng niễng, mớ đòng đong, bè muống, lảnh mùng, cây núc nác, chú vằn, bà ngựa, tằm ôm lúc nhúc… và đó là sáng tạo đột xuất của một thiên tài đi trước thời đại. Song lịch sử văn học Việt Nam cũng từng chứng kiến “một sự vắng bóng rất lâu” những từ ngữ thông tục kiểu đó, có đến ba bốn trăm năm kể từ khi Nguyễn Trãi mất, để rồi đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và nhất là từ phong trào thơ ca gắn liền với cuộc vận động giải phóng dân tộc khoảng mấy mươi năm đầu thế kỉ này chúng lại mới sống lại dần dần, quen thuộc và trở nên thi vị dần dần. Có điều, cũng cần chú ý là ở Hồ Xuân Hương, cái mới chủ yếu chỉ mới là đưa tiếng nôm na và cách nhìn dân gian vào thơ, còn các hình ảnh như con ốc nhồi, quả mít, hòn đá mài… thì căn bản vẫn chỉ là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tình cảm. Thơ Nôm Nguyễn Khuyến, Tú Xương… sau này đã giàu lên với nhiều sự thực sinh hoạt của thời đại ấy, nhưng đặc sắc của họ chủ yếu là chế giễu, bỡn cợt, trào lộng. Vì vậy mà nhiều bài thơ của họ được gọi một cách xác đáng là thơ “trào phúng”. Chất trào phúng chủ yếu toát ra ở lời. Tiếp nối mạch thơ sinh hoạt, thế sự, nhưng lời thơ Nhật ký trong tù lời lẽ nào cũng chừng mực, nhã nhặn, hầu như không có chỗ nào dùng tiếng thô để châm chọc hay hạ thấp đối tượng, dầu là đối tượng xấu xa, bỉ ổi. Không phải do tác giả dùng chữ Hán, vì chữ Hán của Hồ Chí Minh phần nhiều là bạch thoại, khẩu ngữ, có xen cả tiếng lóng và tiếng nước ngoài. Chất châm biếm, “uymua” (humour) ở đây dường như chỉ toát ra từ bản chất của hiện tượng, nhằm thỏa mãi trí tuệ chứ không phải để cho sướng miệng:

“Hút thuốc nơi này cấm gắt gao

Thuốc anh nó tịch, bỏ vào bao;

Nó thì kéo tẩu tha hồ hút,

Anh hút, còng đây, tay ghé vào.”

(Cấm hút thuốc)

          Nếu thơ thường được hiểu là thể loại giàu chất tưởng tượng kỳ diệu nhất, thì nhiều bài thơ Nhật ký trong tù hầu như chẳng tưởng tượng gì cả. Trong các bài thơ rõ ràng là có tưởng tượng thì tưởng tượng cũng không bao giờ che lấp các sự thực trần trụi. Cảm hứng của nhà thơ là nói được nhiều sự thực đa dạng vốn là chứng nhân cho sự tồn tại và các quan hệ xã hội của con người. Bảy tám lần nói cái đói trong nhà tù với các biểu hiện khác nhau: đói kêu cha, đói sùi bọt hòa nước mắt, đói bụng réo gào, đói cồn cào, đói run bần bật dưới ánh điện, đói vì muộn giờ cơm, đói chết người này người khác. Bốn lần nói bị trói giải đi đường, tinh thần tác giả rất cao mà lúc nào ta cũng thấy người bị trói giật cánh khuỷu, trói bằng sợi thừng gai, trói bằng xích sắt, trói treo ngược đôi chân! Phương pháp của tác giả là để cho sự vật được nói lên bản chất của chúng. Cái gông dài trong thơ Cao Bá Quát là cái cớ để tác giả nói đến sự vô tình của cái gông và tâm trạng “không hổ thẹn” của một người tù như mình, tuy bị đọa đày nhưng vẫn giữ vững lẽ sống. Chính cách tư duy ấy làm cho các sự vật, dù là văn xuôi nhất, một khi vào thơ thì không còn giữ chất văn xuôi nữa. Cái cùm trong thơ Hồ Chí Minh thì lại khác, nó hiện lên không phải như một biểu tượng về một loại người nào đấy mà với tất cả tính chất cảm tính vật thể:

“Dữ tựa hung thần miệng chực nhai,

Đêm đêm há hốc nuốt chân người;

Mọi người bị nuốt chân bên phải,

Co duỗi còn chân bên trái thôi.”

(Cái cùm)

          Gặp quán cháo nghèo bên đường, rất dễ gây cảm xúc thê lương, cám cảnh cho người lữ khách. Nhưng cảm hứng bài thơ lại ở ý nghĩa vốn có của cái quán nghèo, thậm chí còn có chút hài hước vì sự giản dị quá đáng ấy:

“Ven đường nấp dưới bóng lùm cây,

Một túp lều tranh: “tiệm rượu” đây;

Nào món cháo hoa và muối trắng,

Đường xa, khách tạm nghỉ nơi này.”

(Hàng cháo)

          3. Nhiều người khẳng định cách cảm thụ trong thơ Hồ Chí Minh rất giản dị. Điều đó rất đúng, vì giản dị và sự thực luôn luôn đi đôi với nhau. Nhiều ý kiến cũng xác nhận sức mạnh tinh thần lớn lao của nhà thơ để có thể ung dung thưởng thức thiên nhiên trong nghịch cảnh. Quả là sức mạnh đó gắn liền với bản lĩnh nhận thức sự vật. Thơ ông thể hiện một kiểu tương quan cảnh – tình mới, trong đó tình ý xây dựng trên ý nghĩa khách quan của cảnh vật, sự kiện, chứ không phải theo kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cũng không phải do một “tính năng động chủ quan” đặc biệt làm tác giả luôn thấy được cảnh vui. Chính ông nói: “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”, lại nói: “Cô quạnh đường xa vợi ít nhiều”.

          Chất văn xuôi và cách tư duy đó đã đổi mới hệ thống thơ Nhật ký trong tù, làm cho thơ ông khi theo đà truyền thống tự ví mình với rồng, với tiên… thì tiên và rồng đây cũng xuất hiện trong một khung cảnh rất “văn xuôi.” Đặc điểm này đòi hỏi phải cảm thụ tập thơ theo một cách khác.

          Nhiều nhà bình luận muốn tìm thấy “nghĩa bóng” quen thuộc trong thơ Hồ Chí Minh, trong khi đó thơ ông dường như chỉ muốn khám phá cái nghĩa đen đích thực của sự vật, giải phóng nó khỏi những ý niệm có trước hay liên tưởng truyền thống che phủ nó đi. Do đó mà khi nói cái chăn giấy thì thấy nó ấm hơn không có chăn; đi xe lửa ngồi toa than nhưng rốt cuộc vẫn “tuyệt” hơn đi bộ; ra khỏi nhà lao để tránh oanh tạc, nhưng mọi người khoan khoái vì được ra khỏi lao! Khuynh hướng này làm cho thơ Hồ Chí Minh giàu chất phân tích, thể hiện ở chỗ dùng nhiều hư từ chỉ nguyên nhân, so sánh, đối lập, nhiều thủ pháp tương phản loại trừ, thậm chí là nghịch lý, nhiều cách nói giới hạn xác định như kiểu “Cờ to đã hẳn là nên có – Cờ nhỏ dù sao thiếu được đâu”; “Rét đến cho than, tuy chẳng mấy”; “Ăn uống đôi khi cũng thạo đời”; “Phần nhiều do giáo dục mà nên”… Nhà thơ như muốn đối lập với loại thơ “khẩu khí”, trong đó bản thân sự “xuất khẩu” đã là một sự kiện tự nó có ý nghĩa. Nghe tiếng gà gáy, ông nhận xét: “Anh chỉ là một con gà bình thường” mà sáng sáng gáy lớn cho dân chúng tỉnh giấc thì “Công anh cũng không phải là xoàng”. Khác hẳn với ý thơ trong một bài từ: “Nhất xướng hùng kê thiên hạ bạch”. Cũng vậy, Cột cây số, Rụng mất một chiếc răng, Lính ngục đánh cắp chiếc gậy của ta… đều mang những ý nghĩa thông thường, biểu hiện một tình cảm dung dị của Bác Hồ đối với mọi người mọi vật, chứ không có gì là “khẩu khí” cả.

          Nhấn mạnh cách tư duy theo “nghĩa đen” của sự kiện và sự thực trong thơ Nhật ký trong tù không hề có ý nghĩa làm nghèo nội dung liên tưởng và tượng trưng của thơ Hồ Chí Minh. Tính đa nghĩa phong phú của các bài thơ nằm ở chỗ phát hiện sự vật trong các thế đối lập và đầy mâu thuẫn, giàu liên hệ của bản thân chúng. Và đó cũng là một phương diện của chất thơ, nếu hiểu chất thơ trong xu hướng vận động của tư duy thẩm mỹ nhằm hướng tới hiện đại.

          Những điều nói trên cho phép khẳng định Nhật ký trong tù chẳng những hay vì thể hiện sinh động một nhân cách lớn, một tinh thần cứng cỏi, tha thiết tình đời, vì có những tác phẩm sánh ngang với những mẫu mực thi ca cổ điển quá khứ, mà còn hay vì bên cạnh đó còn có hàng loạt bài thơ thể hiện một lối tư duy mới, xuất hiện như là những mẫu mực mới, đóng góp vào sự phát triển của tư duy nghệ thuật Việt Nam và làm phong phú cho vườn thơ nhiều hương sắc của chúng ta.


Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Mấy vấn đề phương pháp luận phê bình văn học Việt nam hiện đại

Lã Nguyên

Giáo sư Trần Đình Sử vừa cho ra mắt chuyên luận Phê bình văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và chân dung (Nxb Đại học Sư phạm, 2023). Tôi tin sự ra đời của cuốn sách sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống học thuật của chúng ta. Có hai điểm đột phá cốt lõi thể hiện rõ nội dung khoa học của công trình nghiên cứu này.

Thứ nhất: tầm bao quát lịch sử theo cả chiều dài, lẫn bề rộng của nó. Ở thời điểm này, có thể dám chắc, chuyên luận của Trần Đình Sử là công trình đầu tiên và duy nhất dựng lại đầy đặn diện mạo của phê bình văn học Việt Nam xuyên suốt từ đầu thế kỉ XX cho tới tận bây giờ với một khối lượng tư liệu đồ sộ, bề bộn, bao gồm nhiều chuyên luận, tiểu luận, sách, bài báo, tuyển tập của hàng trăm nhà nghiên cứu, phê bình lớn nhỏ thuộc các thế hệ khác nhau. Trong cuốn sách này, lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại là lịch sử gần như của tất cả các trào lưu, khuynh hướng và phương pháp luận phê bình hiện đại, từ phê bình mac-xit đến phê bình khai sáng, từ phê bình xã hội học chính thống đến phê bình cấu trúc luận ngoại biên, từ phê bình ấn tượng đến phê bình khoa học, từ phê bình thi pháp học đến phê bình phân tâm học, kí hiệu học… Ở đó không chỉ có chân dung các nhà phê bình phát ngôn cho cho tư tưởng văn nghệ cách mạng như Hải Triều, Hoài Thanh (giai đoạn sau 1945), Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phương Lựu, mà còn có chân dung của Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trương Tửu, Phan Ngọc, Đặng Tiến, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung và nhiều nhân vật khác thường bị bỏ quên. Phê bình văn học mac-xit chính thống, phê bình văn học thời Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954-1975, phê bình hải ngoại hòa chung vào một dòng chảy thành tiến trình phê bình văn học Việt Nam hiện đại trong cuốn sách của Trần Đình Sử. Công trình nghiên cứu của ông đã mở rộng các biên độ giá trị, làm cho phê bình văn học hiện đại Việt Nam thành một hiện tượng, một bộ phận của tiến trình nghiên cứu, phê bình văn học thế giới.

Thứ hai, và đây mới là điểm mấu chốt, đột phá trong quan niệm về phê bình và lịch sử phê bình văn học. Trong quan niệm của Trần Đinh Sử, phê bình văn học là hoạt động đa chức năng. Nó có nhiều thể loại, nhưng hình thức tồn tại quan trọng nhất của nó vẫn là diễn ngôn khoa học về văn học. Cho nên, trong chuyên luận của ông, lịch sử diễn ngôn khoa học về văn học là xương sống của lịch sử phê bình văn học. Khái niệm diễn ngôn ở đây được hiểu như một sự kiện giao tiếp giữa nhà phê bình với công chúng độc giả qua tác phẩm văn học. Theo nghĩa rộng, sự kiện là cái đã xẩy ra, nhưng không phải mọi cái đã xẩy ra đều trở thành sự kiện. Bởi vì, nhiều chuyện xẩy ra chỉ đơn thuần là sự lặp lại theo trình tự tự nhiên của một loại hiện tượng nào đó làm thành tiến trình trong thời gian. Lại có những cái xẩy ra như là sự lặp lại của những thứ đã thành chuẩn mực tạo nên trạng thái tĩnh tại trong không gian.  Khác với tiến trình và trạng thái, sự kiện là cái đột phá. Nó phá vỡ các chuẩn mực của trạng thái tĩnh tại, làm gián đoạn, đứt gẫy trình tự tự nhiên của tiến trình một cách có chủ ý, tạo ra một sự thực khác như một tổng thể hoàn toàn mới mẻ. Với ý nghĩa như thế, sự kiện nào cũng là sự phạm cấm (J.M. Lotman). Lại nữa, để trở thành sự kiện, sự thực về cái đã xẩy ra như sự đột phá cần được kích hoạt từ điểm nhìn giá trị của một nhân chứng nào đó, mà nếu thiếu nó, không một sự thực nào có thể trở thành sự kiện.

Trần Đình Sử trình bày lịch sử phê bình văn học trong tính sự kiện theo ý nghĩa như vậy. Trong câu chuyện về lịch sử phê bình của ông, các nhà phê chính là tác tố tạo nên các sự kiện phê bình ở từng giai đoạn lịch sử, còn nhà khoa học, tác giả công trình nghiên cứu, người trần thuật lịch sử là tác tố kích hoạt, tạo nghĩa cho các sự kiện ấy. Đây là điểm mấu chốt làm nên sự độc đáo về mặt cấu trúc, sự thống nhất về mặt nội dung trong chuyên luận của Trần Đình Sử.

Như phụ đề ghi ngoài bìa sách đã chỉ rõ, công trình nghiên cứu có hai nội dung chính: lịch sử và chân dung. Trần Đình Sử chia lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại thành 5 giai đoạn lớn theo trình tự biên niên: 1885-19311932-19451945-1975 và từ 1976 đến nay. Cơ sở để ông phân chia như thế không phải là các sự kiện chính trị – xã hội như nhiều tác giả khác vẫn làm, mà là sự vận động của các loại hình phê bình làm thành tiến trình lịch sử với quy luật nội tại của nó. Ứng với hình thái của văn học của thời kì chuyển đổi, phê bình ở giai đoạn 1885-1931 thuộc loại hình quá độ: một mặt, nó phát ngôn cho quan niệm văn học trung đại truyền thống, mặt khác, nó quảng bá các giá trị văn học Tây Âu nhằm mục đích khai sáng. Cùng với sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, loại hình phê bình hiện đại thực sự hình thành và phát triển trong vòng trên dưới mười lăm năm, từ 1932 đến1945. Phê bình giai đoạn 1945-1975 rẽ theo hai hướng, làm thành hai loại hình: loại chính luận trực chiến định hướng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và loại định hướng mĩ học Âu – Mĩ hiện đại ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hòa từ 1954 đến 1975. Từ năm 1976 đến nay, phê bình chính luận xã hội trực chiến nhường một phần không gian văn hóa cho sự phát triển của loại hình phê bình theo định hướng khoa học.

Các loại hình phê bình nói trên không tồn tại biệt lập, vì mỗi loại hình như thế bao giờ cũng là kết quả tương tác diễn ngôn của hai loại hình nhà phê bình: một loại là tác tố thụ động làm nên trạng thái tĩnh tại của môi trường phê bình, loại kia là tác tố chủ động tạo nên sự đột phá nhằm thay đổi môi trường tĩnh tại ấy.  Chẳng hạn,  ở  giai đoạn chuyển đổi hệ hình văn học hồi đầu thế kỉ XX, có thể xếp Phạm Quỳnh, nhà phê bình khai sáng, vào loại tác tố chủ động, đồng thời, có thể xếp một loạt tác giả thuộc phái cựu học như  Phan Kế Bính, Phan Bội Châu, Lê Dư, Tản Đà, Dương Quảng Hàm, Ngô Đức Kế, Trương Vĩnh Kí, Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Thước, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trung Viên… vào loại tác tố thụ động. Nhưng từ năm 1932 về sau, khi Hoài Thanh, Hải Triều và nhiều nhà phê bình quay xung quanh họ bước lên vũ đài văn học như những nhân vật đột phá, thì toàn bộ phê bình của giới cựu học, kể cả Phạm Quỳnh, trở thành các nhân vật của hoàn cảnh cần phải đột phá. Ta hiểu vì sao, trong câu chuyện về lịch sử phê bình của Trần Đình Sử, thời nào cũng thấy có tranh luận. Ở một khía cạnh nào đó, lịch sử phê bình là lịch sử tranh đấu giành thế ưu thắng của nhiều loại quyền lực lời nói, mà không phải bao giờ cũng vì văn học. Lắm khi tranh đấu học thuật bị chuyển thành chiến tranh văn học, trong chiến tranh, vấn đề quan trọng bậc nhất là “đánh đổ”, là thắng – thua, cơ sở quyết định thắng – thua không hẳn là chân lí, mà là mạnh – yếu.

Từ chỗ đứng của hệ hình tri thức hôm nay, Trần Đình Sử nhìn lại một thế kỉ của phê bình văn học Việt Nam với những bước đi thăng trầm như vậy. Trong câu chuyện lịch sử của ông không chỉ có những sự thực đã diễn ra theo cách này, mà còn bao gồm cả những cơ hội bị bỏ lỡ và những sự kiện đáng lẽ “xẩy ra theo cách khác” (P. Ricoeur). Công trình nghiên cứu của ông không chỉ cung cấp tri thức lịch sử cho độc giả, mà còn khêu gợi để họ trăn trở, suy ngẫm về lịch sử.

Phần Chân dung tiếp nối phần Lịch sử một cách tự nhiên, nhất quán cao độ cả về cấu trúc, lẫn nội dung. Có 27 chân dung được khắc họa đầy dặn ở phần này. Nếu tính thêm 32 khuôn mặt được giới thiệu ở phần trước, thì tổng cộng, Trần Đình Sử đã kể cho bạn đọc nghe tới 59 câu chuyện về các nhà nghiên cứu, phê bình Việt Nam hiện đại. Với ông, viết về lịch sử phê bình là trình bày lịch sử các chân dung và, ngược lại, khắc họa chân dung nhà phê bình là vẽ ra diện mạo các chân dung lịch sử. Là tác giả của cuốn sách, ông không thể trực tiếp nói về hoạt động khoa học của bản thân mình. Cho nên ở đây vẫn thiếu một chân dung: chân dung tác giả. Về các chân dung được Trần Đình Sử khắc họa, tôi thấy có mấy điểm nổi bật như sau:

 Thứ nhất, khi khắc họa chân dung nhà phê bình, ông không quan tâm tới tác giả tiểu sử, hiểu theo nghĩa là con người cá nhân sống trong hiện thực ngoài văn bản. Đối tượng khắc họa chân dung của ông là hình tượng tác giả mà các công trình nghiên cứu, phê bình của họ là đại diện duy nhất.  Cho nên, đọc cuốn sách của ông, độc giả sẽ có dịp làm quen với một danh mục khá chi tiết, ghi lại khối lượng khổng lồ tác phẩm của 55 tác giả làm nên lịch sử phê bình Việt Nam trong già một thế kỉ qua.

Thứ hai, Trần Đình Sử chỉ dựng chân dung những tác giả tiêu biểu của các loại hình nhà phê bình trong tiến trình lịch sử. Chẳng hạn, có thể nhận ra diện mạo lịch sử của loại hình nhà phê bình cựu hoc có công khai sáng cho nền quốc văn ở thời kì chuyển đổi hình thái văn học qua chân dung Phạm Quỳnh. Hoặc chân dung Hoài Thanh, Hải Triều là những bức vẽ về loại hình nhà phê bình hiện đại. Ông khắc họa rất tài hai loại hình nhà phê bình: loại hành động và loại “phản hành động”, loại đột phá và loại tạo ra trạng thái tĩnh tại của môi trường phê bình.

Thứ ba, đằng sau mỗi bức chân dung mang tính loại hình như thế, bao giờ cũng có một thân phận khoa học của nhà phê bình. Chẳng hạn Phạm Quỳnh là nhà phê bình khai sáng trong thân phận người nô lệ dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến. Thân phận nhà phê bình nào cũng vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, vừa do cá nhân họ tạo ra. Tuy vậy, vẫn có những nhà phê bình, ví như Phan Ngọc, dũng cảm vượt lên trên nghịch cảnh, suốt đời hoạt động khoa học trong thân phận nhà nghiên cứu ngoại biên, nhưng cũng không ít nhà phê bình cho đến tận giờ vẫn là phiên bản của một khuôn mẫu xưa cũ.

Thứ tư, cũng như ở phần mô tả lịch sử, Trần Đình Sử đặt các nhà phê bình vào điểm nhìn từ hệ hình tri thức hiện tại để khắc họa chân dung. Từ điểm nhìn ấy, khu vực gián cách giữa người trần thuật lịch sử với nhân vật lịch sử hoàn toàn bị xóa bỏ. Điều này giúp Trần Đình Sử biến việc khắc họa chân dung các nhà khoa học thành quá trình phân tích, xác định giới hạn lịch sử của từng loại hình nhà phê bình. Qua điểm nhìn giá trị của ông, nhà phê bình khai sáng Phạm Quỳnh vẫn chưa vượt ra ngoài giới hạn của thế hệ cựu học, hoặc Đặng Thai Mai là nhà lí luận của văn học tuyên truyền. Ông viết bài về Lê Đình Kỵ với tiêu đề “sáng tạo và giới hạn”. Ông phát hiện Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu ở nửa đời đầu thì chống mĩ học phương Tây, đến nửa đời sau, họ lại ngả theo lí thuyết Âu – Mĩ. Ông chứng minh Phan Ngọc lúc nào cũng đề cao “thao tác luận”, nhưng phương pháp mà Phan Ngọc bướng bỉnh theo đuổi suốt đời thực ra là “cấu trúc luận”. Ông nhận xét văn dịch của Trương Chính “đạt được sự Việt hóa sâu sắc, tinh tế do vốn từ ngữ phong phú, hành văn uyển chuyển”, đồng thời ông chỉ ra hiểu biết chữ Hán của vị chuyên gia văn học cổ và văn học Trung Hoa rất cao ngạo này “có hạn chế”. Cho nên tôi cho rằng, phần xác định giới hạn lịch sử của các nhà phê bình qua chân dung học thuật của họ là nơi Trần Đình Sử có nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo, lí thú nhất.

Tư tưởng khoa học của nhà nghiên cứu không bao giờ là cái gì nhất thành bất biến. Cho nên Trần Đình Sử không dùng cách liệt kê giản đơn một số phẩm tính nào đấy để vẽ diện mạo trong trạng thái tĩnh tại của các nhà phê bình. Ông khắc họa chân dung từng người trong cuộc đời hoạt động khoa học sống động đầy thăng trầm của họ. Ông thấy Trần Thanh Mại chuyển “từ phê bình tiểu sử đến phê bình xã hội học”, Hoài Thanh chuyển “từ lập trường nghệ thuật đến lập trường cách mạng”. Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu chuyển “từ phê phán đến tiếp nhận” mĩ học Âu – Mĩ và Vương Trí Nhàn thì “dùng dằng giữa tản văn và phê bình văn học”. Qua cuốn sách của ông, tôi giật mình nhận ra rằng cuộc đời làm nghề phê bình của phần đông học giả ở nước ta hóa ra rất ngắn ngủi, vì không ít nhà phê bình giữa đường bỏ phê bình để làm việc khác.

Đọc xong Phê bình văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và chân dung của Trần Đình Sử, độc giả sẽ thấy lịch sử phê bình hiện đại Việt Nam không phải tiến trình phát triển thẳng tuột, mà là tổng thể đầy phức tạp của cả những sự thực đã xẩy ra, lẫn những cơ hội bị bỏ lỡ, những sự kiện “đáng lẽ xẩy ra theo cách khác” với những bước đi thăng trầm của nó… Cuốn sách gợi mở nhiều vấn đề phương pháp luận nghiên cứu lịch sử phê bình văn học. Đồng thời, độc giả cũng khó tránh phải cảm khái, vì hóa ra nghề phê bình văn học chẳng phải là cái gì hấp dẫn đến mức buộc ai cũng mãn kiếp thủy chung với nó. Ở ta, những người dành trọn đời mình cho nghiệp phê bình như Hoài Thanh có thể tính được trên đầu ngón tay.  Nhưng cuốn sách của Trần Đình Sử, ở cả hai phần lịch sử và chân dung, được khép lại bằng câu chuyện về loại hình phê bình theo định hướng khoa học của thời “đổi mới”, hòa nhập với thế giới. Đó là kết thúc có hậu, nó truyền cho người đọc niềm tin vào kho kinh nghiệm mà lịch sử phê bình văn học hiện đại Việt Nam đã tích lũy được trong suốt chiều dài một thế kỉ qua.

(Văn nghệ số 47/2023)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

VĂN BẢN – LIÊN VĂN BẢN – LÍ THUYẾT LIÊN VĂN BẢN

G. Kosikov, Lã Nguyên dịch

Thuật  ngữ  liên  văn  bản  xuất hiện  cách đây chưa lâu.  Lần đầu tiên nó được J. Kristeva sử dụng trong một tham luận về sáng tác của M.M. Bakhtin đọc tại xêmina do R. Barthes chủ trì vào mùa thu năm 1966. Mùa xuân năm 1967, tham luận được công bố dưới dạng một bài báo có nhan đề: Bakhtin, lời nói, đối thoại và tiểu thuyết[1]. Còn một loạt công trình khác của Kristeva liên quan trực tiếp tới bài báo này, ví như “Lời nói đầu” viết cho bản dịch sang tiếng Pháp cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoevski (Một nền thi pháp học sụp đổ, 1970)[2], hoặc tuyển tập Semeiotikē. Những công trình nghiên cứu lí thuyết biểu nghĩa (1969)[3] và cuốn Văn bản tiểu thuyết (1970)[4].

Dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhóm “Tel Quel” đứng đầu là Philippe Sollers[5], lí thuyết liên văn bản của Kristeva, một cô gái Bungaria mới 25 tuổi, được giới trí thức Pháp ở Paris thời ấy tiếp nhận hết sức dè dặt. Sau này, phải nhờ vào uy tín của R. Barthes, người hết lòng ủng hộ và phát triển một cách độc đáo – trong cuốn S/Z (1970)[6], và những bài báo, tiểu luận, ví như Từ tác phẩm đến văn bản (1971)[7]Văn bản (lí luận văn bản) (1973)[8]Khoái cảm văn bản (1973)[9] của ông – những luận điểm cơ bản của lí thuyết liên văn bản mới được cấp “quyền công dân”, nhập vào đời sống khoa học, trở thành đối tượng phân tích và giải thích rộng rãi.

Trước tiên, phải nhấn mạnh, việc phân tích và diễn giải nguyên tắc “đối thoại”[10] của Bakhtin được Kristeva thực hiện dưới ánh sáng “triết học đa bội” của chủ nghĩa hậu cấu trúc (J. Derrida, G. Deleuze…), cho nên cần chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa triết học này và triết học của M.M. Bakhtin.

TỪ LIÊN CHỦ THỂ TỚI LIÊN VĂN BẢN

Luận điểm xuất phát của M.M. Bakhtin là thế này: “Từ trong bản chất, lời nói mang tính đối thoại” , “giao tiếp đối thoại chính là môi trường đích thực của đời sống ngôn ngữ” (tr.205)[11]. Điều này trước hết có nghĩa, mọi phát ngôn bằng lời, không có ngoại lệ, đều là “những quan điểm của các chủ thể khác nhau được biểu hiện trong lời nói”, vì các quan điểm ấy đều thuộc về những “ngữ cảnh” và “nhãn quan” giá trị – xã hội trái ngược, rất khác nhau và đôi khi thù nghịch với nhau, nên bất kì phát ngôn nào của một chủ thể về đối tượng cũng xuất hiện như là kết quả tiếp nhận tích cực và phản ứng cũng tích cực như thế đối với các phát ngôn khác về chính đối tượng ấy. “Lời” nào cũng “tính đến” các lời nói của người khác, nó được kiến tạo với sự “cân nhắc” các lời nói của người khác ấy và bản thân thường “co dúm lại trước sự hiện diện hoặc trước sự linh cảm về lời nói của người khác, về câu trả lời, về sự phản đối” (tr.219), nói cách khác, lời nói nào cũng xuất hiện trong quá trình “định hướng qua lại” đầy căng thẳng với  những quan điểm của người khác, những phát ngôn của người khác, và sự định hướng qua lại ấy được phân bố trên một khoảng âm vực rộng lớn giữa “tán thành” tuyệt đối và cương quyết “phản đối” trước “lời nói của người khác”, khoảng âm vực bao gồm cả “hoài nghi”, “dằn vặt”, “giễu nhại”, “cười cợt”, “chế nhạo”…

Có thể tạm chia một cách ước lệ các “quan hệ đối thoại”[12] trong Những vấn đề thi pháp Dostoevski thành hai hình thức cơ bản: “đối thoại” sinh tồn và “đa thanh phức điệu” .

Khi xác định đặc điểm của đối thoại, M. Bakhtin thường đặc biệt coi trọng, đưa lên bình diện thứ nhất các khái niệm “tâm hồn”, “ý thức”, “tự nhận thức” của cá nhân, tức là của “con người nội tâm”. Đặc điểm cơ bản của “con người nội tâm” là sự tự do của nó: nó “không phải là một đại lượng hữu hạn, xác định để từ đấy có thể kiến tạo các toan tính chặt chẽ nào đó; con người hoàn toàn tự do và vì thế nó có thể phá bỏ mọi quy luật trói buộc nó”. “Con người không bao giờ đồng nhất với bản thân”, vì thế “cuộc sống đích thực của cá nhân” luôn luôn diễn ra ở “cái điểm không đồng nhất ấy của con người với bản thân mình, ở cái điểm vượt ra ngoài giới hạn của tất cả những gì mà nó chỉ tựa như một tồn tại bên ngoài, thứ tồn tại có thể xem xét, xác định, tiên đoán “vắng mặt” nó, ngoài ý chí của nó” (tr. 70). Bởi thế, cá nhân con người là “bất định” – phi xác quyết (tr. 73)[13], thể hiện tính “không hoàn kết”, một thuộc tính khiến không thể “khách thể hoá”, “đồ vật hoá” theo bất kì cách thức nào.

Đồng thời, vì cá nhân bao giờ cũng tồn tại trong môi trường của những tập hợp người bao bọc xung quanh, nên hy vọng sâu thẳm của nó là làm thế nào để trực tiếp tự  “bộc lộ” trước những người khác, được người khác “thừa nhận” và “khẳng định” tự do của mình trong hành vi đối thoại đích thực như một bản thể: “Phải thâm nhập bằng đối thoại thì mới hiểu được đời sống cá nhân, đó là kiểu thâm nhập mà tự bản thân cá nhân sẽ bộc lộ một cách tự do và có trách nhiệm” (tr. 70).

Nhưng mâu thuẫn là ở chỗ, ở cấp độ sinh tồn (trong thực tiễn đời sống), ý thức của người khác bao giờ cũng có sức mạnh và quyền lực được vật chất hoá mà sự tự do tự nhận thức của cá nhân luôn luôn chống lại. Hơn nữa, ngược lại, người khác lại muốn “ngoại hình hoá”, “hoàn tất” nó để khẳng định và thừa nhận sự tự do vô hạn của “con người nội tâm”; về phía mình, con người “nội tâm”,  tìm mọi cách nổi loạn để cưỡng lại việc “ngoại hình hoá” như thế, bởi vì nó cảm nhận một cách sống động “sự không hoàn kết nội tâm của mình: “Chừng nào con người còn sống, nó sẽ sống bằng con người vẫn chưa hoàn kết và vẫn chưa nói lời cuối cùng của mình” (tr. 69).

Ta hiểu vì sao, ở cấp độ sinh tồn, theo tinh thần của Bakhtin, đối thoại là “cuộc đấu tranh nảy lửa” giữa “tôi” và “người khác”. Do không một ai có thể sống thiếu sự “thừa nhận” và “khẳng định” của người khác, nên cá nhân phải tự nguyện kéo “cái nhìn” của “người khác” về phía mình; nhưng tuỳ vào mức độ “ý chí của người khác”, “sự phán xét” của người khác mà cái nhìn ấy chứa đựng trong bản thân, chính cá nhân kia phải “nới lỏng” và thực hiện những ý đồ đầy tuyệt vọng nhằm tránh khỏi sự khách quan hoá: lời của nó bắt đầu “quằn quại và vỡ vụn” dưới ảnh hưởng của lời người khác, bắt đầu cãi lại, “phỏng đoán”, chống đỡ lại nó, biến thành muôn vàn sự “cân nhắc” và những “kẽ nứt” bất tận… (tr. 254 – 260) – miễn sao bảo vệ được sự “độc lập” của mình, duy trì được cho bản thân “lời nói cuối cùng về mình, lời tự ý thức của mình để nó trở thành không phải là cái như nó vốn có” (tr. 63)[14]. Nói cách khác, trong khi tìm kiếm ở “người khác” kẻ đồng minh cho phép chủ thể bộc lộ một cách đầy đủ, chủ thể chỉ bắt gặp trong đó kẻ thù tự do của mình, một kẻ thù mà nó chỉ có thể tồn tại trong một quan hệ “đối đầu” nghiệt ngã.

Mặt khác, vốn không đủ sức chạm tới “sự thực nội tâm” cá nhân, “người khác” không thể đạt được mục đích của mình: áp đặt cho cá nhân sự “phán quyết vắng mặt”, chiếm lĩnh nó (“không thể chiếm lĩnh con người nội tâm, không thể nhìn thấy và thấu hiểu nó bằng cách biến nó thành đối tượng phân tích bàng quan, trung tính, không thể chiếm lĩnh được nó bằng cách hoà lẫn vào nó, cảm nhận nó” (tr. 280), bởi vì, “tôi” thường xuyên cảm nhận một cách sinh động “khả năng lớn lên từ bên trong của mình và sẽ  biến thành cái không đúng như thế trước mọi phán quyết xong xuôi và ngoại hình hoá” (tr. 69). Mặt khác, bản thân “con người nội tâm” cũng cương quyết cự tuyệt “sự lệ thuộc vào ý thức của người khác”, nó tuyên bố “sự thù địch gay gắt với loại ý thức ấy và không chấp nhận sự phán quyết của nó” (tr. 257); con người ấy thường xuyên đập vỡ “cái vỏ hoàn kết và tựa như chết cứng của những lời nói lạ về nó” (tr. 69) và kì vọng sẽ “tự mình xoay xoả”, tự mình “đục cho chính bản thân mình một con đường” “lách vào tâm hồn mình” (tr. 258).

“Sơ đồ đối thoại của Dostoevski cực kì đơn giản: đối lập giữa con người và con người như là sự đối lập giữa “tôi” và “người khác”” (theo công thức: “tôi thì chỉ có một mình, còn họ là tất cả”). Kết quả của sự đối lập như thế là thế giới bị chẻ ra thành lưỡng diện: ở bên này là “tôi”, bên kia là “họ”, có nghĩa, tất cả những người khác, bất kể họ là ai, không có ngoại lệ” (tr. 281). Con người theo quan niệm của Bakhtin không có khả năng thâm nhập vào người khác: nếu người khác không có khả năng “đồ vật hoá” “con người nội tâm”, thì bản thân con người nội tâm” cũng không đủ sức nắm bắt “sự đóng kín” và “phi xác quyết” của mình với sự trợ giúp của cái người khác ấy.

“Sự định hướng qua lại” mang tính đối thoại của các cá nhân không dẫn tới sự thay đổi hay đột biến trong nội tâm của họ; ngược lại, nhiệm vụ của “con người nội tâm” là “làm thế nào để nhất quyết bảo vệ bằng được lời nói cuối cùng cho mình. Lời nói cuối cùng ấy phải thể hiện sự độc lập tuyệt đối của nhân vật trước cái nhìn và lời nói của người khác, thể hiện sự dửng dưng hoàn toàn của nó với ý kiến của người khác và sự đánh giá của người khác” (tr. 256). Điều đó có nghĩa là: việc tiếp xúc căng thẳng giữa sự tự ý thức không hoàn kết của “tôi” và ý thức hoàn kết của “người khác” tất yếu biến thành cuộc “xung đột đối thoại vô vọng, không lối thoát” (tr. 257).

Bởi thế, nếu vấn đề đối thoại được Bakhtin giải quyết bằng chìa khoá triết học sinh tồn, thì vấn đề phức điệu được ông giải quyết bằng chìa khoá của “triết học đa bội”.

Thứ nhất, ở đây cá nhân không phải là một nhân cách “chưa hoàn kết”, mà, ngược lại, là một nhân cách “toàn vẹn”, như một đại diện cho một “lập trường nhất quán của cá nhân”, một “quan điểm nhất quán”, hoặc “chân lí về thế giới”[15], được phản ánh trong “giọng nói sống động của một con người nhất quán” (xem: Tlđd, tr. 14, 24, 106, 110).

Thứ hai, tất cả các giọng nói – điểm nhìn đều thuộc những “ngữ cảnh” xã hội, hoặc các “nhãn quan giá trị” khác nhau về chất. Một mặt, tất cả các nhãn quan giá trị ấy đều không có bất kì một nguồn gốc chung nào (do thuộc về những hệ tính khác nhau, chúng hoàn toàn “xa lạ” với nhau)[16], mặt khác, ngay từ đầu, chúng đã có “khuynh hướng khác nhau”, nên giữa chúng không có một mục đích chung nào cả: “chúng hoàn toàn độc lập”, “xung đột với nhau” và, đương nhiên, ‘không tương hợp với nhau” – chúng “không đồng nhất” và hoàn toàn “không hoà hợp”. Theo M.M. Bakhtin, phức điệu không đơn giản là “tính đa bội của những giọng nói và ý thức độc lập, không hoà hợp”, mà là “tính đa bội của những trung tâm – ý thức không thể quy về một mẫu số tư tưởng hệ” (tr. 10, 23).

Thiếu “mẫu số chung”, tức là thiếu một trung tâm chung để những “trung tâm – ý thức” cá nhân và rời rạc hướng về,- đó là đặc điểm tối quan trọng thứ ba của thế giới phức điệu của Bakhtin. Ở đây, những quan điểm khác nhau không nằm trong quá trình cùng tìm kiếm chân lí, chúng không có nhu cầu “đời đời cùng – hân hoan, cùng – chiêm nghiệm, cùng – đồng thuận và chúng cũng chẳng bị giày vò bởi “hoà âm của những giọng nói không hoà hợp” (tr. 280, 39).

Ngược lại, các “quan hệ định hướng qua lại một cách căng thẳng” mà những “cơ chế ngữ nghĩa khác nhau” tham gia vào đó tuyệt nhiên không phải là “phức điệu của những giọng nói dung hoà với nhau”, mà là “phức điệu của những giọng nói tranh đấu và phân rẽ tự bên trong” (tr. 278). “Xung đột” và “đấu tranh” – đó là những gì “thắt buộc” và  “nối kết” các “cơ chế ngữ nghĩa”, dẫn tới sự “thống nhất của cái xung khắc”, không cho phép thế giới phức điệu phân rã.

M.M. Bakhtin phân biệt hai dạng đấu tranh ngôn từ – tư tưởng hệ diễn ra giữa “ngữ cảnh xã hội” và “nhãn quan giá trị: năng động và tĩnh tại.

Nếu trong công trình Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, cái được đưa lên bình diện thứ nhất là “thực tiễn giao tiếp xã hội sinh động”, nơi mỗi lời của người nói tự nó chỉ có “sự đồng nhất với bản thân và tính ổn định nhất thời”, lúc nào cũng vấp phải “lời đối lập”, vì thế nó bị cuốn vào dòng “tương tác ngôn từ” bất tận bị chia vụn bởi “những mâu thuẫn sinh động”, dòng tương tác ngôn từ này kéo dài giống như một “quá trình hình thành liên tục”, không có hồi kết, không có sự hoà giải, hay sự yên lòng[17], thì trong cuốn sách về Dostoevski, trọng tâm lại được dồn vào “đối lập” tĩnh tại ở “các cơ chế ngữ nghĩa” của lời nói đa dạng, những cơ chế mà về cơ bản, không một cơ chế nào trong số đó có khả năng thay đổi hoặc làm phong phú thêm dẫu chỉ là cho “nhãn quan giá trị” của người khác, nhờ đó làm biến dạng chuỗi ngữ nghĩa liên tục của thế giới phức điệu. Vì trong thế giới ấy, “chất liệu ngữ nghĩa bao giờ cũng được cung cấp tất thảy, tức thời cho ý thức nhân vật, hơn nữa, nó “được cung cấp dưới dạng các thiết chế ngữ nghĩa nhân bản, dưới dạng những giọng nói, và mọi sự chỉ tập trung vào sự lựa chọn giữa chúng với nhau”,  sau nữa, vì “cuộc đấu tranh tư tưởng hệ trong nội tâm mà nhân vật tiến hành là cuộc đấu tranh để lựa chọn những khả năng ngữ nghĩa hiện hữu mà số lượng của chúng vẫn giữ nguyên, gần như không thay đổi”, cho nên ở đây “không có sự hình thành tư tưởng” (tr. 266)[18], không có “sự hình thành mang tính biện chứng một tinh thần thống nhất, nói chung, không có sự hình thành, không có sự lớn lên” (tr. 33), mà chỉ có sự cộng tồn không gian[19] của “những mâu thuẫn” và “những đối lập” mà về nguyên tắc, không thể “xoá bỏ” trong một hợp đề biện chứng, cũng không thể “thoả hiệp”, không thể “giải quyết”, kết quả là, “phức điệu” hoá ra hoàn toàn không đơn giản là “đa thanh”, mà là sự “đa thanh”, “sự đa bội của những ý thức không thể dung hoà” dẫn tới “cuộc tranh luận bất tận và vô vọng” (tr. 34, 39).

Ở những nét cơ bản, quan điểm đối thoại – phức điệu của Bakhtin là như vậy. Lí thuyết liên văn bản của J, Kristeva xuất phát từ đó, và ở đây, chí ít là có 3 điểm, bà đã “bóp méo” quan điểm của M.M. Bakhtin.

Thứ nhất, Kristeva đã làm thay đổi hoàn toàn – theo tinh thần phân tâm học Freud – khái niệm “người khác” của Bakhtin. Bà giải thích: “Tôi có cảm tưởng, rằng thoạt đầu, “người khác” của Bakhtin cũng chính là “người khác” của ý thức theo triết học Hegel, chứ không phải là “người khác” lưỡng phân của phân tâm học. Về phía mình, chính tôi muốn nghe thấy điều đó như một chiều kích mở ra một hiện thực khác bên trong hiện thực của ý thức, chứ không phải như một “người khác” “giữa các cá thể”. Tức là tôi muốn xoay chuyển “Bakhtin của chủ nghĩa Hegel” để biến ông thành “Bakhtin của chủ nghĩa Freud””[20].

Quả thực, chính ý thức (chứ không phải cái vô thức[21]) luôn nằm ở trung tâm suy ngẫm của Bakhtin, người xuất phát từ quan niệm về sự thống nhất giữa ý thức và sự tự nhận thức của chủ thể tự do và mang trách nhiệm đạo đức giống như là đại diện của một “quan điểm nhất quán” và “giọng nói không thể chia cắt của tư tưởng”, trong khi đó, Kristeva lại đặc biệt hứng thú với những tư tưởng của chủ nghĩa Marx-Freud luận, với bà điều tối quan trọng là phải đặt vấn đề hoài nghi trước tính hợp pháp của những khái niệm “duy tâm”, kiểu như “ý thức”, hoặc, nhất là, “tâm hồn”. Bà tập trung chú ý vào các tiến trình vô thức điều khiển thế giới ngôn từ – tư tưởng hệ. Với Kristeva, “cái khác” có chức năng khám phá một “sàn diễn khác”, một “kiểu khác của lôgic” – khám phá cái vô thức”[22], chứ không phải là cá nhân khác.

Thứ hai, từ đây, sự xuất hiện của bản thân tư tưởng liên văn bản và tính liên văn bản là điều dễ hiểu. Nếu với Bakhtin, đối thoại phức điệu bao giờ cũng diễn ra đích thị ở giữa những chủ thể tự chủ, những chủ thể có “hạt nhân” cá nhân không thể vắt kiệt, không thể phân rã, thì với Kristeva, giữa các cấp độ lời nói – tư tưởng hệ (các văn bản, các diễn ngôn) đặt bên ngoài cá nhân, phi cá nhân – trên cá nhân và tiền cá nhân –, những cấp độ chỉ “gặp gỡ”, “bện kết” với nhau trong những cá nhân riêng lẻ, mà đến lượt mình, chúng té ra chẳng phải là gì khác ngoài những văn bản di động nằm trong quá trình “trao đổi lẫn nhau”, “phân bổ qua lại”: “trục hoành (chủ thể – người nhận) và trục tung ( văn bản – ngữ cảnh) cuối cùng trùng khớp với nhau khi tìm thấy điều cơ bản: mỗi lời (văn bản) đều là sự giao cắt của hai lời (hai văn bản), nơi còn có thể đọc thêm ít nhất một lời nữa (văn bản)”[23]. Nếu đối thoại phức điệu của Bakhtin là tính “liên chủ thể”[24] theo ý nghĩa chính xác của từ ấy, thì lôgic về tính liên văn bản của Kristeva từ trong bản chất của nó lại cần tới “cái chết của chủ thể”, nếu cá nhân với tư cách là “chủ thể của lối viết” tự tan rã do đánh mất “hạt nhân” quen thuộc và, cùng với nó, mọi sự tự trị. Ta hiểu vì sao, tính liên văn bản của Kristeva không bổ sung, mà có nhiệm vụ lấn át, thay thế tính liên chủ thể: “Mọi văn bản đều được tổ chức như một bức khảm bằng những trích dẫn, mọi văn bản đều là sự hấp thụ và biến đổi một văn bản khác nào đó. Bởi thế, khái niệm tính liên văn bản đã thế chỗ cho khái niệm tính liên chủ thể, và hoá ra, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ bị đọc theo kiểu nước đôi ít nhất[25].

Bởi vậy, ranh giới phân biệt đối thoại liên cá nhân của Bakhtin và đối thoại liên văn bản của Kristeva là ranh giới giữa những nguyên tắc của “nhân cách luận” (personnalisme), nguồn cảm hứng của tác giả Những vấn đề thi pháp Dostoevski, và những tư tưởng của chủ nghĩa Marx – Freud luận được Kristeva lấy làm nền móng cho những công trình như Bakhtin, ngôn từ, đối thoại và tiểu thuyếtMột nền thi pháp học sụp đổ

Thứ ba, cuối cùng, cảm hứng nổi loạn thấm đẫm chương IV (“Những đặc điểm thể loại và kết cấu – truyện kể trong những tác phẩm của Dostoevski”) cuốn sách của M.M. Bakhtin bị Kristeva trộn lẫn một cách cố ý với phương diện tư tưởng làm nền móng cho chuyên luận về “văn hoá carnaval” của ông .

Như được mô tả trong chương IV của cuốn sách, bằng cách thể hiện “tính tất yếu cùng với tính sáng tạo của sự thay đổi – làm mới, thể hiện tính vui nhộn tương đối của mọi chế độ và trật tự, mọi quyền lực và vị thế (đẳng cấp), carnaval xoá bỏ triệt để mọi “luật lệ, kị huý và chế tài”, nhưng xoá bỏ chủ yếu là để giải phóng ý thức con người – giải phóng nó thoát khỏi quyền lực của truyền thống và quyền uy, không cho phép tư tưởng dừng lại và đông cứng trong sự nghiêm túc đơn điệu, trong “tính xác định và đơn nghĩa bỉ ổi”, “không cho phép tuyệt đối hoá bất kì một điểm nhìn nào, một cực nào của đời sống và bằng cách ấy nó tìm thấy bản chất hai mặt và không hoàn kết của con người và tư tưởng con người” (tr. 140, 138, 149, 186, 188).

Vì thế, tiếng cười “lưỡng diện” trong chương IV cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoevski có “ý nghĩa thanh tẩy”, nó nhắm tới sự tháo bỏ gông xiềng cho trí tuệ con người, và ở đây, Bakhtin cần “carnaval hoá đối thoại” là để chống lại chủ nghĩa độc thoại có tham vọng “chiếm lĩnh chân lí hoàn bị”, để đối lập chủ nghĩa độc thoại với “phương pháp khám phá chân lí bằng đối thoại của Socrates”, thứ chân lí “không sinh ra và không cư trú trong đầu của con người riêng lẻ, mà sinh ra giữa những con người cùng nhau tìm kiếm chân lí trong quá trình giao tiếp đối thoại của họ” (tr. 124). Ngược lại, carnaval hoá liên văn bản mà Kristeva khởi xướng lại chủ yếu nhắm vào mục đích giải thoát khỏi chân lí.

Khi không biết tới cả thực thể, cả nhân quả, lẫn sự đồng nhất, không nhìn thấy bất kì một cấp độ lôgic hay giá trị nào, khi tầm thường hoá tất cả cái cao cả và linh thiêng, kiến tạo trên nguyên tắc bất tuân triệt để, cự tuyệt thanh lọc và huỷ diệt đời sống cá nhân để niềm hân hoan tập thể được giải thoát, theo Kristeva, nhân tố carnaval-minippeé (“cách mạng”, ‘hư vô” và “khốc hại”) chỉ là “lễ hội của sự nghiệt ngã”, là ““niềm vui vĩnh hằng của sự hình thành” đang tan biến trong hành vi ở ngay khoảnh khắc này”[26].

Một trong những luận điểm then chốt của M.M. Bakhtin là thế này: “Chẳng còn bất kì một sự rốt ráo nào trên thế giới chưa hề xẩy ra, lời cuối cùng của thế giới và về thế giới vẫn chưa được nói ra, thế giới đã được khai mở và được giải phóng, nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước và đời đời ở phía trước” (tr. 187).  Một cái nhìn thế giới như thế chỉ có thể có khi lôi cuốn được tất cả những “điểm nhìn” có thể có, mọi “nhãn quan giá trị” và “tư tưởng hệ” – cùng với sự hạn hẹp tất yếu, với định kiến và niềm say mê trước cái hiển nhiên – vào một dòng chảy vô tiền khoáng hậu của sự hình thành lịch sử, nơi những hệ tư tưởng ấy phải tham gia vào một cuộc “tranh đấu” đời đời.

Nếu với M.M. Bakhtin, hiện thân của cuộc “tranh luận triền miên và vô vọng” chính là tiểu thuyết phức điệu, nơi tác giả không chỉ hành động như “người tổ chức”, mà chủ yếu còn xuất hiện như người “tham gia” đối thoại bình đẳng, người không chừa lại phía sau cả “sự thừa dư ngữ nghĩa thiết yếu”, lẫn lời phán quyết cuối cùng  có khả năng đặt dấu chấm hết (tr. 85 – 86), thì với Kristeva, hình ảnh và kiểu mẫu của tiểu thuyết liên văn bản là tác phẩm mà ở đó tác giả cố ý đóng vai trò đặc biệt của người viết kịch bản có nhiệm vụ tổ chức mối xung đột giữa vô số các hệ tư tưởng (“các điểm nhìn”, “các giọng nói”, “các văn bản”) mâu thuẫn với nhau, không thể phân chia thành cấp độ, nhưng bản thân anh ta không tham gia vào xung đột ấy, bởi vì anh ta đứng ngoài mọi hệ tư tưởng, vô luận đó là tư tưởng như thế nào. Người viết kịch bản chỉ là người cáo giác các hệ tư tưởng ấy theo kiểu carnaval: “Văn bản (phức điệu) không có hệ tư tưởng riêng, vì nó không có chủ thể (tư tưởng hệ). Đó là một kiến tạo đặc biệt – là khu vực mà các hệ tư tưởng khác nhau xông ra để vắt kiệt sức nhau trong một cuộc đối đầu”[27].

Dù có những điểm khác nhau như đã chỉ ra ở trên, rõ ràng, cả tổ hợp tư tưởng trong Những vấn đề thi pháp Dostoevski (thực chất là tác phẩm của M.M. Bakhtin nói chung), lẫn tư tưởng hệ ở những công trình của Kristeva, như Bakhtin, ngôn từ, đối thoại và tiểu thuyết, Một nền thi pháp học sụp đổ, đã vượt ra ngoài phạm vi của song đề nền tảng  – ra ngoài xung đột giữa nguyên tắc bản thể luận về sự thống nhất của tồn tại và ý thức, ở phía này, và nhu cầu về tính đa trị thực thể luận, ở phía kia.

Bakhtin viết rằng, thực ra, nếu xuất phát từ yêu cầu “nhất nguyên luận của tồn tại” và, ứng với nó, nguyên tắc “độc thoại của ý thức”, với tính thiết yếu là sự thống nhất giữa một ý thức, một tinh thần, một “trung tâm – đại diện” (tựa như “ý thức nói chung” của Kant, “cái tôi tuyệt đối” của Fichte, hay “tinh thần tuyệt đối” của Hegel),- trung tâm có thể bao chứa được toàn bộ tính đa trị của ý thức trực quan con người, thì những ý thức như thế sẽ lập tức biến thành hiện tượng phụ (épiphénomène). “Tính đa trị như thế của các ý thức, từ quan điểm “ý thức nói chung”, là ngẫu nhiên, có thể nói, là thái quá. Tất cả những gì quan trọng, những gì đích đáng trong đó đều nhập vào ngữ cảnh của một “ý thức nói chung” và đã bị tước bỏ tính cá nhân. <…> Từ quan điểm của chân lí, không có ý thức cá nhân. <…> Mọi phán đoán đích thực đều không được định hình phía sau cá nhân, nó chỉ làm thoả mãn một ngữ cảnh mang tính hệ thống – độc điệu duy nhất nào đó. Chỉ mỗi sai lầm là cá thể hoá. Tất cả những gì mang tính chân lí đều được chứa trong phạm vi của một ý thức. <…> Trong lí tưởng, một ý thứcmột tiếng nói như nhau hoàn toàn đủ để làm đầy nhận thức; không cần và không có lí do để cần phải có đa nguyên ý thức” (tr. 91 -92).

Ngược lại, nếu muốn duy trì và bảo vệ quyền tự trị và “tính không hoàn kết tự  do” (tr. 97) của các ý thức cá nhân, duy trì và bảo vệ khả năng của chúng trong việc tham gia vào các quan hệ phức điệu, thì chỉ có thể làm điều đó bằng một con đường – con đường thủ tiêu ý thức thứ ba, ý thức bao chứa nguyên tắc độc thoại” (tr. 24) – ý thức – trung tâm, và điều đó đã xẩy ra trong cuốn sách về Dostoevski.

TỪ TRIẾT HỌC THỐNG NHẤT ĐẾN TRIẾT HỌC ĐA BỘI

Rõ ràng, song đề của Bakhtin chẳng phải gì khác, mà chính là phiên bản của cặp đối lập triết học cơ bản giữa một (duy nhất) và nhiều, vốn có nguồn gốc từ thời tiền Soctates (“hệ Parménide”/“hệ  Héraclite”). Nói theo ngôn ngữ hiện đại, cặp đối lập này được biết tới như là cuộc tranh luận giữa “siêu hình học về sự thống nhất” (“siêu hình học về sự hiện tồn”), ở phía này, và “siêu hình học đa bội” (“siêu hình học về sự khác biệt”), ở phía kia.

Triết học thống nhất xuất phát từ sự thừa nhận có một chủ thể Siêu việt khởi nguyên nào đó về mặt bản thể (Trung tâm, Tuyệt đối, Nguyên lí (khởi nguyên), Nguyên tắc (khởi nguyên), Chân lí, Đạo, Thần ngôn, hay theo thuật ngữ của  J. Derrida, “cái biểu đạt Siêu việt”). Trung tâm Siêu việt này là nền móng khởi thuỷ của thế giới, nó đơn giản tuyệt đối, đồng thời tuyệt đối bao trùm tất thảy. Tự bản thân không do cái đa bội tạo ra, trung tâm ấy  là nguồn cội sinh thành của cái đa bội (chẳng hạn, khi đã thừa nhận tư tưởng quảng tính là “nguyên tắc khởi thuỷ” của đường hình học như cái chỉnh thể, thì phải đồng ý tiếp, rằng đường là cái có trước, cái khởi thuỷ so với các điểm mà nó chạy qua: đường hiện ra không phải như sản phẩm cộng gộp của các điểm ấy, mà là cơ sở tạo nên tính đa bội vô hạn của chúng[28]). “Mở đầu hoặc kết thúc của mọi hiện tượng hoặc nội dung riêng lẻ không thuộc về bản thân nó, mà nằm ở chỗ khác – ở chung cục, ở toàn cục như vốn dĩ”[29] . Nói cách khác, không phải các yếu tố tạo ra chỉnh thể, mà chỉnh thể tạo ra các yếu tố của nó; điều đó có nghĩa là: “chỉnh thể” bao giờ cũng chứa đựng trong mình một cách hiển nhiên – dưới dạng “gói lại” – toàn bộ sự phong phú của cái cụ thể và đơn nhất, nó chỉ khai triển những gì vốn có trong đó. Các hiện tượng cụ thể của thế giới chỉ là những “hình ảnh” phái sinh đặc biệt của Trung tâm như những sản phẩm trực quan tự biểu lộ cần phải quy về cái Căn nguyên khởi thuỷ của nó.

Nếu Platon sáng tạo ra dị bản “tĩnh tại” của siêu hình học hiện tồn, nơi Tồn tại duy nhất trong bản thân nó là thế giới trú ngụ, bất động và bất đổi, thì Hegel lại sáng tạo ra mô hình “năng động”, trong mô hình này, sự tự phát triển của tinh thần tuyệt đối được diễn ra dưới sự hỗ trợ của “phủ định” biện chứng, sự phủ định biến mọi hiện tượng thành một giai đoạn phụ thuộc vào tiến trình hợp lí của thế giới, mà điểm khởi đầu và kết thúc của nó bao giờ cũng có trước; nó không thể tách ra khỏi cái “vòng tròn”, nơi mọi “mâu thuẫn” đều bị cầm tù bởi sự viên mãn tồn tại và tự tồn tại của cái Tổng thể. Sự “phủ định” của Hegel không chỉ loại bỏ mọi thứ đối đầu phân cực không thể tránh khỏi, mà còn hách dịch yêu cầu khắc phục chúng – “huỷ bỏ” (Aufhebung) chúng trong chuỗi các tổng hoà biện chứng có sứ mệnh dẫn tới  trạng thái “chân lí” (trạng thái ước muốn và thiết yếu, cũng có thể là trạng thái đạt được trong hiện thực) của bản thân thế giới (Weltzustand), trạng thái để cuối cùng được so sánh với Ý niệm riêng (tiếng Đức: Begriff, tiếng Pháp: Concept), trong đó, “chỉnh thể”, sự “hoàn kết” và “tuyệt đối” gắn kết với nhau.

Dù có nhiều điểm rất khác nhau giữa chủ nghĩa duy tâm của Platon, Plotin và Hegel, trong cả hai trường hợp, định chế nhất nguyên nằm ở chỗ: làm thế nào để xuyên qua sự đa dạng trực quan và sự hỗn độn nhỡn tiền của thế giới hiện hữu có thể nhìn thấy sự đồng nhất khởi thuỷ của Căn nguyên, sau cái riêng, nhìn thấy cái chung, sau cái không thể đoán định, nhìn thấy sự thiết yếu, sau sự vận động, nhìn thấy sự tĩnh tại.

Chủ nghĩa nhất nguyên có sức mạnh và sự nhất quán của “triết học thống nhất”. Nhưng nhược điểm của nó là không có khả năng luận giải từ góc độ bản thể luận cả về cái cái đơn nhất của các hiện tượng thuộc thế giới trực quan, lẫn tính độc lập của vô số trung tâm tồn tại. Thứ triết học ấy thực chất là chủ nghĩa tiên tạođộc điệu và phi nhân cách.

Chủ nghĩa tiên tạo cho rằng, cái Tuyệt đối và “chỉnh thể” do nó tạo nên bao giờ cũng hiển nhiên chứa đựng trong bản thân – dưới dạng “thu lại” – toàn bộ sự đa dạng của cái cụ thể và cái đơn nhất, chỉ cần khai triển tất cả những gì chứa đựng trong đó. Các hiện tượng cụ thể của thế giới chẳng qua chỉ là là những “dạng” phái sinh của Trung tâm với tư cách là chủ thể đích thực duy nhất của sự tự giả định và tự phát lộ; như là sản phẩm trực quan của sự tự phát lộ ấy, những sản phẩm này cần được quy về Nguồn cội của mình, về “gốc rễ”, về “cơ sở của các cơ sở”, nơi hợp nhất tồn tại. Được hiểu trong tính tự túc, tự mãn của nó, chẳng cần ai, chẳng cần cái gì, không đáp lại, không đoán định lời nói của ai, hoàn toàn tập trung vào bản thân mình, Trung tâm tuyệt đối trở thành hiện thân của nguyên tắc độc thoại thuần tuý, loại độc thoại dẫn tới tinh thần khách quan phi nhân cách, lấy hệ thống của các quá trình và chức năng siêu cá nhân thay thế cho các cá thể cụ thể.

Từ đó, có thể rút ra, sự tự trị của cái đơn nhất và cái riêng lẻ, – thực chất chỉ là sản phẩm tan rã và suy thoái của cái Tuyệt đối,- cần nhận ra toàn bộ tính ảo tưởng của nó. Bản thân sự đa dạng của thế giới chỉ là kết quả giảm thiểu của Căn nguyên, còn những hiện tượng cụ thể, vốn được rút ra từ những tế bào ngẫu nhiên hiện tồn và cần trả về cho ngữ cảnh bản thể luận khởi nguyên – cái đơn nhất và cái đích thực duy nhất – đã mất đi tính hợp pháp tự nó. Kết quả là, bản thân sự tồn tại của cái Nhiều, tức là vô số các trung tâm cá nhân, hoá thành một thứ hình thức trong suốt của khởi nguyên siêu cá nhân, thành “sự lệch lạc” hiện tồn, một “tồn tại giả”, còn “mâu thuẫn” theo kiểu Hegel thực ra là mâu thuẫn giả (vì đó là mâu thuẫn của “cái khác của mình”, tức là một tồn tại khác của chính bản chất ấy), “phủ định” là giả phủ định, “tự vận động biện chứng của khái niêm” là vận động giả, còn đối thoại là độc thoại tuyệt đối[30].

Nói cách khác, nếu Một nuốt chửng Nhiều, nếu cái cá nhân “chết chìm trong cái toàn thể thống nhất” (N.A. Berdjaev), thì điều đó có nghĩa là sự thống nhất của tồn tại, sự thống nhất của ý thức và sự thống nhất của giống người sẽ được mua đứt bằng cái giá của sự khước từ mọi thứ chủ nghĩa đa nguyên. Đó chính là lỗ hổng phương pháp luận trong “triết học thống nhất” mà các vị đại diện cho quan điểm “triết học đa bội” hiện đại – cánh hậu cấu trúc luận Pháp, nhắm tới.

Tuy có sự khác biệt giữa Giải cấu trúc của J. Derrida, phép Lặp của G. Duleuze, thuyết Bất hoà của J. Lyotard, Khảo cổ học của M. Foucault, vẫn có một ý đồ nối kết họ lại với nhau, ấy là xoá bỏ cái Tuyệt đối, giải phóng cái đa bội ra khỏi quyền lực của nó, phóng thích các ý nghĩa của những lời nói khác nhau và cho phép sự vật nào cũng có thể khẳng định tính đơn nhất thực sự của mình.

Nếu phép biện chứng của Hegel muốn xoá bỏ mâu thuẫn giữa chính đề và phản đề bằng cách đưa chúng vào một quá trình đơn nhất đảm bảo tạo ra thông ước cho tất cả các cấp độ tham gia trong đó, thì triết học đa bội lại có ý đồ chặt đứt, làm phân rã quá trình ấy và, bằng cách chỉ ra tính dị chủng về nguyên tắc của cái “đồng” và cái “khác”, sẽ bác bỏ bản thân tư tưởng về sự tổng hợp và đối lập mọi thứ hệ thống hoá với “vận động phi biện chứng” – vận động của những “ham muốn” phiêu bạt hỗn độn, vận động được phát hiện qua liệu pháp “giải cấu trúc”.

Có thể nói, công cụ nổi tiếng nhất của giải cấu trúc là cuộc giải phẫu sự “trì biệt” (différance) bất tận, đầy năng động do J. Derrida đề xướng để đối lập với phạm trù tĩnh tại yêu thích của cánh cấu trúc luận: “khác biệt” (différence).

Sử dụng hai nét nghĩa của động từ différer (1. “Phân biệt”, “tách biệt”, “không đồng nhất” và 2. “Triển hạn”, “trì hoãn”, “dềng dang”), Derrida đã trộn lẫn chúng với nhau thành khái niệm: “trì biệt”, ở đây, tư tưởng về sự khác biệt nằm trong ý niệm về khoảng cách không gian và sự đứt gẫy thời gian: “différance” nhắm tới sự vận động (tích cực hoặc thụ động) nằm ở sự “kéo dài, thông qua sự trì hoãn, đổi địa chỉ, gia hạn, chuyển phát, vòng vèo, kéo dài, để dành”[31]. Bởi vậy, cả thời gian hoá không gian, lẫn không gian hoá thời gian được thực hiện đồng thời trong thuật ngữ “différance”

Theo Derrida, “trì biệt” không đơn giản là điều kiện tồn tại đầy năng động của tất cả những “khác biệt” hiện hữu nào đó, cái điều kiện chế định bản thân thực tế xuất hiện của chúng; và – đây mới thực là điều chính yếu – nó còn là công cụ đặc biệt có nhiệm vụ làm lay chuyển và phân rã mọi loại ý nghĩa rắn chắc, mọi căn nguyên ổn định, bởi vì “différance chẳng hề có bất kì sự thống nhất ban đầu và toàn vẹn nào diễn ra trước đó của khả năng hiện hữu”[32].

Muốn biết “cỗ máy tác chiến” của giải cấu trúc luận đã vận hành như thế nào, xin nhớ lại cuộc tranh luận giữa Jacques Derrida với Saussure cùng cách giải thích của ông về kí hiệu.

Với Saussure và các môn đệ-cấu trúc luận của ông, nghĩa từ điển của từ hiển nhiên là nhắm tới tính ổn định và đơn trị, bởi vì đơn vị từ vựng nào cũng gắn với một số lượng lớn các đối lập ngôn ngữ: số lượng đối sánh cảng lớn, thì sự tự đồng  nhất ngữ nghĩa của kí hiệu càng cao: “Bên trong một ngôn ngữ, các từ biểu hiện những khái niệm gần nhau bao giờ cũng hạn định lẫn nhau: các từ đồng nghĩa, ví như  “redouter” – “e sợ”, “craindre” – “sợ hãi”, “cảm thấy sợ”, chỉ có ý nghĩa quan trọng tuỳ vào mức độ đối lập lẫn nhau; nếu như “redouter” không tồn tại, thì toàn bộ nội dung của nó sẽ chuyển qua đối thủ cạnh tranh. <…>. Cho nên, ý nghĩa của từ nào cũng được xác định bằng tất cả những gì có liên hệ với nó”[33].

Không bác bỏ bản thân luận điểm về mối quan hệ tương hỗ giữa các đơn vị ngôn ngữ, nhưng Derrida nghi ngờ quan điển của Saussure, theo đó “ý nghĩa” (valeur) của những đơn vị như vậy thích hợp với sự xác định theo kiểu đơn trị, mà theo Saussure, đúng là nó được đảm bảo với sự hỗ trợ bởi mạng lưới của những sự khác biệt tạo nên trường ngữ nghĩa của chúng.

Thực ra, nói chung, từ không sống trong từ điển, mà sống trong thực tiễn giao tiếp lời nói, và đời sống sinh động (phi từ điển) ấy trước hết nằm ở chỗ, từ được lặp lại vô tận do khoảnh khắc nào cũng được nhập vào những ngữ cảnh đa tạp nhất.

Vấn đề là ở chỗ, sự lặp lại này có thể được giải thích chí ít bằng hai cách trực tiếp đối lập với nhau.

Theo quan điểm của những tín đồ theo truyền thống Saussure – cấu trúc luận Pháp (A. Martin, A.-J. Greimas) hoặc các vị đại diện của “lí thuyết ngôn hành” (J.L. Austin, J.R. Searle), điệp cú pháp hoặc điệp ngữ nghĩa không làm suy giảm ý nghĩa từ vựng của từ, mà trái lại, giúp tăng cường mối liên hệ ngữ nghĩa của ngữ cảnh và bằng cách ấy, nó củng cố tính đơn trị ngữ nghĩa của mỗi đơn vị từ vựng, đó chính là điều khiến hành vi giao tiếp như vốn dĩ trở thành cái có thể có.

Tranh luận với “chủ nghĩa khách quan trừu tượng” của ngôn ngữ học Saussure, M.M. Bakhtin phát triển tư tưởng, theo đó, ngữ cảnh sử dụng một đơn vị ngôn ngữ nào đó sẽ làm thay đổi triệt để, cho tới cùng kiệt ngữ nghĩa của nó: “Ngữ nghĩa của lời nói hoàn toàn bị ngữ cảnh của nó quy định. Thực chất, có bao nhiêu ngữ cảnh sử dụng một từ nào đó, thì cũng có bấy nhiêu ý nghĩa của nó. Nhưng đồng thời, lời nói bao giờ cũng mang tính đơn nhất, nó, có thể nói, không tan rã thành các từ theo số lượng các ngữ cảnh sử dụng nó. <…> Dung hoà tính đa nghĩa trên nguyên tắc của lời nói với sự thống nhất của nó như thế nào? – thì cũng có thể trình bày vấn đề cơ bản của ngữ nghĩa thô thiển và sơ đẳng như vậy. <…> Chủ nghĩa khách quan xử sự thế nào? Bình diện thống nhất của ngôn từ giống như được rắn lại và rời ra từ tính đa trị về nguyên tắc của các ý nghĩa của nó. Tính đa trị này được hiểu như là những bồi âm ngẫu nhiên của một ý nghĩa rắng chắc và ổn định duy nhất. Xu hướng chú ý của ngôn ngữ học đối lập trực tiếp với xu hướng hiểu biết sinh động  của người nói đang tham gia vào một dòng lời nói nào đó. Khi đối chiếu ngữ cảnh của một từ nào đó, nhà ngữ văn-ngôn ngữ học tìm điểm tựa ở bình diện đồng nhất trong sử dụng, vì điều quan trọng với anh ta là tóm lấy một từ nào đó từ ngữ cảnh này, hay ngữ cảnh khác được mang ra đối sánh và tạo cho nó tính xác định bên ngoài ngữ cảnh, tức là từ đó, sáng tạo ra một từ kiểu trong từ điển”[34].

Phân biệt trên nguyên tắc “nghĩa” (“tất cả yếu tố phát ngôn được lặp lại và đồng nhất với bản thân trong toàn bộ sự lặp lại của nó”) và “chủ đề” phát ngôn (một hệ thống kí hiệu phức tạp, năng động có tham vọng trở thành cái tương đương với thời điểm nào đó của sự hình thành”, “phản ứng của ý thức đang hình thành trước sự hình thành của tồn tại”), M.M. Bakhtin nhấn mạnh: “Tính đa trị về nghĩa đó là dấu hiệu cấu trúc của ngôn từ. Về thứ ngôn từ biểu thị thất thảy <…>, chúng tôi xin nói như sau: thứ ngôn từ ấy thực chất hầu như không có nghĩaNó chẳng qua chỉ là chủ đề. Nghĩa của nó không tách rời tình huống thực hiện cụ thể của nó. Nét nghĩa đó mỗi lần một khác, giống như tình huống mỗi lần xuất hiện một khác. Bởi vậy, ở đây, chủ đề nuốt chửng, hoà tan nghĩa trong bản thân, không có nghĩa trở thành ổn định, hoặc đông kết lại dẫu chỉ một chút”[35].

Tương tự như thế, Derrida cũng cho rằng, sự tự đồng nhất ngữ nghĩa của ngôn từ có thể sẽ phải trả giá cho việc tách nó ra khỏi ngữ cảnh lời nói đa dạng của xã hội, chẳng những thế, còn đánh tráo nó bằng ngữ cảnh thuần nhất theo kiểu của chủ nghĩa Hegel (sự “tự tồn tại của ngữ cảnh toàn trị”). Tuy nhiên, nếu với Bakhtin, người cho rằng, không cần phải huỷ bỏ nghĩa của “từ trong từ điển”, mà  có thể sử dụng nó như một “thiết bị kĩ thuật” để thực hiện các ý nghĩa cụ thể, điều quan trọng là phải nhấn mạnh “mâu thuẫn” và “cuộc đấu tranh” của chúng trong “dòng chảy của sự hình thành”, thì Derrida nghiên cứu thứ ý nghĩa như thế với tư cách là trung tâm cần nới lỏng, đập vụn, phân tán: tính ổn định ngữ nghĩa của ngôn từ là không thể có (với ý nghĩa như thế, đó là ảo tưởng) trong chừng mực bất kì kí hiệu nào cũng nhắm tới sự đa bội vô tận của ngữ cảnh sử dụng, bao gồm cả ngữ cảnh của quá khứ và tương lai, và vì thế, nó làm tiêu tán sự tự đồng nhất riêng biệt” sự tự đồng nhất ấy không bao giờ có “trong thực tại”, bời vì nó bị “phân rã”, bị trầm lắng trong quá trình của những quá trình trì biệt vô tận: “mỗi yếu tố được xem là “hiện hữu” <…> đều có quan hệ với một yếu tố khác nào đó so với chính nó, do duy trì trong bản thân vết tích của yếu tố xẩy ra trước đó và cho phép mài sắc bản thân tạo ra vết tích quan hệ của mình với yếu tố tương lai<…>[36].

Cho nên, bất kì sự vật, khái niệm, ý nghĩa bất động nào đều bị thử thách “độ bền vững”, cho tới khi chúng tự phân rã và tự huỷ diệt. Mọi hành vi biểu nghĩa bền vững, mọi kì vọng vào  sự tồn tại của của lời nói “sau chót”, “cuối cùng” về thế giới, mọi ý đồ sở đắc cái “đích thực khởi nguyên”[37] của vũ trụ đều trở thành đối tượng hoài nghi sâu sắc, mà mục đích của sự hoài nghi ấy là phá huỷ sự siêu việt, và do đó, phá huỷ cái bản thể luận như vốn dĩ: “Chúng tôi kì vọng sẽ tìm thấy một điểm xác định của vị thế đứng ngoài trong quan hệ với thời đại lấy Thần ngôn làm trung tâm nói chung”[38].

Bởi vậy, nền tảng của triết học đa bội là quan niệm về tính nước đôi không thể loại bỏ ở mọi khách thể của đối tượng hoặc khái niệm – tính nước đôi này về nguyên tắc không thể khắc phục trong hành vi “xoá bỏ” theo kiểu chủ nghĩa Hegel. Giải cấu trúc luận đối lập chủ nghĩa duy lí của Hegel, “mưu kế của lí trí” với sự “ranh mãnh” và sự “khôn khéo” của các sự vật luôn nhờ vào sự thông đồng độc đáo của những cái biểu đạt tìm cách tuột ra khỏi sự chiếm hữu của khái niệm: “Nó là gì đây, nếu đó là ý nghĩa của ý nghĩa (theo ý nghĩa chung của ý nghĩa, chứ không phải của hệ thống tín hiệu) – liệu nó có phải là quan hệ phỏng lặp bất tận? Hay đó là thông điệp, là lời chú dẫn bất tận của cái biểu đạt này chuyển tới cái biểu đạt khác? Hay lực của nó, đó là gì – liệu có phải là tính đa nghĩa thuần tuý và bất tận, sự đa nghĩa không để cho cái được biểu đạt được đứng yên, hay tạm nghỉ, luôn khêu gợi nó – trong khuôn khổ kiệm ước thuần tuý – sáng tạo ra những ý nghĩa ngày càng mới mẻ, tức là lại phân biệt và trì hoãn? Nếu không tính cuốn “Sách” chưa sáng tác của Mallarmé, thì không ở đâu có sự tự đồng nhất của lời được viết ra”[39].

Không phủ định ý niệm về Tuyệt đối, Trung tâm, hay Thần ngôn như vốn dĩ, Derrida chỉ nghi ngờ sự “hiện diện” tích cực của chúng, thế tức là hoài nghi khả năng  nghiên cứu trực tiếp, tiếp cận, chiếm lĩnh chúng “ở đây và bây giờ”. Trung tâm không bị tiêu diệt, nhưng, tựa như một ảo ảnh, nó luôn luôn hoặc là ẩn vào chốn thâm sâu không thể nhìn thấu của quá khứ, hoặc trong viễn cảnh vô tận của tương lai chẳng rõ hình hài: không giây nào hiện hình trực tiếp, từng khoảnh khắc, nó chỉ lên như là vô số dấu tích của sự vắng mặt của mình.

Nếu Platon, khi trình bày quan điểm của một số nhà tư tưởng thời tiền Socrates, từng nói, rằng tồn tại đồng thời “vừa đa bội vừa thống nhất”, bởi vì nó được duy trì không chỉ bằng sự “thù nghịch”, mà còn bởi tình “thân thiện” (Sophiste, 242 e), thì chủ nghĩa hậu hiện đại không muốn liên kết các khái niệm ấy, nó có ý đồ đối lập chúng, trình bày chúng dưới dạng lựa chọn “hoặc là – hoặc là”[40], nó ngả hẳn về phía “thù nghịch”, chứ không phải “thân thiện”.

Nỗi lo sợ trước sự thống nhất hoá và toàn trị hoá, đuổi bắt sự đa dạng bên trong của tồn tại – động lực của sự “thù nghịch” nói trên là như vậy. Không đơn giản chỉ là sự đa dạng, mà còn là sự đa loài, tạp chủng (hétérogène) và đa luật lệ (hétéronomie) của những căn nguyên vô ước và bất tương dung, không phải là đa mực thước, mà là sự tạp chuẩn (có bao nhiêu cấp độ nghĩa thì cũng có bấy nhiêu “mực thước” trên thế giới), không phải là sự đa giọng, mà là tạp thanh của tồn tại, nói tóm lại, không phải là tính “đa bội trong sự thống nhất”, mà là “đa bội thiếu sự thống nhất” – đó chính là tư tưởng cơ bản của triết học hậu hiện đại.

Là sự tích tụ trạng thái đa bội bất tận của những “ham muốn”, những “phương cách sống”, những “trật tự ý nghĩa”, những sự định giá và nhãn quan giá trị-tư tưởng hệ muôn hình vạn trạng, thế giới trở thành vũ đài của chủ nghĩa đa nguyên chiết trung, nơi các ngôn ngữ xã hội – tư tưởng hệ, do thiếu vắng một nền móng chung, quả tình chẳng có gì để mà nói với nhau: những sự làm giàu lẫn nhau và sự trưởng thành thực sự chẳng còn quan trọng với nhau, không hứng thú lẫn nhau, xa lạ với tiến trình, chúng ngả hẳn về phía xung đột. Chống lại “ảo tưởng siêu việt” của Hegel, người khẳng định “chân lí là chỉnh thể”,  J. Lyotard đã giương cao khẩu hiệu “tuyên chiến chống lại cái chỉnh thể”[41]. Cuộc chiến tranh của “tất cả chống lại tất cả”, nó giả định về sự tan rã của tồn tại thành các bộ phận hợp thành của nó, nó xoá bỏ chính ý niệm về trung tâm và ngoại vi, đặt lên bình diện thứ nhất những phạm trù, ví như “tạp chủng”, “tiếp biến”, “phân mảnh”, “lắp ghép”, “bất ổn”, “nước đôi” – một cuộc chiến tranh như thế tất yếu sẽ đưa thế giới vào trạng thái hỗn độn, và nhiệm vụ chiến lược của “triết học đa bội” không phải là làm thế nào để khắc phục trạng thái hỗn độn ấy, mà là làm thế nào để bắt nó phải lên tiếng.

TỪ TÁC PHẨM ĐẾN VĂN BẢN

Có thể nói, Roland Barthes là người thành công nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược nói trên. Xem xét lại khái niệm liên văn bản của Kristeva, Barthes đã tạo cho nó một tên gọi ngắn gọn và mạnh mẽ hơn: VĂN BẢN. Barthes nhấn mạnh, về mặt thuật ngữ, “văn bản” có nghĩa là “tấm dệt”, “mạng lưới”, “tấm vải”, và nếu vào những năm 1970, nguyên mẫu “văn bản” của Barthes thường là “Thiên Hà của Gutenberg”, hoặc “Thư viện” của Borges, thì ngày nay, hình ảnh thích hợp nhất với nó là “siêu văn bản” máy tính – một “tấm dệt”, “mạng lưới toàn thế giới”.

Vào năm 1970, trong cuốn S/Z, Barthes đã mô tả văn bản dưới dạng mở rộng như là “tính đa bội đắc thắng”: “Một văn bản lí tưởng như thế đầy ắp vô số lối đi giao cắt nhau ở bên trong, không áp chế lẫn nhau, nó là mạng lưới của những cái biểu đạt, chứ không phải là cấu trúc của những cái được biểu đạt; nó không có mở đầu, nó mang tính thuận nghịch khả hồi, có thể thâm nhập vào đó qua vô số cửa ngõ, nhưng không một lối nào được xem là chính đạo; chuỗi mã do nó khởi động đã mất biến ở đâu đó trong cõi xa xăm vô tận;  chúng “bất khả giải” (nghĩa của chúng không phụ thuộc vào nguyên tắc khả giải, cho nên mọi sự giải quyết đều mang tính ngẫu nhiên giống như khi ném con thò lò); nhiều hệ thống ngữ nghĩa khác nhau có khả năng sở đắc cái văn bản cực kì đa bội ấy, nhưng phạm vi của chúng không khép kín, bởi vì mực thước của những hệ thống như vậy là tính vô tận của bản thân ngôn ngữ”[42].

Đoạn mô tả vừa dẫn ở trên đã cho thấy trước sẽ xuất hiện vô số định nghĩa về siêu văn bản mà các nhà lí luận internet (bắt đầu từ Theodor Nelson) từng đưa ra vào những năm 1980. Khái quát lại các định nghĩa ấy, chúng ta sẽ hình dung được những đặc điểm chính yếu trong khái niệm VĂN BẢN (liên văn bản, siêu văn bản) của Barthes:

– Thiếu trung tâm ý nghĩa và trật tự ngữ nghĩa: VĂN BẢN là sự đa bội phi trung tâm;

– Phi tầng bậc, phi cấu trúc, kiểu “rễ chùm” (giống như “thân rễ” được G. Deleuze và F. Guattari mô tả[43]): VĂN BẢN vô tiền khoáng hậu, không đầu, không cuối ;

– Tạp chủng, đa chiều kích và đa giọng điệu :VĂN BẢN mang tính đa nguyên và đa trị;

– Tính phân mảnh do tính đa nguồn cội quy định: không gian văn bản là môi trường tuy liên tục theo kiểu riêng, nhưng phi đồng nhất ;

– Không có bất kì một thứ văn phạm và cú pháp nào, không có nhiệm vụ giao tiếp, phi mục đích luận;

– Phi tuyến tính: khác với tác phẩm hoàn chỉnh, nơi có thể di chuyển từ một yếu tố nghĩa này sang một yếu tố nghĩa khác, mà nó trực tiếp chỉ ra, VĂN BẢN ước định những bước chuyển tự do, chớp nhoáng từ một điểm bất kì sang một điểm bất kì khác và bằng cách ấy, nó nó tạo ra khả năng nối kết tạm thời tập hợp bất tận các cấp độ ngữ nghĩa; từ một điểm bất kì của VĂN BẢN, các chuỗi dấu tích chuyển dẫn cho nhau tạo thành mạng lưới liên tục tản ra mọi ngả;

– Tính thuận nghịch khả hồi của hiện tại, quá khứ và tương lai: VĂN BẢN không chỉ cho phép “ bắt khoảnh khắc phải dừng lại ”, mà còn “trả lại cái đã biến mất” – nhìn sâu vào bất kì điểm nào của quá khứ;

– Kính vạn hoa, bằng cách thay đổi liên tục các máy ghi, có khả năng làm nổi bật một loạt yếu tố của bức tranh khảm văn bản và làm mờ nhạt các yếu tố khác;

– Tính năng động nội tại cho phép cách li tối đa mọi khách thể, hoặc ngược lại, tiếp cận sát tới nó[44];

– Tính phi hoàn kết và bỏ ngỏ như khả năng cơ bản giúp tăng cường và mở rộng  vô giới hạn: VĂN BẢN cho phép đưa vào những bổ sung mới, nhờ thế, ý ngiã nào của văn bản cũng không đóng kín, để ngỏ cho những tác động tương hỗ tiềm tàng với tất cả các nghĩa khác;

Như vậy, Văn bản hậu cấu trúc là một tổ hợp các yếu tố không đồng nhất được gắn kết không hẳn bằng các quan hệ ẩn dụ và nhân quả, mà chủ yếu bằng các quan hệ hoán dụ – các quan hệ lan tràn và tiếp xúc qua lại, do có thể xẩy ra mọi sự di chuyển vượt qua các giới hạn phân loại[45].

Văn bản là sự biểu hiện của cái chiều sâu “vô đáy” và “vô tăm tích” mà vào những năm 1960 M.M. Bakhtin đã tập trung nghiền ngẫm[46] – nó là kho báu có sức chứa vô giới hạn. Việc lặn sâu vào văn bản hứa hẹn sẽ “tìm thấy cả thế giới”, tham vọng bao trùm tất cả của nó chỉ có thể so sánh với bách khoa thư. Nhưng kí ức bách khoa thư  – với mục đích chế ngự sự da dạng, tìm được tri thức đầy đủ và hoàn hảo, không chỉ điều hoà các lĩnh vực khoa học khác nhau, mà còn điều hoà cả các phạm vi tồn tại bên trong bản thân mình – yêu cầu phải có một “trật tự và trình tự” duy lí, một cấu hình chặt chẽ, biến “cái tranh luận thành cái hiển nhiên”[47].  Trong khi đó, kí ức tập thể – vô thức của Văn bản là không gian hỗn độn của một “trật tự-chưa-được-tổ-chức”, đó là sự phong túc ngữ nghĩa chảy tràn ra mọi bến bờ, vượt qua mọi vật cản, có thể làm hồi sinh các hiện tượng văn hoá bị quên lãng, bị tình huống hiện tại chèn ép, ruồng bỏ[48], và nếu bách khoa thư (trí tuệ theo trật tự chữ cái) đúng là “biểu tượng quan trọng bậc nhất của tinh thần thời Hiện đại”[49], thì sẽ càng đúng hơn, khi Văn bản với tham vọng nén kí ức duy lí ấy, biến nó thành thứ siêu-kí ức, siêu-bách khoa thư, được xem là một trong những biểu tượng của thời hậu hiện đại.

Tác phẩm là sự đối lập trực tiếp với Văn bản. Nó là một đơn tử nghĩa, một cấu trúc nghĩa hoàn kết, một chỉnh thể cấu hình bền vững và mạch lạc được gắn kết bởi nhiệm vụ thống nhất của tác giả; tác phẩm là một kiến tạo mục đích luận, cấu trúc này là sản phẩm hoàn bị của hoạt động (chứ không phải bản thân quá trình hoạt động ấy), trong đó, các dấu tích của sự “hình thành nội tại” của nó đều bị xoá sạch (J. Derrida), và nó được tổ chức với mục đích tác động tới người nhận: tác phẩm đó là phát ngôn có chức năng giao tiếp”[50]. Văn bản của Barthes có quan hệ với tác phẩm cũng tựa như  “vật chất” của Aristotle có quan hệ với “hình thức”[51].

Sáng tạo ra tác phẩm, mỗi tác giả tất yếu sẽ chắt từ “kho lưu trữ” văn bản vô tận, kiến tạo cấu trúc ngữ nghĩa của mình với sự hỗ trợ của chất liệu được cất giữ trong Văn bản, có thể là những lời, những câu riêng lẻ hay cả một đoạn văn được cố ý vay mượn từ các tác phẩm của người khác, đọc được trên báo chí, nghe được ngoài đường phố, rút từ màn hình tivi v.v…, hoặc những đoạn thuyết trình ngắn, những diễn văn đủ loại, những thể loại, phong cách, mã xã hội, những ngôn ngữ, diễn ngôn…, tức là từ những gì tạo nên các ngữ cảnh văn hoá riêng lẻ cũng như Văn bản văn hoá nói chung. Người nói/người viết không mấy hiểu rõ “văn bản” riêng của mình (kí ức văn hoá của mình), nhưng ngoài ý muốn, kí ức ấy vẫn chi phối họ ngay từ thời thơ ấu. “Vì trước văn bản và xung quanh văn bản bao giờ cũng có hoạt động ngôn ngữ, các mảnh vỡ của những bộ mã đủ loại, những cách biểu đạt, những mô hình tiết tấu khác nhau, những mảnh, miếng của ngôn ngữ xã hội thâm nhập vào văn bản tái phân bố lại ở đó. Là điều kiện thiết yếu của văn bản, dẫu nó là thế nào, tính liên văn bản dĩ nhiên hoàn toàn không quy về vấn đề nguồn gốc và ảnh hưởng. Liên văn bản  là phạm vi rộng mở của những công thức vô danh khó xác lập nguồn gốc, của những đoạn trích vô tình hoặc tự động không để trong ngoặc kép”. ‘Mọi văn bản đều là liên văn bản: ở những cấp độ khác nhau, trong hình thức được nhận biết ít hay nhiều, bao giờ cũng hiện diện những văn bản khác – những văn bản của văn hoá trước đó và những văn bản của văn hoá bao bọc xung quanh; mọi văn bản đều là tấm vải mới đan dệt từ những trích dẫn đã từng được sử dụng”[52].

Mỗi tác phẩm đều có văn bản của mình, phụ thuộc vào đó, không có văn bản, nó không thể tồn tại, cũng như đuôi sao chổi không thể tồn tại nếu không có sao chổi[53]; lại nữa, tất nhiên, quan hệ giữa tác phẩm và văn bản bao giờ cũng mang tính tích cực đặc biệt: thu hút vào bản thân vật liệu văn bản đầy năng động, tác phẩm nhào nặn, tổ chức lại, buộc nó phải phục tùng nhiệm vụ của tác giả, kẻ luôn luôn cố sáng tạo ra một ý nghĩa bền vững – thống nhất và duy nhất.  Tác giả nào cũng tất yếu buộc trò chơi tổ hợp Văn bản phải dừng lại, áp chế, đè nén cái dàn đồng thanh phức điệu có từ thời xa xưa. Dẫn vị tất đã làm được như thế một cách rốt ráo (Barthes nhận xét: “mẩu bé tí” của văn bản không chỉ tìm thấy trong các tiểu thuyết của Proust hay Flaubert, mà thậm chí còn tìm thấy cả trong Bossuet[54]), nhưng trong quan hệ với Văn bản, ở mọi trường hợp, tác phẩm bao giờ cũng giữ vai trò nô dịch.

Chính Barthes là tác giả không chỉ phát hiện ra tính chất hai mặt của mối quan hệ tác phẩm/Văn bản, mà còn khám phá bản chất nước đôi của chính Văn bản.

Một mặt, sự đa nghĩa và phi quyền lực về nguyên tắc của văn bản đối lập với tính đơn trị và quyền lực cưỡng bức của tác phẩm mà trong đó toàn bộ cấu hình của nó phải phục tùng một mục đích: khơi dậy ở cử toạ một tư tưởng nào đó, một ý niệm nào đó về hiện thực, một “hình tượng thế giới”. Ở đây, mỗi tác phẩm là một phát ngôn cụ thể bằng một trong số các ngôn ngữ xã hội – tư tưởng hệ mà thời đại áp đặt và mỗi tác giả sẽ lựa chọn một cách vô tình hay cố ý (“Là sản phẩm của ngôn ngữ, nhà văn, theo cách này hay cách khác, thể nào rồi cũng bị cuốn vào cuộc chiến tranh giữa những chuyện hư tạo (các phương ngữ), lại nữa, anh ta chẳng qua chỉ là thứ đồ chơi trong cuộc chiến tranh ấy”[55]).

Theo Barthes, quan hệ giữa các ngôn ngữ là quan hệ tranh đua. Mỗi loại ngôn ngữ tư tưởng hệ bao giờ cũng đấu tranh giành quyền thống trị: “Đời sống ngôn ngữ chịu sự điều hành của một chiến địa nghiệt ngã, ngôn ngữ bao giờ cũng xuất phát từ một địa điểm nào đó và vì thế, mỗi ngôn ngữ chẳng phải là gì khác mà chính là một không gian tác chiến, nếu không gian ấy “có đầy đủ sức mạnh thì tất yếu nó sẽ loang ra mọi ngóc ngách của đời sống sinh hoạt xã hội thường nhật”. Nói cách khác, đời sống xã hội là một chiến địa Thần ngôn muôn đời, là cuộc “chiến tranh giữa các ngôn ngữ”, còn bản thân ngôn ngữ của các quan hệ xã hội chính là ngôn ngữ của sự xâm lăng và cưỡng bức, “một trong những thứ ngôn ngữ cổ xưa và thông dụng nhất”[56].

R. Barthes chẳng có chút mảy may cảm tình nào trước cuộc đối đầu tuyệt vọng của vô số các cấp tư tưởng hệ, ông thấy nhiệm vụ chiến lược của mình là làm thế nào để thoát ra ngoài “Thần ngôn quyển” thấm đẫm bạo lực – không chỉ thoát khỏi cuộc chiến tranh xa lạ với ông bằng cách tìm ra kế sách để khách quan hoá, tránh xa, báng bổ, giễu nhại nó, mà còn tìm kiếm một “ốc đảo cứu rỗi” nào đó – dẫu chỉ là ảo tưởng. Ốc đảo ấy hoá ra chính là Văn bản như là khu vực đa bội tuyệt đối, phi bạo lực và tự do. “Thứ tự do như thế là sự sang trọng mà xã hội nào cũng cần mang  lại cho công dân của mình: có bao nhiêu đam mê, ham muốn khác nhau, thì cũng cần phải có bấy nhiêu ngôn ngữ; – đó chỉ là giả định không tưởng cho đến khi chưa có xã hội nào sẵn lòng cho phép tồn tại nhiều ham muốn. Không một xã hội nào sẵn sàng cho phép một ngôn ngữ nào đó – bất luận đó là ngôn ngữ ra sao – thống trị một ngôn ngữ khác, cho phép một chủ thể trong tương lai – chưa hề cảm thấy lương tâm cắn rứt hay u sầu – nếm trải niềm vui được sở đắc ngay lập tức hai cấp ngôn ngữ”[57].

Barthes viết: “Văn bản chưa bao giờ không phải là đối thoại: trong văn bản không có lời cạnh khoé về sự láu cá, về sự gây hấn, không hề có chút cạnh tranh nào giữa các đặc ngữ”, ngược lại, là “vườn địa đàng từ ngữ” – điểm gặp gỡ của tất cả các cấp văn hoá xã hội và toàn bộ những niềm “đam mê” có thể có, văn bản tựa như hướng tới chúng: “Ta yêu tất cả các người hệt như nhau, ta yêu các kí hiệu cũng như yêu ảo ảnh của những đối tượng mà chúng biểu nghĩa; ở chừng mực nào đó, nó là dòng tu Fransisco đang mời gọi đồng thời tất cả các từ ngữ, thúc dục chúng nhanh chóng xuất hiện, vội vã lên đường; <…> Chúng ta chất lên mình toàn bộ sự giàu có của ngôn ngữ tới mức quá tải giống như đám trẻ con chẳng bao giờ bị người ta từ chối điều gì, trừng phạt điều gì, hay tệ hơn, chẳng có gì người ta không cho phép. Loại văn bản như thế là tiền cược cho mộ bữa tiệc bất tận, là khoảnh khắc mà niềm vui ngôn ngữ bắt đầu ngạt thở vì sự dồi dào của nó và phải thổ lộ bằng khoái cảm”[58].

Văn bản sẽ bị mất giọng, yếu đi về nguyên tắc vì “hệ thống trong đó bị chế ngự và phá huỷ”, vì trong đó “không có sự đối kháng đích thực nào, mà chỉ có mỗi tính đa bội” mang lại khoái cảm trước tình trạng phức điệu của vũ trụ, thưởng thức “trạng thái dị trị của sự vật”, nếm phẩm chất đa dạng của thế giới. Văn bản-khoái cảm – đó là “Babylone tươi vui”[59].

Mặt khác, khi cảm nhận sâu sắc lực giải phóng của “công việc văn bản”, R. Barthes cũng nhìn thấy rất rõ phương diện ngược lại, xa lạ của nó. Nếu trong Khoái cảm văn bản, ông mô tả Văn bản như một không gian, nơi bùng lên mọi “ngọn lửa ngôn ngữ” và là nơi có khả năng cảm nhận niềm hoan lạc đích thực nhất (không chỉ “khoái cảm” văn hoá”, mà còn “lạc thú” nhục dục), thì S/Z, cuốn sách dành cho việc giải cấu trúc tiểu thuyết Sarrasine  của Balzac, lại phát hiện ra một sự thật: hiện tượng âm lập thể của văn bản khi đem kiểm tra thực ra chỉ là âm lập thể của các khuôn đúc tư tưởng hệ.

Cặp đối lập quan trọng nhất mà R. Barthes dựa vào để tiếp cận văn hoá là cặp Mới và  – ngôn từ “tươi tắn”, “trực tiếp”, “được tạo ra lần đầu”, từ phía này, và ngôn gừ sáo mòn, dựa trên nguyện tắc lặp lại, ở phía kia: “<…>  Từ trong bản chất, ngôn ngữ tòng thuộc quyền lực[60] (ngôn ngữ xuất hiện và quảng bá dưới sự bảo trợ của quyền lực) là ngôn ngữ lặp lại; toàn bộ thiết chế ngôn ngữ chính thức – đó là những cỗ máy nhai đi nhai lại cùng một cái bã -, nhà trường, thể thao, quảng cáo, văn hoá đại chúng, sản phẩm ca nhạc, các phương tiện thông tin không ngừng tạo ra cùng một loại cấu trúc, một loại ý nghĩa, đôi khi, cùng những câu chữ giống hệt nhau: khuôn đúc – đó là hiện tượng đặc biệt của chính trị, là hiện thân đích thực của tư tưởng hệ”. Theo Barthes, mọi nơi và mọi lúc, ranh giới giá trị luôn luôn được vạch ra giữa sự ngoại lệ và luật lệ.  “Luật lệ là lạm dụng một cái gì đó, ngoại lệ là khoái cảm”: “Cái gì cũng được, miễn sao không phải là luật lệ (phổ cập, khuôn sáo, biệt ngữ: ngôn ngữ học thuộc lòng”[61].

Vấn đề mâu thuẫn là ở chỗ: có được một từ mới, loay hoay tìm được cách diễn đạt riêng của mình là điều cực khó, nếu chẳng muốn nói là không thể, và nguyên nhân là do có đến chín trong mười trường hợp cái mới hoá ra chỉ là “khuôn mẫu của sự tân kì”. “Tôi viết bởi vì tôi không ưa mọi thứ từ ngữ có sẵn, tôi viết từ cảm giác phản loạn”, thế mà, Barthes thấy, tôi vẫn phải sử dụng thứ “ngôn ngữ sống sít” (trước hết là ngôn ngữ của các nhà văn tôi đã đọc và đọc đi đọc lại), thứ ngôn ngữ đã thấm vào ý thức, tiềm thức và cả tác phẩm của tôi ngoài ý muốn của tôi”[62].

Đó chính là hiện tượng R. Barthes đã khám phá ra qua chất liệu của Sarrasine. Tiến hành “chụp lại chậm rãi” quá trình  đọc tiểu thuyết của Balzac, chia văn bản thành nhiều đoạn ngắn (“lexie”) và sau khi tựa như soi trên kính hiển vi từng đoạn ấy, ông ngạc nhiên nhận ra rằng, toàn bộ tiểu thuyết hoá ra được dệt từ những đoạn văn thường gặp, những bản đúc, những khuôn mẫu làm nên nền văn hoá thời đại Balzac. Tổng hợp các khuôn mẫu như thế đúng là đã tạo nên VĂN BẢN nằm ở phía sau tác phẩm của Balzac, – một cuốn “SÁCH khuyết danh” không chỉ chứa đựng trong bản thân “bộ sưu tập kì lạ toàn bộ trị thức bách khoa” của nửa đầu thế kỉ XIX, mà còn cả, điều quan trọng nhất, mạng lưới giá trị – ngữ nghĩa được vật thể hoá trong một bộ tuyển tập khuôn mẫu[63], mạng lưới mà nền văn hoá giăng ra giữa cá nhân và đời sống, áp đặt cho tác giả một cách giải thích cụ thể mọi hirnj tượng của thực tại, cản trở việc tiếp nhận nó một cách “thẳng thừng”, trực tiếp.  Mạng lưới ấy có tham vọng thay thế cuộc đời sống động. Bởi vậy, “đời sống” trong văn bản cổ điển bị biến thành món cám lợn phát buồn nôn của những ý kiến thông thường hoặc tấm vỏ bọc ngạt thở của những chân lí muôn đời”[64].

Dĩ nhiên, mọi chuyện không phải là ở bản thân tiểu thuyết của Balzac: vấn đề là ở chỗ, tác phẩm nào cũng vậy, không có ngoại lệ, giống như được đan bện bằng vô số mã văn hoá, đa số tác giả đều không mảy may chú ý tới sự tồn tại của các mã ấy và họ đã hấp thụ chúng hoàn toàn vô thức. Theo Barthes, “mã” văn hoá là “viễn tượng của những trích dẫn, là ảo ảnh được đan dệt từ các cấu trúc”; các đơn vị được chúng tạo thành chẳng phải là gì khác ngoài những mảnh nhỏ của một cái gì đó, một cái gì đã được đọc, đã được thấy, đã được thực hiện, đã được trải nghiệm: mã là vết tích của cái đã ấy. Trích dẫn cái đã viết từ trước, nói cách khác, từ cuốn Sách (sách văn hoá, sách cuộc đời, sách cuộc đời như văn hoá), nó biến văn bản thành bản toát yếu của cuốn Sách ấy[65]. Và Barthes khái quát: “Như thế tức là liên văn bản, nói cách khác – là bản thân việc không thể xây dựng cuộc sống bên ngoài giới hạn của một văn bản bất tận nào đó, cho dù đó là Prous, là tờ nhật báo hay các chương trình truyền hình”[66].

Thái độ đối với Văn bản, bất luận là “lạc quan” (văn bản là “vùng tự do”) hay bi quan (văn bản là nho kho chứa các bản đúc”), nó vẫn đặt ra trước nhà phân tích vấn đề lí thuyết hết sức nghiêm túc.

Rõ ràng là, ở khía cạnh chúng ta đang quan tâm, tác phẩm và Văn bản liên quan tới hai dạng khác nhau của kí ức con người. Tác phẩm gắn với kí ức cá nhân – có ý thức, được chọn lọc – của chủ thể ý chí (tác giả), còn Văn bản, như chúng ta thấy, gắn với kí ức vô thức của văn hoá. So với kí ức tác phẩm, kí ức Văn bản có sự phong phú ngữ nghĩa vô hạn: phạm vi đọc và kinh nghiệm văn hoá được ý thức nói chung của mỗi tác giả bao giờ cũng có giới hạn, nó chỉ giành lại cho hoạt động liên văn bản của anh ta một lãnh đia rất hẹp (bắt chước, mô phỏng, phong cách hoá, nhại, trích dẫn kín đáo hay công nhiên, dụng điển, hồi tưởng theo kiểu mơ hồ, hỗn độn). Chính vì thế, phía sau mỗi tác phẩm bao giờ cũng thấy nổi lên khối Văn bản khổng lồ, trong đó cái “được nói” bao giờ cũng lớn hơn bội lần so với điều bản thân tác phẩm “muốn nói”, vì Văn bản không chỉ ghi nhớ nền văn hoá trước và cùng thời với tác giả, mà còn ghi nhớ cả nền văn hoá của tương lai (Barthes đã chỉ ra khả năng một tác phẩm sớm hơn tựa như có thể ra đời từ một tác phẩm muộn hơn[67]).  Diễn đạt theo M.M. Bakhtin, tác phẩm nào cũng là Văn bản thu hẹp của nó[68], tác phẩm bao giờ cũng nghèo hơn gấp bội so với với Văn bản của mình, và chính cảm giác về sự khiếm khuyết ngữ nghĩa của mình, thậm chí cảm giác mất mát, sẽ trở thành động lực có khả năng khêu gợi ý thứ tác giả (cũng như ý thức người đọc) khát vọng vươn ra ngoài phạm vi chủ quan, vượt qua bản thân và những giới hạn của mình: tác giả cần phải “quên mình”, quên “cái tôi” cá nhân và tác phẩm của mình, hân hoan chết đi trong Văn bản – khi ấy, kí ức của Văn bản , kí ức chứa vào bản thân “tất cả”, sẽ tự nói lên ở trong đó.

Đó là con đường “từ tác phẩm đến Văn bản”, nhưng vấn đề là ở chỗ, trong toàn bộ sự giàu có vô tận của mình, Văn bản hoàn toàn vô định hình: trong Văn bản, lôgic hình thức không hoạt động, quy luật loại trừ cái thứ ba không hoạt động, trong đó không có nguyên nhân, không có mục đích, không có khung khái niệm, không có trật tự giá trị, chiếm giữa vị trí của những cặp đối lập phân cực là sự chao đảo bất tận của những hình tượng phủ kín lên nhau. Với ý nghĩa như thế, cái tương đồng với Văn bản sẽ là kí ức tuyệt đối của Ireneo Funes (trong truyện ngắn của Borges: Funes, sự mầu nhiệm của kí ức), ở đó không có kế hoạch, không có mục đích, và thực ra, nó chỉ là một cái “rãnh nước”, một cái kho chứa đồng nát, ở đó đổ đầy những ấn tượng mà nhân vật lĩnh hội được trong suốt cuộc đời, chẳng có ngoại lệ, cũng không có sự phân tích, xem xét gì. Một kí ức như thế rõ ràng đã đánh mất chức năng quan trọng nhất – chức năng chọn lọc, nó nhắc người ta nhớ tới “kho lưu trữ phế liệu”, chứ không phải là “kho báu”: sự đa dạng vô tận của kho lưu trữ ấy chứa đựng trong bản thân  mối hiểm hoạ khủng khiếp – hiểm hoạ mất hút trong những mê cung hỗn độn của kho lưu trữ kí ức, thứ nhà kho chẳng phục vụ cho mục đích giao tiếp, cho sự hiểu biết đời sống, cũng không tạo ra tri thức về nó. Nó không thúc đẩy việc chiếm lĩnh thế giới, mà chỉ làm cho thế giới bị tổn thất. Thực ra, Funes đang hấp hối vì trở thành vật hi sinh cho năng lực bất hạnh của mình – không biết quên – thứ năng lực chắc chắn đã khiến anh ta bại liệt, tước bỏ của anh ta mọi khả năng phân tích định hướng trong đời sống hiện thực và thực hiện những hành động có ý hướng. Cho nên chắc chắn sẽ không có chuyện làm sao để anh ta có thể sáng tạo ra một tác phẩm nào đó[69].

Tóm lại, tác phẩm mang tính đơn trị, nhưng Văn bản mang tính đa trị, và tuy giữa chúng có ranh giới rạch ròi (“Tác phẩm hoàn toàn không mâu thuẫn với mọi loại triết học nhất nguyên”, với loại triết học này, “tính đa bội là cái Ác tầm thế giới”, trong khi đó Văn bản, “trái ngược với tác phẩm”, có thể chọn lời quỷ ám làm châm ngôn (Phúc Âm của Mark, 5, 9): “Légion là tên ta, vì chúng ta rất đông”. Văn bản đối lập với tác phẩm bởi “cấu trúc đa bội, ma quỷ của nó”[70], sự tồn tại của ranh giới ấy chính là để khắc phục nó. Vận động từ tác phẩm đến Văn bản (trải rộng, tán phát, nới lỏng tác phẩm thành các mạch ngữ nghĩa) tất yếu kéo theo sự đối lập – vận động từ Văn bản về tác phẩm, trong đó, “chất khởi nguyên” của văn bản biến thành tác phẩm-hình thứcVăn bản biến thành văn bản.

TỪ “THÔNG DIỄN HỌC BẤT TẬN” ĐẾN THI PHÁP HỌC

Giờ đây ai cũng rõ, bên dưới cái nhãn “tính liên văn bản” do J. Kristeva tạo ra, chí ít, ngay từ đầu đã ẩn chứa hai hiện tượng khác nhau: thứ nhất: nó là“Văn bản” theo cách hiểu của Barthes, thứ hai: nó là “liên văn bản” theo nghĩa riêng.

Cách giải thích của Barthes – nghiêng về phía hoà liên văn bản vào Văn bản, còn tính liên văn bản hoà tan vào tính liên diễn ngôn – làm nẩy ra vấn đề. Chính vì Văn bản là món “lẩu” phi định dạng do vô thức văn hoá tạo ra, là “khu vực lỏng lẻo của những định thức vô danh” mà nguồn gốc của chúng thường khó xác định,- chính vì nguyên nhân như thế, nên bản thân việc “đọc” Văn bản không thể là một cái gì khác ngoài hành vi ít nhiều tuỳ tiện, tự do, khi người đọc thường nắm bắt và nâng cao tính tích cực của “những mảnh ngôn ngữ xã hội khác nhau”, “những mẩu nhỏ của các loại mã”, “những mô hình tiết tấu” v.v… tuỳ thuộc vào nhãn quan văn hoá và vốn tri thức (thường xuyên thay đổi trong suốt cuộc đời), tâm trạng (thường chỉ thoáng qua), sở thích, liên tưởng mang tính chủ quan.

Nhưng nếu như thế, thì Văn bản theo định nghĩa của Barthes không thể trở thành đối tượng của mọi phương pháp phân tích, thành đối tượng của môn khoa học nào đó, vả lại, ngay từ đầu, Barthes đã tự thấy rất rõ: “Đọc văn bản chỉ là hành vi một lần (vì thế, mọi thứ khoa học quy nạp – diễn dịch về các văn bản chỉ là ảo tưởng)”[71]. “Không thể viết bất kì một thứ “luận văn” nào khả về khoái cảm văn bản: khoái cảm chỉ tạo ra được cái nhìn vào bản thân mang tính tức thời (nội quan)[72] (Không phải ngẫu nhiên, dù có rất nhiều ưu điểm, tác phẩm S/Z tuyệt vời của Barthes vẫn đích thị chỉ là hiện tượng “một đi không trở lại” (“hapax”) – một “hành vi” phê bình văn học cực đoan, các nhà nghiên cứu văn học “bình thường” chắc chắn không thể vận dụng phương pháp luận của nó vào thực tiễn).

Nhưng nếu đã vậy, thì để nghiên cứu Văn bản bất tận chỉ có thể sử dụng “thông diễn học bất tận” (so sánh với “sự phân tích bất tận” của Freud), loại thông diễn học được Nietzsche tiên đoán: “Chắc là với chúng ta, một lần nữa, thế giới lại trở nên “bất tận”, vì chúng ta không đủ sức để gạt bỏ khả năng là nó bao hàm trong bản thân những diễn giải bất tận” (“Khoa học vui”, № 374: “Cái bất tận mới của chúng ta”). Và nếu như mục đích của loại thông diễn học này không phải là “tri thức” thiết thực, không phải là “chân lí”, thậm chí cũng không phải là “sự hợp nhất của các nhãn quan” (như trong giải thích học của H.G. Gadamer), mà chỉ là sự di chuyển liên tục điểm nhìn của người đọc, xáo trộn khối lượng văn bản để không cho nó ngưng kết, thì rõ ràng là trong trường hợp này, sự diễn giải tối ưu chính là sự diễn giải sẽ mở ra con đường cho những cách diễn giải ngày càng mới hơn.

Ta hiểu vì sao vào năm 1973, sau khi in bài có tính cương lĩnh “Văn bản (lí thuyết văn bản)” trong “Encyclopædia universalis”, dù chính Barthes đã bổ sung  cho bản thân vấn đề liên văn bản vị thế chính thức, nhưng với những ai muốn xác định rạch ròi các khái niệm “văn bản” và “tính liên văn bản”, lí thuyết ấy vẫn đòi hỏi phải đưa ra giới thuyết chặt chẽ.

Ngay trong các công trình của Kristeva, khái niệm “văn bản” đã được mở rộng tối đa. Khi Kristeva định nghĩa tính liên văn bản như là “sự tương tác liên văn bản diễn ra bên trong một văn bản nào đấy”, sự tương tác này giúp ta hiểu “các phân đoạn (hay các mã) khác nhau của một cấu trúc cụ thể nào đó như những biến thể của các phân đoạn (hay các mã) rút ra từ các văn bản khác”, thì, tuy chưa đạt tới khối lượng Văn bản theo cách hiểu của Barthes,  “tính liên văn bản như thế” vẫn bao trùm – gần như tổng quan – tất cả phạm vi “các hệ thống kí hiệu”, “các thực tiễn kí hiệu học” và “các tổ chức văn bản”, vì nó trực tiếp dựa vào “phương thức mà văn bản sử dụng để đọc lịch sử và hoà hợp với lịch sử”[73].

Chẳng hạn, trong Văn bản tiểu thuyết, Kristeva xác định tính liên văn bản của cuốn tiểu thuyết trung đại Jehan bé nhỏ ở Saintre như là sự gặp gỡ của bốn bộ phận liên văn bản hợp thành: mã triết học kinh việnmã phong lưu hào hiệp (hình tượng Quý Bà và truyện phong tình hiệp sĩ), mã ngôn ngữ vỉa hè (“tiếng la hét” của các thương gia, biển hiệu đường phố), mã carnaval (nhục thể, tình dục, tiếng cười, mặt nạ)[74]. Nhưng rõ ràng, những mã vừa kể ra đây (với toàn bộ hiệu quả phân chia của nó) không phải là các văn bản trong ý nghĩa chặt chẽ của từ ấy, mà kiểu như là  các “cổ mẫu” văn hoá xã hội mà ta có được bằng con đường khái quát trừu tượng hoá vô số văn bản cụ thể mà những cổ mẫu này là các phiên bản của chúng.

Ta hiểu vì sao, bắt đầu từ bài Chiến lược hình thức (1976) của Laurent Jenny, mọi nỗ lực của phần đông các nhà nghiên cứu đều hướng vào chỗ: thứ nhất, thu hẹp và cụ thể hoá các khái niệm “văn bản” và “tính liên văn bản”, phân rõ ranh giới tính liên văn bản và liên diễn ngôn v.v…; thứ hai: xác định rõ ràng các nhiệm vụ của lí thuyết liên văn bản, tăng cường cho nó tính hiệu quả.

Từ góc độ như thế, chí ít có ba nhiệm vụ đang được đặt ra trước lí thuyết về tính liên văn bản:

1. Giới hạn chính đối tượng của lí thuyết liên văn bản, loại lí thuyết không cần phát hiện sự gọi tên theo kiểu liên tưởng – chủ quan các ý nghĩa, mà cần phát hiện các mối liên hệ trực tiếp, hiển nhiên và có thể chứng minh giữa các văn bản, tức là giữa các trường hợp có sự dịch chuyển ít hay nhiều một văn bản này sang văn bản khác: “Chúng tôi đề nghị,- Jenny viết – chỉ nói về tính liên văn bản khi chúng ta có thể phát hiện trong văn bản này hay văn bản khác những yếu tố đã từng được tổ chức ngay từ trước khi nó xuất hiện”;

2. Nghiên cứu bình diện quan hệ của lí thuyết liên văn bản – đó là “tổng thể các quan hệ với những văn bản khác được tìm thấy bên trong văn bản” (vấn đề văn bản trong văn bản);

3. Đưa chiều kích sáng tạo, “chuyển đổi” liên văn bản lên bình diện thứ nhất: mệnh đề “tổng hoà các quan hệ với những văn bản khác” trong trường hợp này sẽ không có nghĩa là sự cộng gộp hay đặt cạnh nhau một cách cơ học, mà là sự xử lí, tinh chế tích cực: tác phẩm-liên văn bản sẽ kéo toàn bộ tập hợp các văn bản được nó hấp thụ vào một đầu mối ý nghĩa thống nhất – làm như thế để, một mặt, chúng không triệt tiêu lẫn nhau, mặt khác, để tác phẩm như một chỉnh thể cấu trúc không bị rã ra: “Liên văn bản không phải là sự tích tụ những tác động khác nhau một cách hỗn loạn và vô nghĩa lí, mà là hoạt động biến đổi và đồng hoá vô số văn bản do văn bản – hạt nhân trung tâm – loại văn bản luôn giành về phía mình vai trò leadership[75] ngữ nghĩa – thực hiện”[76].

Tất nhiên, với sự thu hẹp bản thân đối tượng của lí thuyết liên văn bản như thế, lí thuyết liên văn bản sẽ đánh mất qui mô ngữ nghĩa và cơ sở triết học sâu xa từng có ở Kristeva và Barthes, nhưng thay vào đó, nó sẽ tìm thấy ngay dưới chân mình nền đất vững chắc của những chứng cớ xác thực.

Tuy nhiên, ở đây lại xuất hiện một vấn đề khác – vấn đề phân định ranh giới giữa lí thuyết liên văn bản và một loại lí thuyết cũ (rất đáng kể) miêu tả lịch sử văn học qua các thuật ngữ “truyền thống”, “cách tân” (“sự độc đáo” của cá nhân, ở phía này, và “ảnh hưởng”, “vay mượn”, ở phía khác), gọi là lí thuyết nguồn cội (nguồn gốc học).

Với cách tiếp cận như vậy, nhiệm vụ chính của nhà lịch sử văn học sẽ là, thứ nhất, phát hiện (theo khả năng) tất cả các văn bản có ảnh hưởng tới một tác phẩm nào đó của một tác giả nào đó, bằng cách ấy, thứ hai, “lí thuyết nguồn cội” sẽ xác lập mối quan hệ nhân – quả giữa những tác phẩm có trước và những tác phẩm xuất hiện sau – phát hiện căn nguyên cá nhân của văn bản, nguồn gốc của nó từ một văn bản khác ra đời sớm hơn, thứ ba, nó dứt khoát phải chú ý tới kí ức cá nhân,  ít nhiều có ý thức của nhà văn (Nhà văn đã đọc gì? Tủ sách của anh ta quy mô thế nào? Sở thích văn học của nhà văn ấy ra sao? v.v…[77]) và, cuối cùng, thứ tư, nó yêu cầu phải làm thế nào để cái nguồn gốc cần tìm kiếm phải cụ thể và ổn định, sao cho có thể nhận ra nó ở mức độ chắc chắn và chính xác cao.

Căn cứ vào những điểm như thế, lí thuyết liên văn bản về cơ bản khác với “lí thuyết nguồn cội”.

1. Khái niệm liên văn bản “nằm ngoài” cặp đối lập truyền thống/cách tânảnh hưởng/độc đáo v.v…: “Mọi sự tìm kiếm “nguồn gốc” và “ảnh hưởng” phù hợp với huyền thoại về dòng dõi, huyết thống của các tác phẩm, còn văn bản lại được hình thành từ những đoạn trích vô danh, khó nắm bắt và đồng thời đã được đọc[78]. Nói cách khác, dừng lại ở việc theo dõi con đường từ nguồn gốc đến tác phẩm, khoa nguồn gốc học gạt khỏi tầm nhìn của mình không chỉ quan hệ đối thoại  giữa bản thân các văn bản, mà còn cả các quan hệ đối thoại giữa các văn bản và các diễn ngôn xã hội (mối quan hệ vượt xa ra ngoài khuôn khổ của những “ảnh hưởng” thông thường và tồn tại bên trên các rào cản biên niên).

2. Theo đó, tính liên văn bản bao trùm một phạm vi rộng hơn so với quan hệ nguyên nhân – di truyền giữa các tác phẩm.

3. Lĩnh vực này không thuộc về kí ức cá nhân tác giả, mà thuộc về kí ức tập thể của văn học.

4. Với lí thuyết về tính liên văn bản, bản thân liên văn bản không phải là tập hợp những đoạn trích “nhỏ”, những dẫn liệu, hồi ức hỗn độn, mơ hồ, mà là không gian hội tụ của những trích dẫn đủ mọi kiểu. Đoạn trích, kết dán các đoạn trích… chỉ là trường hợp cá biệt của trích dẫn mà đối tượng của nó không phải là những lời, những câu, những đoạn riêng lẻ được vay mượn từ những văn bản khác, mà là bản thân các văn bản mà tổng thể của chúng sẽ tạo thành trường văn học.

Nhưng nếu điều đó đúng là như vậy, thì sẽ có khả năng xác định đối tượng của lí thuyết liên văn bản chính xác hơn. Tuy sử dụng phương pháp luận tối ưu, nhưng nguồn gốc học tuyệt nhiên không phải là một phương pháp luận độc lập nào đó; ở khía cạnh này, nó hoàn toàn lệ thuộc vào thứ phương pháp luận do lịch sử văn học sáng tạo ra, “lí luận nguồn gốc” chính là khoa lịch sử – văn học.

Ngược lại, học thuyết về tính liên văn bản có thể, đúng là, có tham vọng thực sự trở thành một môn khoa học lí thuyết đặc biệt – liên văn bản học (đặc biệt, nếu nhắc tới các định nghĩa mà các tác giả như L. Jenny và G. Genette đã đưa ra vào những năm 1970[79]), còn bản thân liên văn bản học, môn khoa học ngày càng thiên về việc phát hiện các quy luật phổ quát của sự tương tác liên văn bản, hoàn toàn có thể xem là bộ phận hợp thành của thi pháp học với đối tượng là những “quy luật chung của sự kiến tạo tác phẩm văn học”[80].

Từ góc độ ấy, có lẽ cần phải đọc cuốn sách của Nathalie Piégay-Gros, thiết nghĩ, đây là công trình nghiên cứu phân tích – tổng quan mang tính khái quát đầu tiên ở Pháp dành cho liên văn bản học như một phần của thi pháp học vừa xuất hiện ngay trước mắt chúng ta[81].

Trong cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm cho tới tận bây giờ về vị thế lí thuyết của tính liên văn bản,- cuộc tranh luận mà trong đó người ta đã tung ra nhiều quan điểm cực đoan, thậm chí quá đáng  nhất, Nathalie Piégay-Gros giữ lập trường trung dung, cơ sở vững chắc của lập trường này là sự thật hiển nhiên: không gian văn hoá – đó là địa điểm tương tác và định hướng lẫn nhau của các văn bản, trong đó bất kì văn bản nào cũng sẽ được đọc như là sản phẩm hấp thụ và chuyển đổi của vô số văn bản khác. Tư tưởng cốt lõi đem lại sự sắc sảo đầy hấp dẫn và sức cuốn hút cho toàn bộ sự trình bày của cuốn sách là câu hỏi được cất lên thế này: rốt cuộc, liên văn bản là cái gì? Nó là “sản phẩm của lối viết” (tức là ý hướng của tác giả, cố tình hay vô tình) hay là “hiệu quả của sự đọc” tuỳ thuộc vào năng lực của mỗi chúng ta trong việc nối kết các cấp độ ngữ nghĩa khác nhau tạo thành không gian văn hoá?

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Г.К Косиков.- Текст/Интетекст/Интетекстология//Н. Пьеге-Гро.- Введение в теорию интетекстуальности/Общ. Ред. и вступ. Ст. ГК Косикова пер. с фр. Г.К.  Косикова,  Б.Н. Нарумова, В. Ю. Лукасик.- М.: Изд. ЛКИ, 2008, с 8-42.


[1] Xem: J. Kristeva. – Bakhtine, le mot, le dualogue et le roman // Critique, № 239, avril 1967.

[2] J. Kristeva.- Une poétique ruinéee // Bakhtine M. La poétique de Dostoïevski. – P.: Seuil, 1970.

[3] J. Kristeva.- Semeiotikē. Recherches pour une sémanalyse. – P.: Seul, 1969.

[4] J. Kristeva.- Le texte du roman. – La Haye, Mouton, 1970.

[5] Xin xem: Ph. Sollers.- Ecriture et révolution // Théorie d’ensemble. – P.: Seuil, 1968.

[6] R. Barthes.– S/Z. – P. : Seuil, 1970.

[7] R. Barthes.- De l’oeuvre au texte // Revue d’esthétique, 1971, # 3.

[8] R. Barthes.- Texte (théorie du) // Encyclopædia Universalis, 1973.

[9] R. Barthes.- Le Plaisir du texte. – P.: Seuil, 1973.

[10] Vào nửa sau của những năm 60 ở thế kỉ trước, Kristeva mới chỉ tiếp xúc với bốn công trình của Bakhtin: 1. M.M. Bakhtin.- Những vấn đề thi pháp Dostoevski, M., “Nhà văn Xô viết”, 1963; 2. M.M. Bakhtin.- Sáng tác của François Rabelais và nền văn hoá dân gian trung cổ và Phục hưng, M., “Văn học nghệ thuật”, 1965; 3. V.N. Volosinov (Bakhtin M.M.).- Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. Những vấn đề cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ, L., “Priboi”, 1929); 4. P.N. Medvedev (M.M. Bakhtin).- Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Dẫn luận phê bình thi pháp xã hội học.- L., “Priboi”, 1928.

[11] Các trích dẫn rút từ cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoevski đều được lấy từ xuất bản phẩm: M.M. Bakhtin.- Những vấn đề thi pháp Dostoevski// M.M. Bakhtin.- Tuyển tập, bộ 7 tập, T.6, M., 2002. Số trang để trong ngoặc đơn.

[12] M. Bakhtin thường sử dụng kết hợp từ này một cách linh động, chẳng hạn, trong hàng loạt trường hợp, ông phân biệt rạch ròi “đối thoại” và “phức điệu”, nhưng ở một loạt trường hợp khác, ông lại xem đó như những phạm trù đồng nghĩa.

[13] “Trong con người bao giờ cũng có một cái gì đó, cái mà bản thân nó chỉ có thể bộc lộ trong hành vi tự nhận thức và lời nói toàn tự do, cái không cho phép xác định nó theo kiểu ngoại hình hoá từ phía bên ngoài” (tr. 69).

[14] “Lời thực tế của “người khác” cũng bị cuốn vào vòng vận động perpetuum mobile như tất cả những lời thoại của người khác được đoán trước. Nhân vật đòi hỏi một cách độc đoán ở lời nói ấy sự thừa nhận tuyệt đối và sự khẳng định bản thân, nhưng đồng thời nó không chấp nhận sự thừa nhận và khẳng định ấy, bởi vì ở đó, nó là phương diện yếu ớt, thụ động: dễ hiểu, được tiếp nhận và bị bỏ qua. Niềm kiêu hãnh của nó không thể chấp nhận điều đó” (tlđd, tr. 282).

[15] “Chân lí về thế giới, theo Dostoevski, không tách rời của cá nhân”.- Tlđd,  tr. 89.

[16] Xem: “<…> Không có các phạm trù nhân quả và nguồn gốc trong tư duy của Dostoevski”.- Tlđd, tr. 38.

[17] “Từ đó nảy sinh cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ của các sắc thái trong từng khu vực ngữ nghĩa của tồn tại. Trong thành phần nghĩa, không hề có những gì đứng bên trên sự hình thành, những gì độc lập với sự mở rộng biện chứng nhãn quan xã hội. Xã hội đang hình thành mở rộng sự tiếp nhận của mình đối với tồn tại đang hình thành. Trong quá trình ấy, không có gì ổn định tuyệt đối’.- V.N. Volosinov (M.M. Bakhtin) Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. Những vấn đề cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ.- L.: “Priboi”, 1929. Tr. 108.

[18] Đọc thêm: “Gần như không xẩy ra bất kì sự hình thành các quan điểm mới, hay tư tưởng nào dưới ảnh hưởng của chất liệu mới. Mọi chuyện chỉ tập trung vào việc lựa chọn, việc giải quyết vấn đề – “tôi là ai?”, “tôi với ai?”. Tìm thấy giọng nói của mình và định hướng cho nó giữa các giọng nói khác, kết hợp nó với các giọng này, đối lập nó với các giọng khác, hoặc chia tách giọng của mình với giọng của người khác mà nó hoà lẫn vào đó – nhiệm vụ mà các nhân vật phải giải quyết trong suốt cuốn tiểu thuyết là như thế”.- M.M. Bakhtin.- Những vấn đề thi pháp Dostoevski, tr. 267.

[19] “Phạm trù cơ bản của cái nhìn nghệ thuật ở Dostoevski không phải là sự hình thành, mà là sự song tồn và tương tác. Ông nhìn thấy và suy ngẫm thế giới của mình theo ưu thế trong không gian, chứ không phải trong thời gian, và nếu, ví như, Goethe, người hoàn toàn nghiêng về “trật tự đang hình thành”, muốn cảm nhận tất cả xung đột hiện có như “những giai đoạn khác nhau của một sự phát triển thống nhất nào đó, muốn nhìn thấy dấu vết của quá khứ, đỉnh cao của thời đại hay khuynh hướng của tương lai trong mỗi hiện tượng của cái hiện thời”, thì đối lập với Goethe, Dostoevski lại muốn cảm nhận những giai đoạn ấy trong tính cùng thời của chúng, so sánh, đối lập chúng một cách đầy kịch tính, chứ không định kéo dài chúng trong “trật tự đang hình thành”.- Tlđd, tr.36.

[20] Trò chuyện với Julia Kristeva// “Đối thoại. Carnaval. Chronotop”, 1995, số 2, tr. 7.

[21] M.M. Bakhtin có thái độ hết sức thận trọng với cái vô thức. Năm 1961, ông nhận xét: “Dostoevski đã đưa cái nhìn thẩm mĩ vào sâu bên trong, vào những tầng vỉa sâu xa mới, nhưng không phải vào tầng sâu của vô thức, mà vào chỗ cao – sâu của ý thức. Các chiều sâu của ý thức đồng thời cũng là những đỉnh cao của nó <…>  Ý thức lớn tuổi hơn rất nhiều so với tất cả các phức hợp vô thức”.- M.M. Bakhtin.- Tuyển tập. T.5, M., 1996, tr. 345-346.

[22] Trò chuyện với Julia Kristeva, tr. 6.

[23] J. Kristeva.- Lời, đối thoại và tiểu thuyết// J. Kristeva.- Tác phẩm chọn lọc: Một nền thi pháp học sụp đổ. M., 2004, tr. 167.

[24] “<…>  Tư tưởng mang tính liên cá nhân và liên chủ thể, phạm vi tồn tại của nó không phải là ý thức cá nhân, mà là giao tiếp đối thoại giữa các ý thức. Tư tưởng đó là sự kiện sống động nổi lên ở điểm gặp gỡ đối thoại giữa hai hoặc một số ý thức”.- M.M.Bakhtin.- Những vấn đề thi pháp Dostoevski//M.M. Bakhtin.- Tuyển tập. T.6, tr. 99.

[25] J. Кristeva.- Lời, đối thoại và tiểu thuyết// J. Kristeva.- Tác phẩm chọn lọc. Tr. 167.

[26]Tlđd, tr. 180, 186.

[27] Kristeva.- Một nền thi pháp học sụp đổ// Kí hiệu học Pháp: Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc luận. M., “Tiến bộ”, 2000, tr. 472.

[28] Xem cách V.S. Soloviev phân tích ví dụ này: V.S. Soloviev.- Tư tưởng của nhân loại ở Auguste Comte// V.S. Soloviev.- Tác phẩm, bộ 2 tập. T. 2, – М., 1990, tr. 568-569.

[29] S.L. Frank.- Tác phẩm. M., 1990, tr. 228.

[30] “Tinh thần thống nhất, đang hình thành biện chứng được hiểu theo kiểu Hegel không thể sinh ra cái gì, ngoài độc thoại triết học. Tính đa bội của những ý thứ khác biệt chỉ có thể đơm hoa kết trái ít nhất trên mảnh đất của chủ nghĩa duy tâm nhất nguyên”.- M.M. Bakhtin.- Những vấn đề thi pháp Dostoevski// M.M. Bakhtin.- Tuyển tập. T. 6. Tr.34.

[31] J. Derrida.- Lập trường.- Kiev, 1996, tr. 17

[32] Tlđd., Tr. 17 – 18.

[33] F. Saussure.- Những công trình nghiên cứu ngôn ngữ học. M., “Tiến bộ”, 1977, tr. 148.

[34] V.N. Volosinov.- Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. Tr. 81.

[35] Như trên, tr. 103.

[36] J. Derrida.- La différance// Théorie d’ensemble.- P.: Seuil, 1968, p. 51.

[37] J. Derrida.- Lập trường.- Kiev, 1996, tr. 98.

[38] J. Derrida.- De la grammatologie.- P.: minuit, 1967,p. 321.

[39] J. Derrida.- L’ẻciture et la différence.- P.: Seuil, 1967, p. 42.

[40] Xin so sánh với cặp đối lập của M.M. Bakhtin: hoặc là sự “hài hoà vĩnh hằng của những giọng nói không thể trộn lẫn”, hoặc là “cuộc tranh luận bất tận và vô vọng của chúng” (M.M. Bakhtin. – Những vấn đề thi pháp Dostoevski//M.M. Bakhtin. – Tuyển tập, T. 6, tr. 39).

[41] J.-F. Lyotard.- Trả lời câu hỏi: hậu hiện đại là gì?// Ad Marginem, 93.- M,: Ad Marginem, 1994, tr. 323.

[42] R. Barthes.- S/Z.- M.: Ad Marginem, 1994, tr. 14-15.

[43] G. Deleuze, G. Guattari.- Rhizom.- P.: Minuit, 1976.

[44] Trong tiểu luận Khoái cảm từ văn bản của R. Barthes có một hình ảnh truyền cảm về sự tiếp cận có khả năng tạo ra hiệu quả khiêu dâm như thế: “Thực ra, kĩ thuật viên điện ảnh chỉ cần ghi lại lời nói của con người từ cự li rất gần, cho phép cảm nhận được hơi thở, vết rạn chân chim, những chỗ mấp mô mềm mại trên bờ môi con người, bản thân sự hiện hữu của gương mặt trong toàn bộ tính vật chất, nhục thể của nó (lối viết cũng như giọng nói cần phải mang tính trực tiếp, dịu dàng, ướt át, phủ đầy những mụn li ti giật giật giống như mõm động vật) cũng đủ  khiến cho cái được biểu đạt nhanh chóng mất hút ở đâu đó trong cõi xa xăm, nhưng, có thể nói, thanh âm phát ra từ toàn bộ cơ thể người nghệ sĩ vô danh vẫn dội vào tai tôi: có một cái gì đó run rẩy, nhức buốt, râm ran, vuốt ve, mơn trớn – một cái gì đó thật khoái lạc” (R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc: Kí hiệu học. Thi pháp học.- M., “Tiến bộ”, 1989, tr. 518).

[45] Theo cách hiểu Văn bản như thế, rõ ràng là cần phải phân biệt với cả cách hiểu thông thường (“một lời nói bất kì được ghi lại”.- Từ điển tiếng Nga của S.I. Ozegov), lẫn cách hiểu của giới ngôn ngữ – kí hiệu học (“văn bản là trình tự các đơn vị kí hiệu” có hai thuộc tính cơ bản: “tính mạch lạc” và “tính chỉnh thể”.- Từ điển bách khoa ngôn ngữ. M.: “Bách khoa xô viết”, 1990, tr. 507.  Xem thêm: “Văn bản là trình tự lời nói khẩu ngữ hoặc văn viết tạo thành một đơn vị giao tiếp”.- O. Ducrot, J.-M. Schaeffer.- Dictionnaire encyclopédique des sciences du langage. – P. : Seuil, 1995, p. 494.

[46] Lí thuyết Văn bản tương ứng với những khái niệm được M.M. Bakhtin đưa ra vào những năm 1960 như sau: “mạng lưới văn bản” không ngừng lớn lên, mỗi khâu của nó là một phát ngôn cụ thể; “ngữ cảnh đối thoại” chưa hoàn kết và “thời đại lớn” của văn hoá. Xin đọc: “Thế giới văn hoá và văn học thực chất cũng vô thuỷ vô chung giống như vũ trụ. Chúng ta nói <…> về những chiều sâu ngữ nghĩa mà chúng cũng vô đáy giống như chiều sâu của vật chất”, nơi “từng lời (từng kí hiệu) của văn bản vượt ra ngoài giới hạn của nó”, bởi vậy “chỉ ở điểm tiếp xúc của các văn bản mới loé lên ánh sáng chiếu rọi cả phía sau lẫn phía trước”, không cho phép đụng vào cái “đáy” ngữ nghĩa, đặt ra “điểm chết”. “Không thể có nghĩa duy nhất (đơn nhất). Cho nên, không thể có nghĩa đầu tiên và nghĩa cuối cùng, nó bao giờ cũng nằm giữa các nghĩa, là một khâu trong mạng lưới ngữ nghĩa mà chỉ mình nó trong chỉnh thể của mình mới có thể trở thành hiện thực. Trong đời sống lịch sử, mạng lưới đó phát triển đến vô tận, và vì thế, từng khâu riêng lẻ của nó lại không ngừng tiếp tục đổi mới tựa như được tái sinh”.- M.M. Bakhtin.- Tuyển tập,T.6, tr. 399, 423, 424, 410.

[47] S.S. Averinsev.- Hai lần sinh hạ của chủ nghĩa duy lí châu Âu// S.S. Averinsev.- Tu từ học và cá nguồn gốc truyền thống văn học châu Âu.– M.: Các ngôn ngữ văn hoá Nga, 1996, tr. 329-332.

[48] Xin đọc: “Không có lời đầu tiên, không có lời cuối cùng và không có ranh giới của ngữ cảnh đối thoại (chúng đã đi về phía quá khứ vô hạn và về tương lai vô cùng). Thậm chí cả những ý nghĩa thuộc về quá khứ, tức là chúng được sinh ra trong cuộc đối thoại ở những thế kỉ đã qua, cũng không thể ổn định (không thể nhất thành bất biến, hoàn kết, xong xuôi) – chúng bao giờ cũng sẽ thay đổi (đổi mới) trong tiến trình phát triển của cuộc đối thoại tiếp theo, trong tương lai. Ở thời điểm phát triển nào của đối thoại cũng tồn tại một khối lượng vô hạn những nghĩa bị bỏ quên, nhưng ở các thời điểm đối thoại cụ thể tiếp sau đó, trên đường đi của nó, chúng sẽ được nhớ lại và hồi sinh trong một dạng mới (ngữ cảnh mới). Chẳng có gì chết tuyệt đối: mỗi ý nghĩa đề có ngày hội phục sinh của mình”.- M.M. Bakhtin.- Tuyển tập, T. 6, tr. 434-435.

[49] S.S. Averinsev.- Tlđd., tr. 329.

[50] Về khái niệm “tác phẩm”, xin xem: J. Derrida.- Lực và nghĩa// J. Derrida.- Lối viết và sự khác biệt.- Spb., 2000; R. Barthes.- Từ tác phẩm đến văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc: Kí hiệu học. Thi pháp học.- M.: Tiến bộ, 1989.

[51] Cặp đối lập này chí ít có nguồn cội từ Anaximandre. Trong các công trình của Anaximandre, “vật chất” là cái “vô giới hạn” (apeiron), có một bản thể xuất phát, “chất khởi nguyên”, một “hỗn hợp” (migma) phong phú và bất tận, một lực lượng sản xuất sẽ dẫn tới sự xuất hiện (sau đó sẽ biến mất trong lòng cái “vô giới hạn) vạn vật cụ thể. Tương tự như thế, ở Platon, hoàn cảnh khởi nguyên – “khora” – hoạt động như là “nguyên nhân hỗn loạn” của vạn vật. “Khora” như vốn dĩ  – “vô hình thù” và “bao chứa vô lượng” – là một “bộ mặt thiên hình vạn trạng” (nếu “những tiềm năng của nó không tương tự như nhau, không quân bình với nhau và bản thân nó trong từng bộ phận của mình không thăng bằng với nhau”, thì những tiềm năng ấy sẽ làm nó lung lay và rung chuyển và rồi chính nó cũng sẽ chao đảo do sự vận động của mình”). Platon so sánh “khora”, “bà đỡ của mọi sự sinh hạ”, với kim loại nóng chảy mà người ta có thể đúc thành những hình thù khác nhau (Platon.- Timaios, 48a – 53b).

[52] R. Barthes.- Texte (théorie du)// R. Barthes.-  Œuvres complètes. T. II.- P.: Seuil, 1994, tr. 1683.

[53] R. Barthes.- Từ tác phẩm đến văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc: Kí hiệu học. Thi pháp học, tr. 415.

[54] R. Barthes.- Texte (théorie du) tr. 1685.

[55] R. Barthes.- Khoái cảm văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 490.

[56] Như trên.- tr. 484, 473.

[57] R. Barthes.- Bài giảng// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 556.

[58] R. Barthes.- Khoái cảm văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 473; 466-467.

[59] Như trên, tr. 487, 463.

[60] Tiếng Pháp: “Langage encratique”. Theo R. Barthes, trong tương quan với quyền lực, ngôn ngữ chỉ có hai phương án lựa chọn: hoặc là hùa theo nó, hợp tác với nó, hoặc là chống lại nó, cự tuyệt nó, không thể có thứ ngôn ngữ trung tính. Barthes gọi loại thứ nhất, loại hùa theo quyền lực “langage encratique”, loại thứ hai, chống lại quyền lực là “langage acratique”.- ND.

[61] R. Barthes.- Khoái cảm văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 595.

[62] Như trên, tr. 494.

[63] Barthes viết rằng, bộ tuyển tập như thế hết sức đơn giản và thực chất được tạo nên từ bảy-tám cuốn “sách giáo khoa” ảo mà một học sinh giỏi bao giờ cũng nắm chắc nếu được tiếp thu hệ thống giáo dục tư bản mẫu mực: “Lịch sử Văn học (Byron, Nghìn lẻ một đêm, Ann Radcliffe, Homer) Lịch sử Nghệ thuật (Michelangelo, Raphael, kì quan Hy Lạp), giáo khoa Lịch sử (thời đại Louis thế kỉ XV), giáo trình Y học Thực hành giản yếu (bệnh tật, sức khoẻ, tuổi già), luận văn Tâm lí học (tâm lí học tình yêu, tâm lí học đạo đức), kí sự Phong tục (trong phiên bản tiếng La Tinh, tức là phiên bản theo đạo đức Kitô, hoặc chủ nghĩa khắc kỉ), hướng dẫn Lôgic học (lôgic tam đoạn luận) và Tu từ học cùng bộ sưu tập tục ngữ, thành ngữ về sự sống, cái chết, tình yêu, đau khổ, đàn bà, lứa tuổi v.v…” .- R. Barthes.- S/Z.- M.: ad Marginem, 1994, tr. 226-227.

[64] R. Barthes.- S/Z., tr. 227.

[65] Như trên, tr. 32-33.

[66] R. Barthes.- Khoái cảm văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 491.

[67]Như trên, tr. 490-491.

[68] “Ngữ cảnh. Mã. Ngữ cảnh tiềm tàng tính không hoàn kết: Mã cần phải hoàn kết. <…> Mã <-> là ngữ cảnh thu hẹp, được xác lập một cách cố ý”.- M.M. Bakhtin.- Tuyển tập, T.6, tr. 431.

[69] Xin xem bài phân tích truyện ngắn của Borges: R. Lakhman.- Kí ức và sự tổn thất của thế giới// Nghiên cứu văn học Đức hiện nay.- Spb. Tổng hợp Peterburg, 2001.

[70] R. Barthes.- Từ tác phẩm đến văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 418.

[71] R. Barthes.- Từ tác phẩm đến văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 418.

[72] R. Barthes.- Khoái cảm văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 489.

[73] J. Kristeva.- Problèmes de la structuration du texte // Théorie d’ensemble. – P.: Seuil, 1968 , p. 311.

[74] Xem: J. Kristeva.- Văn bản tiểu thuyết// J. Kristeva.- Tác phẩm chọn lọc: Một nền thi pháp học sụp đổ.- M., 2004.

[75] Tiếng Anh: “chỉ huy”, “lãnh đạo”.- ND.

[76] L. Jenny.- La stratégie de la forme// Poétique, 1976, № 27, p. 262-267.

[77] G. Lanson.- Phương pháp trong lịch sử văn học.- M., 1911.

[78] R. Barthes.- Từ tác phẩm đến văn bản// R. Barthes.- Tác phẩm chọn lọc, tr. 418.

[79] Xem: G. Genette.- La litérature au second degré.- P.: Gallimard, 1982

[80] B.V. Tomasevski.- Lí luận văn học. Thi pháp học.- M., 1996, tr. 25.

[81] Tức là cuốn: Nathalie Piégay- Gros.- Introduction à l’intertextualite.- Paris, 1996 (Н. Пьеге-Гро. Введение в теорию интертекстуальности, do G.K. Kosikov, V.Iu. Lucasik và B.P. Narumov dịch ra tiếng Nga, M., 2008).- ND.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

LỊCH SỬ HỘI HOẠ:HÌNH ẢNH CỦA TỰ DO VÀ CÁI GIỐNG VỚI TỰ DO

Maxim Kantor

Trần Đình Sử dịch

Làm sao giải thích được một sự thật rằng, trong thế kỷ của chúng ta, khi tự do đã trở thành tôn giáo của con người thì hình ảnh con người đã trở nên méo mó, không hài hoà và mất đi nét nhân tính?
Chúng ta để lại album ảnh cho con cháu với hy vọng hình ảnh của chúng ta sẽ có ý nghĩa cho thế hệ mai sau. Trong lịch sử thế giới, vai trò của một cuốn album ảnh gia đình như vậy được thể hiện bởi nghệ thuật mỹ thuật. Ngay cả khi không có bằng chứng nào khác, chỉ có những bức chân dung và tác phẩm điêu khắc, thì chỉ cần nhìn lướt qua các tác phẩm của thế kỷ trước cũng đủ để nói: thế giới đã rơi vào tình trạng suy tàn, và con người cũng đang sa đọa.
Từ những tác phẩm điêu khắc của Donatello, từ những bức tranh của Bellini, chúng ta biết được con người thời Phục hưng Ý là người như thế nào, anh ta di chuyển như thế nào, mỉm cười ra sao; anh ấy là một người cực kỳ thú vị. Dựa trên những bức tranh của Goya, người ta có thể biên soạn một bộ bách khoa toàn thư về các nhân vật của Tây Ban Nha những năm đó - có nhiều loại khác nhau, nhưng đây là thời đại của những con người đam mê và xinh đẹp. Từ phim hoạt hình của Daumier, chúng ta biết đến sự xuất hiện của một người Paris trong thời đại các cuộc cách mạng tư sản - người nghệ sĩ đã cười nhạo những trò hề của những kẻ phàm tục, nhưng ông cũng vẽ một bức chân dung chân thực về giai cấp thứ ba.
Các bậc thầy của các thế kỷ trước - Durer, Leonardo, Lebrun, Hogarth - coi sứ mệnh của họ là để lại bằng chứng về con người của thời đại họ: họ dành các chuyên luận để nghiên cứu tỷ lệ khuôn mặt và xác định các kiểu cá nhân. Và chúng ta có thể tái hiện lại diện mạo của con người các thế kỷ trước dựa trên bằng chứng của các nghệ sĩ.
Nếu bạn tưởng tượng một hậu duệ xem qua một cuốn album chân dung gia đình của nhân loại, hậu duệ đó ​​sẽ há hốc mồm khi bước đến cuối thế kỷ XX.
Thật khó để tin rằng con người ở thế kỷ 20 lại có một vết thâm thay vì khuôn mặt, một chiếc mũi mọc ra từ tai và không có mắt. À, tất nhiên, người ta thường chấp nhận rằng việc bóp méo được thực hiện để truyền tải kịch tính. Nếu đúng như vậy thì sự biến dạng sẽ phản ánh đỉnh điểm của bi kịch: chẳng hạn, vào lúc tuyệt vọng, nhân vật của Malevich có một vết nhơ thay vì khuôn mặt, và trong những khoảnh khắc bình yên, những nét hài hòa xuất hiện.
Nhưng không, mãi mãi một vết đốm thay vì một khuôn mặt - vết đốm không phải là đối trọng, vết đốm là một hằng số thẩm mỹ. Sự biến dạng không nắm bắt được sự thanh lọc; ngược lại, sự biến dạng bây giờ là sự hài hòa. Nếu vào đầu thế kỷ, hình ảnh giống người mẫu thì vào một phần ba thế kỷ cuối, việc bóp méo hình ảnh con người đã trở thành chuyện bình thường. Bất cứ ai không bóp méo các đặc điểm của một người (hoặc không xóa chúng đi) đều không được coi là nghệ sĩ hiện đại; Họ cho rằng ông bị quyến rũ bởi nét thẩm mỹ lỗi thời và chưa tìm được con đường đi vào thời hiện đại.
Và quả thực, những người đổi mới đã phá hủy hình ảnh thông thường: giai cấp tư sản của mọi thời đại thích những bức chân dung bóng bẩy, nịnh nọt - và những người theo chủ nghĩa Lập thể, Biểu hiện và Siêu thực đã bóp méo diện mạo của con người.
Khi Picasso được hỏi tại sao lại bóp méo các nét trên khuôn mặt, họa sĩ trả lời (ám chỉ những khách hàng tư sản): “Tôi làm họ sợ!” Nhưng chúng ta đang nói về một điều khác, không phải về việc nghệ sĩ gây sốc cho giai cấp tư sản hào nhoáng, hủy hoại vẻ ngoài của họ (Lautrec, Picasso, Grosse và Dix đã làm điều này), mà là về việc vẻ bề ngoài đã biến mất hoàn toàn. Bạn có thể bóp méo, tức là sửa đổi, một đối tượng tồn tại, nhưng bạn không thể thay đổi thứ gì đó không tồn tại về nguyên tắc.
Để hiểu sinh vật đó là nhân mã, sự kết hợp giữa người và ngựa, người ta phải có ý tưởng về người và ngựa; nhưng nếu không có ý tưởng như vậy thì nhân mã là không thể. Protagoras nói: Con người là thước đo của vạn vật; nhưng nếu không có người thì sao?
Trong những gì đã nói, người ta có thể thấy sự tố cáo tính hiện đại, nhưng không có sự tố cáo. Các tác phẩm nghệ thuật hiện đại đều gây sốc, tuy nhiên, cú sốc này mang tính chất khác, không phải cú sốc mà người xem trải qua khi chiêm ngưỡng những hình ảnh có nét giống mình.
Nhưng bây giờ không có đặc điểm nào có thể nhận biết được. Chà, có lạ không: chúng ta đã trở nên tốt hơn, tự do hơn, khỏe mạnh hơn, chúng ta sống lâu hơn, nhưng khuôn mặt của chúng ta đã biến mất ở đâu đó. Không cần nhắc đến nhiếp ảnh (người ta nói nhiếp ảnh đã thay thế mỹ thuật), đây là những hoạt động khác nhau cơ bản: nhiếp ảnh để lại hình ảnh máy móc, còn mỹ thuật tạo ra hình ảnh dựa trên khuôn mặt con người.
Một hình ảnh trong nghệ thuật không giống một con người theo nghĩa đen, nó không phải là một bản sao; hình ảnh được tạo ra theo tiêu chuẩn về hình dáng con người và Thần thánh, và sau đó chúng dừng lại.
Hãy coi đây là một câu hỏi ngây thơ của một hậu duệ khôi phục lại phả hệ của gia đình: tại sao một người lại bị mất mặt ở thế kỷ 20? Có lẽ những thử thách đã làm méo mó diện mạo của con người trong thế kỷ XX, nhưng liệu những thử thách đó có đặc biệt so với bệnh dịch và Chiến tranh Trăm Năm? Trong trận dịch hạch, một phần ba dân số châu Âu đã chết, nhưng nỗi kinh hoàng không ảnh hưởng đến việc con người được vẽ đẹp như vậy.
 
Nhưng cách đây 50 năm, hình ảnh con người phương Tây đã bị bóp méo đến mức không thể sửa chữa được. Nếu chúng ta nhớ rằng con người được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, người ta sẽ cảm thấy khó chịu – khuôn mặt của Đấng Tạo Hóa bị biến dạng. Các nghệ sĩ để lại những bức chân dung như một ký ức của con người, nhưng qua những bức chân dung, nghệ thuật của các nước có nền văn hóa Thiên chúa giáo nói về Đấng Tạo Hóa, Đấng đã thổi sức sống vào những hình ảnh; người xem luôn nhớ rằng các nhân vật của tác phẩm giống Chúa.
Bạn sẽ làm gì với thực tế là các hình ảnh điêu khắc của Henry Moore thường thiếu chân tay và các hình thức tổng quát của Arp nhìn chung không có các đặc điểm nhân hình? Chúng ta không nói về những biến dạng của Michelangelo, không phải về những tỷ lệ bị bóp méo của El Greco, mà về tính dẻo dai kiêu kỳ của Cosimo Tura, về những gì được miêu tả như thể đó là một loại sinh vật khác, không phải là những người đồng tính. Làm thế nào để giải thích tại sao các tác phẩm điêu khắc của Giacometti thực tế không có cơ thể?
Những tác phẩm sắp đặt của Beuys, những hình vuông bằng gang của Carl Andre, những khối sắt của Richard Serra có ý nghĩa gì? Đó không phải là một con người được miêu tả mà là thế giới nội tâm của anh ta? Nhưng chúng ta biết từ triết học phương Tây rằng cơ thể là hình ảnh phản chiếu của tâm hồn.
Phải chăng Thiên Chúa của Kitô giáo ngày nay đã bóp méo những nét nhân tính của mình và trở nên giống biểu tượng của các bộ lạc nguyên thủy? Và nếu chúng ta bỏ qua cuộc thảo luận về Chúa, thì câu hỏi vẫn là về lịch sử xã hội của chúng ta, điều mà chúng ta muốn ghi nhớ. Bằng cách bóp méo diện mạo của con người, các nghệ sĩ đã đảo ngược quá trình tiến hóa xã hội.
Nghệ thuật, cùng với những thứ khác, đã phản ánh một cách tỉ mỉ những thay đổi của xã hội, sự thay đổi địa vị của công dân trong xã hội.
Tượng David đứng ở Quảng trường Piazza della Signoria sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ như một đại diện cho nền cộng hòa và quyền công dân. Tư thế thẳng và tư thế đầu kiêu hãnh, ánh mắt cởi mở, vầng trán cao - đây là những đặc điểm mà tác phẩm điêu khắc đã lấy lại được từ chế độ nô lệ và bất bình đẳng. David không thừa nhận sự bất bình đẳng và vô trách nhiệm, anh ấy có trách nhiệm với xã hội và đây là một xã hội bình đẳng.
Có thể nói, hình ảnh con người trở nên thẳng thắn hơn theo từng thế kỷ - con người xuất hiện như một sinh vật ngày càng toàn diện và ngày càng ít phụ thuộc vào môi trường.
Chúng ta thấy những đám rước nô lệ giống như con kiến ​​chạy dọc theo bàn chân của vị pharaoh uy nghi và xinh đẹp, nhưng một ngày nọ, hình dáng của những nô lệ trở nên to lớn hơn và những nô lệ phát triển các đặc điểm trên khuôn mặt. Nếu bạn so sánh những nô lệ kiêu hãnh của Michelangelo và những nô lệ không thể phân biệt được trong lăng mộ của các pharaoh, bạn sẽ thấy ý tưởng về giá trị sự tồn tại của con người đã thay đổi như thế nào. Chúng ta biết vị vua vĩ đại, nhân hậu của Mesopotamia, Hammurabi, nhưng khi so sánh vị vua này với tác phẩm điêu khắc Marcus Aurelius đứng trên Đồi Capitol, chúng ta thấy rằng ý tưởng về quyền lực và sứ mệnh của nó đã thay đổi.
Chúng ta biết rằng dần dần hình tượng điêu khắc về con người được tách ra khỏi mặt phẳng của bức tường, bức phù điêu biến thành tác phẩm điêu khắc hình tròn, con người có được vị thế độc lập và bình đẳng về tỷ lệ. Pharaoh và nhà vua không còn áp đảo những người phàm trần bằng quy mô của họ, và phẩm giá của con người bắt đầu thể hiện ở chỗ anh ta ngang bằng với quyền lực hiện có. Một người xem hiện đại, quen thuộc với tư thế thẳng thắn của các quan chấp chính La Mã và sự tồn tại hài hòa của các vận động viên và các vị thần Hy Lạp, có thể khôi phục lại bản chất luật lệ của xã hội đã để lại những tác phẩm điêu khắc này.
Vào thời Rodin, thế giới phương Tây đã vững chắc với ý tưởng về một nhân cách hài hòa đến mức không ai nhận ra sự phi lý trong “Người suy nghĩ” của Rodin - nói chung, để suy nghĩ, bạn không cần phải suy nghĩ. cởi quần ra, và tư thế của người suy nghĩ (gác cằm lên tay) không phù hợp với thân hình trần trụi, vạm vỡ, dành cho thể thao và thú vui tình yêu.
Rodin - đóng vai Michelangelo của xã hội tư sản - miêu tả sự kết hợp kỳ lạ giữa quyền công dân và chủ nghĩa khoái lạc cực đoan, các nữ thủy thần khỏa thân được cho là thể hiện sự thuần khiết của ý tưởng cộng hòa, và giới tư sản Paris nhận thấy sự kết hợp này là tự nhiên.
Sự nhại lại sự cộng sinh của Michelangelo giữa sự hài hòa cổ xưa và niềm đam mê trong Cựu Ước không làm người đương thời thích thú; trái lại, nó có vẻ tự nhiên.
Rõ ràng, các tác phẩm điêu khắc của Rodin đã trở thành một loại đỉnh cao của nền văn minh phương Tây, đỉnh cao đạt được quyền tự do và thú vui dân sự, ý tưởng cuối cùng về sự hài hòa của nghệ thuật Cơ đốc giáo. Sau đó, quá trình đếm ngược bắt đầu, hình tượng trong nghệ thuật phương Tây bắt đầu mất đi nét tiêu biểu, bị tháo dỡ, mất đi ý nghĩa, sức hấp dẫn và tính cân xứng.
Quá trình phá hủy hình ảnh diễn ra nhanh chóng, thậm chí người ta có thể nói rằng hình ảnh đã bị loại bỏ, quay trở lại giai đoạn của một biểu tượng thông thường, một thần tượng phổ quát, một kouros ngoại giáo, mà nó đã xa rời bấy lâu nay.
Nếu chúng ta không tính đến các tác phẩm điêu khắc trong công viên (một quy chuẩn đã từng được thiết lập và không thay đổi kể từ thế kỷ 18, bất kể miêu tả một người phụ nữ với mái chèo hay một đại cử tri người Đức), thì tác phẩm điêu khắc và chân dung đã thay đổi hoàn toàn: một người không còn giống người nữa.
Và theo đó, ý tưởng về xã hội nơi sinh sống của những sinh vật kỳ lạ khó chịu này đã bị bóp méo.
Con cháu của chúng ta sẽ có ý tưởng gì về cấu trúc xã hội và cư dân của nó khi nhìn vào các tập hợp của Cesar? Con cháu của chúng ta học được gì về cấu trúc xã hội khi nhìn vào điện thoại di động của Calder? Một người trong tương lai sẽ nghĩ gì về các nguyên tắc đạo đức của chúng ta nếu đối tượng của Arman là hiện thân của họ? Hãy để tôi nhấn mạnh một lần nữa: không có lời buộc tội nào trong vấn đề này - chỉ có sự tò mò.
Những điều trên sẽ không đáng được xem xét (bạn không bao giờ biết nghệ thuật thay đổi như thế nào - nghệ thuật thở ở nơi nó muốn), nếu không xét đến khía cạnh triết học thiết yếu của vấn đề. Làm sao giải thích được sự thật rằng trong thế kỷ của chúng ta, khi “tự do” đã trở thành tôn giáo của con người thì hình ảnh con người đã trở nên xấu xí, bất hòa và mất đi nét nhân tính?
Đây là một câu hỏi cực kỳ đau đớn, vì chỉ có một câu trả lời duy nhất: nếu niềm tin vào Chúa buộc người ta phải tái tạo những nét hài hòa của Đấng Tạo Hóa, thì niềm tin vào tự do buộc người ta phải tái tạo những nét đặc trưng của tự do, và do đó, tự do là xấu xí. Tất nhiên, không ai muốn nghe một câu trả lời như vậy.
Trong cuộc đối thoại “The Symposium”, Plato chứng minh rằng Eros có những đặc điểm xấu xí vì anh ta tìm kiếm tình yêu và sự hòa hợp, và vì anh ta tìm kiếm chúng, nên bản thân anh ta không sở hữu chúng, và do đó, sự xuất hiện của vị thần tình yêu là xấu xí. Nếu chúng ta áp dụng lý luận này vào hiện tượng tự do, thì có thể lập luận rằng vì tự do tìm kiếm một sự phát triển hài hòa vẫn chưa được biết đến, nên do đó, bản thân tự do không sở hữu sự hài hòa này, và do đó, tự do không có một số đặc điểm và tính chất nhất định, nó không có khuôn mặt nào cả.
Lý do này có thể phù hợp với chúng ta, nhưng hãy thử nói điều này với những người sắp chết vì tự do, những người đã được gọi đến các chướng ngại vật ngày hôm nay. Sẽ vô cùng xúc phạm nếu hiến mạng sống của mình cho một thứ không có khuôn mặt, cho một thứ không tồn tại, cho một ảo ảnh.
Tất nhiên, chúng ta biết rằng các chính trị gia đang lừa dối chúng ta, nhưng nếu nói rằng quyền tự do mà chúng ta phải cống hiến cả cuộc đời mình là một trò ảo thuật có lẽ là quá đáng. Niềm đam mê tự do đã trở thành một loại tôn giáo, một giáo phái xã hội mới, nhưng không thể tin vào một điều chưa xảy ra. Nếu người ta giải thích cho quần chúng rằng họ nhiệt thành tin tưởng vào một điều gì đó chưa được thể hiện ra thì những người biểu tình sẽ khó chịu. Chúng tôi chắc chắn tin rằng tự do là điều được quy định cụ thể trong hiến pháp. Và do đó, không thể cho rằng tự do như một thực tế không tồn tại và mặt nó bị u ám.
Phải nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, các nghệ sĩ lại xác định tự do là mục tiêu sáng tạo của mình. Chỉ đến nửa sau thế kỷ XX mới nảy sinh khẳng định rằng nghệ thuật là bài học về tự do mà bậc thầy dạy cho người xem. Ngày nay quan điểm này được chấp nhận như một sự thật bất di bất dịch. Nhà thơ Brodsky đã viết rằng văn học (nên hiểu rộng hơn: tính sáng tạo nói chung) là “con gái của tự do”, và nhà khái niệm luận Kabkov đảm bảo rằng bài học duy nhất mà nghệ thuật mang lại là “bài học về tự do”. Và điều đó nghe có vẻ tuyệt vời. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, người ta đã cho rằng nguyên nhân của sự sáng tạo hoàn toàn không phải là tự do mà trái lại là một loại nghĩa vụ đạo đức.
Nghệ thuật ra đời nhằm tôn vinh Thiên Chúa, bày tỏ tình yêu hay lòng thương xót, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống, tôn vinh sự vĩ đại của quê hương hay sự vĩ đại của thiên nhiên. Tự do cá nhân chưa bao giờ không chỉ là mục tiêu của nghệ thuật mà thậm chí còn là sản phẩm phụ. Vị thế riêng biệt của Doryphorus hay David không tượng trưng cho sự tự do và độc đáo của người anh hùng này mà là việc trở thành công dân của xã hội, nguyên tắc lưng thẳng của một công dân, bảo vệ Tổ quốc.
Vincent Van Gogh sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng ông đã trở thành biểu tượng của một nghệ sĩ tự do, trước hết ông là một người chăm chỉ thề sẽ phục vụ nhân dân, tôn vinh mọi nông dân ở Nuenen, mọi thợ mỏ ở Borinage. Nghệ thuật không và chưa bao giờ có mục tiêu đặc biệt là tôn vinh tự do cá nhân, nhưng mục tiêu này đã được hình thành cách đây không lâu. Việc xây dựng đã trở thành một niềm đam mê và sự giải phóng khỏi sứ mệnh xã hội và các quy luật, nhưng chủ yếu là khỏi hình thức, khỏi các đặc điểm nhân hình.
Quyền tự do thoát khỏi dịch vụ công cộng (một triển vọng có vẻ hấp dẫn) chắc chắn phải loại bỏ nghệ thuật tạo hình khỏi nghệ thuật. Thực tế là tính dẻo là ý tưởng về một hình thức duy nhất hợp nhất các mảnh vỡ thành một tổng thể; tính dẻo có thể được ví như một ý tưởng xã hội, ý tưởng xây dựng nhà nước. Chủ thể và đối tượng sẽ tồn tại như vậy chỉ trong các mối quan hệ - trên thực tế, nguyên tắc “kiến thức là so sánh” của Nicholas of Cusa giải thích cho chúng ta theo cách tốt nhất có thể ý tưởng dẻo là gì: ngoài nghĩa vụ xã hội thì không có hình thức nào cả. 
Chấp nhận nguyên tắc tự do hoàn toàn có nghĩa là xóa bỏ hình thức. Và nghệ thuật thời hậu chiến của châu Âu đã siêng năng xóa bỏ hình thức.
Vào thế kỷ 20, một ý tưởng đã nảy sinh, về cơ bản là mới đối với toàn bộ nền mỹ học phương Tây, rằng nghệ thuật là phương tiện để tôn vinh tự do cá nhân; nhưng tự do cá nhân không thể thể hiện qua các hình thức thẩm mỹ xã hội. Vì vậy, nghệ thuật đã từ bỏ tính dẻo; Một bước đi hợp lý là việc loại bỏ hình ảnh nhân hình.
Nghệ thuật đã xóa bỏ hình mẫu; từ nay trở đi nó không được dẫn dắt bởi một vị Chúa mà bởi nhiều vị thần khác. Khái niệm trừu tượng về tự do đã thay thế Thiên Chúa cụ thể, và từ nay hình ảnh trong nghệ thuật bắt đầu được tạo ra theo hình ảnh và sự giống với tự do.
Điều này đã dẫn đến những điều kỳ quặc của nghệ thuật hiện đại - tự do có thể tự biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó ấy không thể chỉ có một thứ - có những đặc điểm con người nhất định. Những đặc điểm nhân hình, hay chính xác hơn là thần thánh, con người đã biến mất khỏi hình ảnh.
Con người của thế kỷ XX đã đấu tranh cho tự do và quyền lợi của mình lâu đến mức anh ta đã giải phóng bản thân một cách hoàn toàn, trọn vẹn, kể cả khỏi hình ảnh và thân xác của mình; anh ta được giải phóng khỏi mối liên hệ với Chúa và truyền thống, với nguồn gốc và văn hóa, anh ta trở nên vô hình. Tự do hoá ra trống rỗng.
Tự do bất ngờ lấn át nghệ thuật; Mới hôm qua, các nhà điêu khắc đã cố gắng truyền tải sự hài hòa của các đặc điểm, nhưng sau đó họ bắt đầu điêu khắc những điểm dị thường, và sau đó ngừng điêu khắc hoàn toàn. Sự việc xảy ra đột ngột nên người gác tàu chuyển tàu sang đường ray khác. Điều này xảy ra vào thời điểm thế giới (chủ yếu là phương Tây) có chiến tranh kéo dài, làm lung lay mọi quan niệm về mục đích của lịch sử, chiến tranh cũng xóa bỏ hình ảnh con người.
Nhân vật của các tác phẩm điêu khắc dần mất đi nét con người, và nếu bây giờ tác phẩm của bậc thầy trở nên sống động thì đó sẽ không phải là Galatea xinh đẹp mà là Frankenstein hay Golem. Những bộ phim giả tưởng của thời đại chúng ta có rất nhiều cốt truyện trong đó điều đáng kinh ngạc và kinh tởm nhất xuất hiện trong cuộc sống - hoặc được đưa đến trái đất của chúng ta từ thế giới khác hoặc được bảo tồn từ thời điểm khác. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong nghệ thuật thị giác, và đây là cuộc sống của chúng ta, không phải khoa học viễn tưởng.
Nếu một tác phẩm nghệ thuật là bằng chứng về chúng ta, con người, thì những sinh vật xấu xí và khủng khiếp, những kẻ khốn nạn và tàn dư chính là chúng ta. Và khi bạn thấy mình ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, có vẻ như bạn đã thấy mình trong một bức tranh của Bosch nơi sinh sống của những linh hồn ma quỷ, những con chimera không thể tưởng tượng được. Với Bosch, điều đó gần như giống như vậy, nhưng ngược lại theo một cách khác. Và với những người theo chủ nghĩa siêu thực, điều đó gần như giống nhau, nhưng ngược lại, theo một cách khác. Và trong các thánh đường, nơi hình ảnh các chimera được đặt bên cạnh các vị thánh (trên nóc Nhà thờ Đức Bà, bạn sẽ tìm thấy cả một nhà thờ), nó gần như giống nhau, nhưng khác nhau. Và sự khác biệt là cơ bản.
Bosch (và sau ông là Bruegel, Goya và những người theo chủ nghĩa siêu thực) đã trình chiếu vở kịch về sự biến con người thành quái vật; nguyên lý thiêng liêng vẫn là một khuôn mẫu, nhưng con người đã bị biến đổi, bị thời gian làm biến dạng; Bosch đã ghi lại quá trình đấu tranh để giữ thể diện của con người. Trong các bức tranh chính của ông (“Vác Thập Giá”, “Chế nhạo Chúa Kitô”), chúng ta thấy khuôn mặt xinh đẹp của Đấng Cứu Rỗi, hài hòa và giản dị, được bao quanh bởi những chiếc cốc và mõm - Bosch cho thấy rõ ràng cách mọi người không còn là con người, nhưng ông cũng nói với chúng ta rằng đây là một sự chuyển đổi - xấu.
Tôi xin lưu ý rằng nhà siêu thực người Bỉ James Ensor đã áp dụng nguyên tắc đối lập của Bosch bằng cách miêu tả bức chân dung tự họa của ông giữa những chiếc mặt nạ tại một lễ hội hóa trang, đây chính xác là cùng một dòng suy nghĩ. Nhà thờ thời Trung cổ đã đuổi những con chimera quái dị ra ngoại vi - nó đặt những con quái vật trên mái nhà và tường, cống thoát nước được làm từ hình chimera và tượng đầu thú, và quái vật không được phép vào bên trong ngôi đền. Tuy nhiên, theo thời gian, những sinh vật xấu xí của Bosch bắt đầu tấn công và thay thế hoàn toàn nguyên tắc của con người; chimeras trèo xuống từ mái nhà thờ và chiếm lấy ngôi đền, trục xuất hình ảnh của Chúa ra khỏi đó.
Trong bacchanalia điên cuồng này, chiến thắng hoàn toàn của sự sáng tạo tự do của nghệ thuật phương Tây (từng là Cơ đốc giáo, và bây giờ là ngoại giáo) đã diễn ra. Vì vậy, ai đó khi xem một cuốn album gia đình không thể tìm thấy những nét đặc trưng của gia đình David của Michelangelo trong các hình khối và đường nét ngoằn ngoèo; những tính năng này không có ở đó. Điều chủ yếu xác định nghệ thuật phương Tây cũng đã biến mất - tinh thần bi kịch đã biến mất khỏi nghệ thuật hiện đại. Thực tế là bi kịch vốn chỉ có trong một hình ảnh sống động, bởi vì không thể hy sinh, chết chóc và trải qua đau buồn nếu không có được sự tồn tại trọn vẹn.
Chỉ có thước đo đầy đủ của sự tồn tại, sự kết nối thông qua các đặc điểm nhân cách hóa với kế hoạch và sự hài hòa của Thần thánh, chỉ có điều này mới khiến người ta có thể trải nghiệm sự hủy diệt như một bi kịch, như sự bất hòa. Và nếu không có sự hòa hợp của Thiên Chúa thì sẽ không có bi kịch.
Các tác phẩm điêu khắc của Moore, Giacometti, Marini, Brancusi, Caldera, Cesar - và đây chỉ là những gián đoạn đầu tiên, sau đó hình ảnh biến mất hoàn toàn - không có nghĩa là người thật, chúng là hình ảnh của một con người trừu tượng, một con người nói chung; nó là sự miêu tả một hiện tượng của con người.
Camus từng nói câu cay đắng “Con người không phải là một thứ trừu tượng”; Điều này được nói ra bất chấp tính thẩm mỹ của tự do trừu tượng lúc bấy giờ; Camus đã nói điều này trong “The Plague”, nơi ông mô tả từng cái chết cụ thể là gì. Nhưng con người trừu tượng không biết đến kịch tính, con người trừu tượng không thể chết và trải nghiệm sự phấn chấn của bi kịch.
Sartre nhớ lại việc Giacometti bị một chiếc ô tô đâm ở Place d'Italie ở Paris. Nằm trong bệnh viện với một chân bị gãy, nhà điêu khắc lặp lại: “Cuối cùng, một điều gì đó thực sự đã xảy ra với tôi”.
Người tạo ra hàng trăm hình ảnh về một con người trừu tượng ngưỡng mộ ý tưởng rằng anh ta đang trải qua nỗi đau cụ thể và kịch tính cụ thể; thông qua một bài kiểm tra cơ bản, anh ấy đã đến với một hình ảnh sống động.
Các nghệ sĩ của thế kỷ 20 muốn tạo ra một con người giống như Nữ thần Tự do - họ đã tạo ra một con người trừu tượng không có khuôn mặt hoặc tiểu sử. “Walking” của Giacometti, “Riders” của Marino Marini, tác phẩm điêu khắc của Henry Moore - đây không phải là những bức chân dung của những người đương thời, không phải hình ảnh của các vị thần, đây là những biểu tượng gợi nhớ đến con người; người ta thậm chí có thể dùng từ “thần tượng”, nghĩa là trong các viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại, những hình ảnh này được tôn thờ như những khối năng lượng của tự do.
Người xem thế kỷ 20 có một điều phải ngạc nhiên: trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật, những hình ảnh chưa bao giờ được tạo ra với động cơ chính là xuống cấp và phá hủy - trong tất cả các bảo tàng nghệ thuật hiện đại, chúng chủ yếu thể hiện sự không phải rác rưởi và hỗn loạn, mà là bi kịch, tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Người xem không cảm thấy có điều gì đó tồi tệ đã xảy ra. Để so sánh, các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo chắc chắn thể hiện sự kịch tính - chúng ta đồng cảm với Đức Mẹ trong Pietà hay người nô lệ sắp chết; trong các tác phẩm sắp đặt của các bậc thầy đương đại, nơi các đồ vật bị bóp méo để truyền tải sự hỗn loạn của thế kỷ, không có kịch tính.
Và tại thời điểm này, một câu hỏi triết học cấp tiến thứ hai được đặt ra, dành cho thế giới hiện đại: phải chăng sự vắng mặt của bi kịch trong nghệ thuật xấu xí hiện đại có nghĩa là tự do hoàn toàn loại trừ bi kịch? Đã có lúc Nietzsche cho thấy bi kịch được sinh ra từ tinh thần hòa hợp, từ tinh thần âm nhạc như thế nào; phải chăng điều này có nghĩa là sự thiếu hài hòa đã xóa bỏ khái niệm bi kịch khỏi tự do?
Ví dụ về mỹ thuật ngày nay buộc chúng ta phải xem xét hai loại tự do thúc đẩy con người hoạt động.
Những nghệ sĩ tự gọi mình là những nhà nhân văn (Picasso, Böll, Grosz, Chagall, Sartre, Hofer) đã đấu tranh cho quyền tự do của con người cụ thể chống lại cái ác cụ thể; nhưng các nghệ sĩ của thời hiện đại (cái mà chúng ta gọi là nghệ thuật hiện đại) đấu tranh trong điều kiện hòa bình vì tự do nói chung, vì tự do cá nhân như một lý tưởng, vì tự do thoát khỏi thuyết định mệnh.
Thật dễ dàng để xác định một thời điểm trong thế kỷ qua khi tự do cá nhân và lý tưởng về tự do công cộng khác nhau. Đây là năm 1968, thời điểm diễn ra cuộc nổi dậy của Tiệp Khắc, tình trạng bất ổn của sinh viên ở Paris, các rào chắn ở Sorbonne và sự từ chức của de Gaulle.
Những cuộc cách mạng nửa vời kỳ lạ này, những cuộc nổi dậy với những yêu cầu mơ hồ, cực kỳ quan trọng - nhưng thật khó để xác định chính xác tầm quan trọng của chúng là gì. Đó là sự đòi hỏi tự do, nhưng loại tự do nào thì chưa rõ; rất có thể, đó là yêu cầu giải phóng khỏi lịch sử chung, khỏi tính tất định của quá trình lịch sử, yêu cầu giải phóng khỏi cả Hegel và Hiệp ước Warsaw, khỏi mọi nghĩa vụ đối với xã hội.
Nhìn lại thì Mùa xuân Praha được hiểu là một cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng đây là một cách giải thích không chính xác; đó chính xác là mùa xuân, nhu cầu nở hoa, quyền có niềm vui độc lập, khát vọng hạnh phúc bất chấp nghĩa vụ hàng xóm; Trên đường đi, sự giả dối đẫm máu của Gulag đã được thêm vào - cuộc nổi dậy ở Praha, có thể nói, là một cuộc nổi dậy nói chung, nở rộ và tươi đẹp, chống lại thuyết định mệnh và vì sự độc lập của sự tồn tại cá nhân. Tương tự, thật khó để nói sinh viên Pháp muốn gì - khẩu hiệu “Cấm cấm” thể hiện điều gì khác ngoài cương lĩnh của cuộc nổi dậy.
Proto-Maidan này, Euromaidan năm 1968, Proto-Bolotnaya Square - đã hét lên về điều tương tự mà cuộc nổi dậy của chủ nghĩa triết học tự do đang kêu gào ngày nay: chúng tôi muốn tự do cá nhân! Chúng tôi không quan tâm đến sự cần thiết lịch sử! Chúng tôi không muốn sự đạo đức giả và tính toán từ các chính trị gia! Chúng tôi muốn quyền tự quyết! Khi chính phủ cố gắng đạt được thỏa thuận với những người nổi dậy, những nỗ lực này đã bị phá vỡ bởi cùng một trở ngại như trong các cuộc đối thoại của chính phủ với các cuộc biểu tình ngày nay - không thể tranh cãi với một người không có tiền án nào khác ngoài việc không sẵn sàng chịu trách nhiệm. hướng tới xã hội.
Đó là một cuộc nổi loạn chống lại lịch sử, chống lại những món nợ của đất nước, chống lại con đường bắt buộc, và đó là một phản ứng muộn màng trước cuộc tàn sát thế giới. Cơ thể mệt mỏi của bọn trẻ không chịu nổi sự căng thẳng của câu chuyện, chúng òa khóc.
Điều này xảy ra với trẻ em: mệt mỏi với những trò chơi và mệnh lệnh của người lớn, chúng đột nhiên rơi vào trạng thái kích động và bắt đầu hành động mà không rõ lý do. Đây chính xác là kiểu cuồng loạn trẻ con đã xảy ra ở châu Âu vào năm 1968, ở Paris và Praha.
Năm nay không phải được tổ chức một cách ngẫu nhiên mà là một năm cách mạng quan trọng; nó đánh dấu sự xuất hiện của một kiểu cách mạng mới - một kiểu cách mạng không gắn liền với những ý tưởng về lợi ích công cộng. Đây hoàn toàn không phải là cuộc cách mạng năm 1848 lan rộng khắp châu Âu; hoàn toàn không phải làn sóng cách mạng của những năm hai mươi đã hình thành nên các nước cộng hòa Xô Viết từ Gilan đến Vladivostok, từ Alsace đến Bremen. Hoàn toàn ngược lại. Đó là làn sóng nổi dậy chống lại thuyết định mệnh lịch sử và đòi quyền tự do cá nhân, không phụ thuộc vào ai.
Chúng tôi không muốn một mục đích chung! Chết tiệt cái lịch sử chung của bạn!
Khi Sartre cố gắng động viên công nhân nhà máy Renault đình công (ông đến phát biểu, ông tưởng tượng ra một bước chuyển hướng sang chủ nghĩa xã hội), ông tin chắc rằng không ai muốn thay đổi xã hội vì lý do cơ bản là không ai muốn xã hội. Họ muốn tự do, nhưng họ muốn tự do trừu tượng, và những lời hoa mỹ mang tính xã hội thật đáng sợ.
Việc không thể có một liên minh giữa đảng xã hội chủ nghĩa và các phong trào tự do của sinh viên đã giải thích phần lớn cách hiểu của người châu Âu về giải phóng - những người trẻ tuổi không muốn thay đổi chút nào.
Nghĩa là, họ muốn những thay đổi, và thậm chí là những thay đổi căn bản, họ lật ngược ô tô và hoan nghênh việc vẽ tranh phi khách quan, nhưng những thay đổi này không phải là bản chất cuối cùng mà chỉ đơn giản là ồn ào. Thanh thiếu niên không muốn trở thành thành viên của xã hội tư sản, nhưng họ cũng không muốn trở thành thành viên của xã hội xã hội chủ nghĩa. Họ dựng rào chắn và nói về tự do, nhưng ngay khi thảo luận về chương trình, họ trở nên giận dữ: nói chung chúng tôi muốn tự do!
Chán ngấy với bất kỳ quyết định luận nào! Nhưng bạn vẫn muốn một loại xã hội nào đó – hãy nói cho tôi biết cái gì? Câu hỏi này làm tôi khó chịu: đủ mị dân rồi! Con đường châu Âu đã chạm vào bức tường tự do cá nhân. Đứa trẻ làm theo hướng dẫn một lúc lâu, đột nhiên bật khóc và bắt đầu ném đồ vật - không ai có thể xoa dịu cơn cuồng loạn. Bọn trẻ mệt mỏi với mọi thứ cùng một lúc: cha mẹ, chính phủ, lịch sử, quá khứ. Cuộc nổi dậy tự do chống lại xã hội đã trở thành cơ sở cho sự từ chức của nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của châu Âu lúc bấy giờ - Tướng de Gaulle (từ chức năm 1969), và cuộc nổi dậy tư sản này đã trở thành hình mẫu cho tất cả các cuộc cách mạng màu của thế kỷ tiếp theo.
Năm đó họ đã nêu ra vấn đề cốt lõi trong các cuộc cách mạng sau này: từ nay trở đi là cuộc nổi dậy của giới tinh hoa, và lần đầu tiên trong lịch sử các phong trào giải phóng, cách mạng không nghĩ đến lợi ích chung và cách mạng không có những nhu cầu cụ thể có tính chất xã hội (lương hưu, giáo dục, chăm sóc y tế, điều kiện làm việc). Tất cả những điều trên đều không quan trọng, bản thân xã hội không quan trọng, bất kỳ thỏa thuận nào cũng không quan trọng - họ không nổi loạn vì lợi ích xã hội và nhu cầu của nó. Họ nổi dậy chống lại thuyết định mệnh của lịch sử.
Từ thời điểm này, một cuộc cách mạng đặc biệt đã bắt đầu, không phải xã hội mà là thẩm mỹ, làm thay đổi ý thức phương Tây một cách nghiêm túc hơn nhiều so với “Tuyên ngôn” của Marx. Tự do đã chiến thắng nhưng không có chính trị gia nào nghĩ đến xã hội.
Một câu châm ngôn phổ biến là bạn sẽ không gặp được những nhà lãnh đạo tầm cỡ như bạn đã gặp trong chiến tranh hoặc ngay sau đó. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bị nghiền nát vì lý do giống hệt như việc cuộc cách mạng không còn là một cuộc cách mạng, và tác phẩm điêu khắc, vốn mang tính anh hùng và nhân hình, đã trở thành vật trang trí và vô nghĩa.
Nhà lãnh đạo phương Tây từ nay trở đi chỉ còn là tàn tích trơn tuột như những tác phẩm điêu khắc của Hans Arp, cùng một chiếc chong chóng thời tiết như những chiếc điện thoại di động của Alexander Calder, cùng một kẻ ngốc nghếch cứng đầu như những tuyến hạch của Anselm Kiefer. Và điều này đúng đến mức sự xuất hiện của Marcus Aurelius hay Lorenzo de' Medici tương ứng với các bức tượng của họ.
Lịch sử và thẩm mỹ không thể bị lừa dối; Những gì đã xảy ra ở châu Âu hoàn toàn giống với kịch bản của cuộc nổi dậy đòi tự do năm 1968. Bạn đã quyết định từ bỏ quá khứ và tuyên bố một vụ vỡ nợ lịch sử?
Bây giờ có gì đáng phàn nàn? Con người trừu tượng đạt được tự do trừu tượng - và mất thể diện. Những đặc điểm của một nhân cách tự do đã bị xóa bỏ, và cá tính của anh ta đã bị phá hủy.
Đây là một nghịch lý của văn hóa: vì chính nghệ thuật ngày nay được coi là đỉnh cao của sự độc lập cá nhân, chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân. Chưa hết, nghệ thuật này không tạo ra một bức chân dung nào: trước mắt chúng ta là một con người tự do và do đó không tồn tại.
Người ta nói rằng khi Georges Pompidou chuyển đến văn phòng của de Gaulle, trước hết ông đã loại bỏ khỏi đó tất cả các thuộc tính của sự cai trị của tướng quân: hội họa cổ điển, tác phẩm điêu khắc, v.v. Một bức tranh trừu tượng của de Stael đã được lắp trên tường, đánh dấu một nét thẩm mỹ mới (hay còn gọi là xã hội) chuyển sang sự tự thể hiện cá nhân, tự do. Chỉ hai năm sau, tổng thống được thông báo rằng bức tranh bị treo ngược - hãy tìm hiểu xem những người theo chủ nghĩa trừu tượng này định làm gì ở đó. Tổng thống vui mừng: “Nhìn mà thấy đau đầu”. Và nếu một tổng thống bị đau đầu vì một bức ảnh, người ta chỉ có thể đoán được điều gì đang xảy ra với những người đứng đầu toàn xã hội, trong đó các hướng dẫn bị đánh đổ, các đặc điểm bị mờ đi và mọi thứ bị đảo lộn.
 

https://story.ru/istorii-znamenitostej/istoriya-iskusstv/obraz-i-podobie-svobody

Maxim Carlovich Kantor, sinh 1957,  hoạ sĩ Nga, nhà tản văn, phê bình nghệ thuật.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

SỰ NHẦM LẪN CỦA MỘT GIÁO SƯ

(Bàn về cuốn Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại)

Trần Đình Sử

Tôi với GS Hố Ngọc Đại có chút đồng hương, đã từng học ở trại Thiếu sinh Quảng Trị đóng trên đất Hà Tĩnh thời KC chống Pháp, dành cho con em tỉnh nhà vì quê hương chìm trong khói lửa. Tôi không có mâu thuẫn gì với anh Đại. Tôi cũng tán thành một số quan niệm rất hay của anh, như mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giáo dục học sinh để nó phải “trở thành chính nó”. “lấy HS làm trung tâm”… Nhưng đó là nói ở của miệng cho hay thôi, chứ hiểu cho đúng các mệnh đề ấy không dễ, và thể hiện trong chương trình với SGK thế nào lại càng khó.

Tôi biết chắc anh Hồ Ngọc Đại chưa hề có một chương trình hoàn bị cho các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Chứng cớ là cho đến nay người ta mới thấy ông chỉ có một cuốn Tiếng Việt 1, chưa ai thấy các cuốn tiếp theo lẽ ra phải có. Nếu ai không tin, đề nghị anh Đại công khai chương trình đầy đủ của anh cho mọi người biết và nhận xét, thẩm định. Đó là nói về Chương trình, còn nhìn SGK của anh thì người ta thấy còn lâu mới đạt được yêu cầu đó, vì như SGK Tiếng Việt 1 công nghệ có quá nhiều sai sót ấu trĩ.

GS Hồ Ngọc Đại đi đâu cũng nói SGK tiếng Việt 1công nghệ của ông là môn khoa học, đã là khoa học thì phải học khái niệm. Tiếng Việt 1 theo ông, chỉ học một khái niệm , đó là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Vậy chữ viết là gì? Là vật thay thế cho âm là vật thật. Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa, bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ, mà theo ông đó là nội dung của lớp 2. Bài học của ông là một không gian chân không về nghĩa. Quy tắc chính tả là các quy ước. Sách của ông dạy HS phân biệt âm và chữ, tập đọc vần và viết theo vần, kết hợp dạy chính tả và cố nhiên là HS biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm nổi trội của SGK này. Nhưng HS đọc mà không hiểu nghĩa là một thiếu sót lớn. Cách dạy theo công nghệ là GV thực hiện răm rắp theo SGV, y như người thợ dạy một cách máy móc (xem hướng dẫn của SGV công nghệ). Sách CN không đòi hỏi (thậm chí cấm GV thay đổi các quy định của SGV) GV được hình dung như một robot, cho nên GV lười và kém có thể thích SGK này. Sách CNGD không yêu cầu cha mẹ HS tham gia phối hợp. Về thực tiễn, nghe nói cách dạy này học chắc, không tái mù. Nhưng xin hỏi ai xác nhận điều này, có các khảo sát và đánh giá nào chính thức? Chỉ là do các anh kêu to lên mà thôi. Yêu cầu học chữ không chỉ để chống tái mù. Theo tôi cần có sự kiểm định khách quan, có đối chứng với SGK tiếng Việt 1 khác mới khoa học. Tôi nghe nói Viện KHGD đã nghiên cứu tiếng Việt 1 của CNGD, nhưng không đối chứng thì thử hỏi có giá trị gì? Tôi cũng nghe nói một số GV kêu phải thêm giờ thì mới dạy được, và các báo cáo kết quả sử dụng sách CNGD gửi lên trên trước đây do nhiều lí do còn thiếu khách quan, trong đó có vai trò của vụ chỉ đạo bậc học, nhiều cán bộ ở vụ Tiểu học đều là người của GS Đại, do GS cầm lái. Cần minh bạch với cái huyền thoại này.

Về lí thuyết, quan niệm của GS Đại còn nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng không thể chấp nhận đuợc.

1. Sách tiếng Việt 1 không phải là sách khoa học. Chỉ có ngành ngữ học, Việt ngữ học, ngữ âm học mới là khoa học. Còn SGK Tiếng Việt là sách học tiếng Việt trong nhà trường, nhằm dạy HS đọc chữ, viết chữ đúng chính tả, đọc hiểu nghĩa, biết nói, viết các bài văn bằng tiếng Việt. Nó có nội dung khoa học và các nội dung khác như đạo đức, thẩm mĩ, các tri thức cảm tính, các bài thơ, bài văn, không phải đều là khoa học cả. Xem SGK Tiếng Việt 1 là khoa học là một ngộ nhận ấu trĩ.. HS lớp 1 chưa cần học khoa học cực đoan như thế. Trong Lời nói đầu sách TV1 bản mẫu, ông ghi “Mục tiêu sách TV1 là dạy cho HS cấu trúc ngữ âm tiếng Việt”. Quá sai lầm. HS lớp 1 thì chỉ cần học chữ học vần, biết đọc biết viết, thuộc một số quy tắc chính tả, chứ học cấu trúc ngữ âm làm gì? GV có thể cần biết, song HS lớp 1 thì phải tạo thói quen chứ không phải học khái niệm. Ông cho HS học hết cấu trúc ngữ âm tiếng Việt như âm, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, âm đôi, những khái niệm chỉ ở đại học mới học. Ông lại cho HS học thêm các khái niệm của riêng ông như vật thật, vật thay thế, lên lớp trên các khái niệm triết học của riêng ông càng nhiều. Ông lại dạy hết các quy tăc chính tả tiếng Việt, kể cả chính tả ngữ nghĩa cho HS lớp 1. Thật là quá tải. Đó là do quan niệm dạy khoa học cho HS lớp 1 mà nên.

2. Dạy học Tiếng Việt , dù ở lớp 1, đều là dạy HS năng lực sử dụng tiếng Việt: đọc, viết, nói, nghe, suy nghĩ, không phải nghiên cứu tiếng Việt. Phương pháp của nó là phương pháp giao tiếp: Đọc, viết, nói nghe, hỏi đáp những điều có nghĩa, gắn liền với dạy tư duy.

Còn chỉ học đọc âm, viết đúng chính tả mà không hiểu nghĩa, không biết nói thì đó là một yêu cầu quá thấp, không phải yêu cầu học tiếng. Sách thiếu hẳn phần kể chuyện, nói, nghe, chào hỏi.

3. SGK dạy cho HS phải có nội dung tư tưởng, đạo đức. SGK của GS Đại đầy rẫy những từ phản cảm như ăn quỵt, hàng thịt nguýt hàng cá, củ rủ cù rù, (Xem lại bài của Đao Tiến Thi Về ngữ liệu trong Tiếng Việt 1 CNGD.).

4. Sách yêu cầu HS đọc nhiều văn bản mà các em – với lứa tuổi của minh – chưa thể hiểu như Bình Ngô Đại cáo, Hịch tướng sĩ, Nam Quốc sơn hà, nếu chỉ cốt tập đọc âm và chữ, thì không có mấy ý nghĩa.

5. SGK CNGD viết không theo một chương trình được xây dựng khoa học. Họ chưa có chương trình xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện tại chỉ có sách lớp 1, còn từ lớp 2 trở đi là chưa có. Cái kế hoạch mà tự anh nói ra, là dạy lớp 1 ngữ âm, lớp 2 từ ngữ, lớp 3 cụm từ, lớp 4 đoạn văn, lớp 5 bài văn là một kế hoạch phi khoa học, bởi trong tiêng Việt các yếu tố ấy không tách rời. Chúng tôi đề nghị GS Đại công bố chương trình CNGD từ lớp 1 đến lớp 12 cho mọi người cùng tham khảo và nếu muốn sử dụng phải được HĐQG thẩm định ( như SGK vậy).

Sách Tiếng Việt 1theo GS Đại, đã được viết 40 năm nay, từng được được đem sử dụng đại trà mà không qua thẩm định. Đó là điều vi phạm luật Giáo dục. Năm 2017 và năm 2018 Bộ đã tổ chức thẩm định để khỏi phạm luật, Hội đồng đã chỉ ra nhiều bất cập, nhưng GS Đại đã tiếp thu rất ít. Ông từng bảo BTV Nxb không được đụng bút vao văn bản của ông. Cuoií cùng ông vẫn sửa một ít.  Hội đồng cho phép sách của ông chỉ được sử dụng cho đến khi có chương trình mới. Đến nay chương trình mới đã ban hành, sách của ông đã hết thời hạn sử dụng. Thế mà ông lại đem sách củ, không sửa một chữ, đưa cho HĐTĐ, yêu cầu HĐTĐ thông qua, HĐTĐ đánh giá không đạt, ông đã kếu với báo chí rằng HĐTĐ không đủ trình độ đánh giá sách của ông; Ông kêu với thủ tướng, với chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để sử dụng vô điều kiện sách của ông cho năm học mới. Đó là môt yêu cầu vô lí, vi phạm luật giáo dục, mà ai cũng thấy, chỉ riêng ông là không thấy..

Một cuốn sách như thế hoàn toàn không phù hợp với nội dung, tinh thần và phương pháp dạy học của chương trình mới. Vì thế Hội đồng thẩm định quốc gia đã bỏ phiếu không đạt là hoàn toàn hợp lí. Song GS Đại vẫn không bằng lòng. Tôi nghĩ món nhuận bút của 900000 bộ sách lớp 1 vô cùng hấp dãn và GS không thể từ bỏ, cho dù nó vô lí đến mức nào.

Tôi biết nhiều người mặc nhận thầy Đại là giỏi, song chưa hề đọc sách của ông và SGK của ông. Tôi khuyên mọi người hãy đọc cuốn sách nhỏ của ông có tên là Sách giáo khoa đổi mới giáo dục toàn diện triệt để của ông viết để dạy toàn ngành giáo dục để biết về học vấn và con người ông. Đọc sách của ông tôi xin nhận xét như sau:

GS Hồ Ngọc Đại bấy lâu nay được làm chủ ở trường thực nghiệm, một mình một cõi, ở trên vạn người mà không ở dưới ai cả, muốn dạy gì thì dạy, muốn nói gì thì nói, suy nghĩ tự do, tuỳ tiện, không nghe ai phản biện, không biết tôn trọng người khác, chỉ thích những kẻ phỉnh nịnh, do vậy khó mà đòi hỏi ở ông một tư duy khách quan và khoa học được, mặc dù khi nào ông cũng tự khoe là tư duy khoa học và chê người khác là tư duy kinh nghiệm. Ông thể hiện một phong cách học phiệt.

Hà Nội, ngày 3 tháng 1 năm 2020

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

PHƯƠNG LỰU DẪN NHẬP LÍ THUYẾT VĂN CHƯƠNG

Phương Lựu là bút danh của Bùi văn Ba, nhà giáo, nhà văn, nhà lí luận văn học, người viết rất nhiều công trình biên khảo lí luận văn học giàu tính Đảng và tính chiến đấu bậc nhất ở Việt Nam. Ông sinh năm 1936, quê ở làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sau năm 1954 ông được cử sang học Đại học sư phạm Bắc Kinh, khoa ngôn ngữ văn học, sau khi tốt nghiệp năm 1960, ông về làm cán bộ giảng dạy văn học Trung Quốc tại khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội. Ông đã tham gia viết giáo trình Lịch sử văn học Trung Quốc. Một thời gian sau, khoảng năm 1964, do những thay đổi cá nhân, ông được chuyển sang bộ môn Lí luận văn học, dưới “trướng” của Trưởng môn lí luận văn học Nguyễn Văn Hạnh mới ở Liên Xô về. Từ đó bắt đầu hoạt động lí luận văn học của ông. Tôi biết ông từ năm 1961, khi vừa ở lại làm giảng viên khoa tiếng Trung ở ĐHSP Hà Nội. Sau này năm 1981, khi học ở Nga về, được chuyển về ĐHSP Hà Nội, tôi cùng sinh hoạt một tổ bộ môn với ông. Trên đường từ trường về nhà tôi thỉnh thoảng ghé vào nhà ông chơi, trò chuyện.

         Trưởng thành vào thời điểm đấu tranh ý thức hệ gay gắt từ những năm 60 thế kỉ trước, buộc người làm lí thuyết phải biết lựa chọn con đường để tồn tại và phát triển. Ý thức sứ mệnh của ông thể hiện trong các tên sách mà ông đặt như là những khẩu hiệu có chủ đích của thời đại, diễn ngôn của người ở cương vị chỉ đạo: Học tập tư tưởng văn nghệ Lênin (1979), Vì một nền lí luận văn học dân tộc, hiện đại (2009), Trên đà đối mới văn hóa văn nghệ (1994), Khơi dòng lí thuyết (1997), Tiếp tục khơi dòng (2001).

     Hoạt động lí luận văn học của ông rất liên tục và phong phú, lí luận mác xít, lí luận văn học phương Đông, lí luận văn học phương Tây đủ các trường phái, phương pháp luận, kể cả hậu hiện đại, hậu lí luận, ông có vẻ như một nhà bách khoa về lí luận văn học thế giới từ cổ chí kim. Đọc kĩ các sách của ông người ta sẽ nhận ra trong đó có ba mảng lớn: Nghiên cứu, giới thiệu lí luận văn học để phục vụ đường lối; kiên trì hệ thống khái niệm lí luận Mác Lênin của Liên xô cũ trong dạy học; dẫn nhập lí luận văn học thế giới theo quan điểm mĩ học Mác Lênin với phương pháp “gạn đục khơi trong” (tức là tiếp nhận có phê phán).   

     Hai cuốn sách đầu  tiên của ông thể hiện rõ rệt khuynh hướng truyền bá lí luận mác xít: Một là Lỗ Tấn, nhà lí luận văn học (1977), tiếp theo là cuốn Học tập tư tưởng văn nghệ Lênin (1979). Lê nin là bậc thầy của cách mạng vô sản thế giới, tư tưởng của ông là kim chỉ nam cho cả một thời. Lỗ Tấn là nhà văn Trung Quốc được Mao Trạch Đông đem làm phương hướng của văn hóa Trung Quốc hiện đại, con đường của ông tiêu biểu cho con đường của trí thức hiện đại: từ chủ nghĩa cá nhân lãng mạn đến chủ nghĩa Mác. Cách làm của Phương Lựu rất gần gủi, dễ hiểu với mọi người. Ông chọn lấy các chủ đề mà mọi người quan tâm, ví như Lenin thì: sự phát triển của Lênin đối với chủ nghĩa Mác, vấn đề tính đảng trong văn học, vấn đề phản ánh luận và điển hình, vấn đề kế thừa và cách tân, vấn đề đặc trưng văn học, rồi chọn những câu trích dẫn về các vấn đề đó và diễn giải cho rõ nghĩa. Đối với tính đảng thì văn nghệ là cái bánh xe, đinh ốc nhỏ của cổ máy đồ sộ do đảng xã hội dân chủ (tức cộng sản) cầm lái. Đối với Lỗ Tấn cũng vậy, ông chọn các chủ đề như đấu tranh trên hai mặt trận, sự tu dưởng của nhà văn, đại chúng hóa văn nghệ, kế thừa di sản, tiếp thu nước ngoài, điển hình văn học, thể loại văn học, ngôn ngữ văn học, phê bình văn học, rồi cũng trích dẫn những câu rất đắt, tương ứng với đề mục, và giải thích tư tưởng của nhà văn. Các đề mục ấy đều là các vấn đề được giáo trình đại học, báo chí nhắc đến. Mọi giải thích đều góp phần giúp mọi người hiểu được các vấn đề lí thuyết của văn học.

     Tập luận án tiến sĩ của Phương Lựu với nhan đề Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (1997) cũng đáp ứng yêu cầu tổng kết và kế thừa truyền thống của ông cha ta, là công trình đầu tiên có kì vọng khái quát cả một truyền thống lớn của văn học dân tộc. Sách cũng được tiến hành theo cách như trên. Tác giả lập ra các chủ đề nội dung như: Quan niệm văn học yêu nước và tự hào dân tộc trong suốt thời kì trung đại; Quan niệm văn học truyền thụ đạo lí phong kiến trong thời hưng thịnh; Sự diễn biến tiêu cực của quan niệm văn học truyền thụ đạo lí phong kiến từ giai đoạn trung suy đến quan niệm “văn dĩ tải đạo” của vua quan triều Nguyễn; Quan niệm văn học hiện thực và nhân dân trong thời phong kiến suy thoái…Sau đó là trích chọn các ý kiến phù hợp với các đề mục và giải thích. Tác giả đã sử dụng hệ thống quan niệm hiện đại để giải thích lí luận cổ điển của ông cha. Quyển sách tuy có tính mới, nhưng các đề mục ấy cũng đã thu hẹp quan niệm văn học của người xưa và không tránh khỏi có lúc hiện đại hóa tư tưởng người xưa. Chẳng hạn sau khi dẫn những ý kiến về “văn dĩ tải đạo”, tác giả viết như là kết luận: “Và đạo ở đây hiển nhiên không phải là hiện thực khách quan, mà là đạo nghĩa của thánh hiền.”[1] Thật khó mà đòi hỏi một quan niệm “hiện thực khách quan” dưới thời trung đại?[2] Trên thực tế việc nghiên cứu quan niệm văn học cổ điển Việt nam còn rất yếu, chưa có đủ cơ sở để nêu ra các khái quát như của Phương Lựu, nhất là về thời nhà Nguyễn.

    Công trình thứ tư là Tìm hiểu một nguyên lí văn chương (1983) tập trung nghiên cứu nguyên lí tính dân tộc của văn học. Thời đó cũng có một số công trình khác như thế, đại đồng, tiểu dị. Tính dân tộc là vấn đề rất bức thiết của lí luận văn học mác xít Việt Nam, đề cao tính dân tộc, phản đối tính ngoại lai, nhưng là vấn đề rất khó, chưa tìm được phương pháp luận có sức thuyết phục. Vì thế ở đây Phương Lựu chưa có gì đột phá thì cũng là chuyện thường. Biết bao cuộc hội thảo dưới tên gọi “tính dân tộc”, “bản sắc dân tộc”,  với rất nhiều báo cáo khoa học mà vấn đề vẫn còn mơ hồ. Nhà lí thuyết Mĩ Benedic Anderson (1936-2015) coi dân tộc chỉ là “cộng đồng tưởng tượng”, còn nhà triết học Pháp F. Jullien thì cho rằng Không có bản sắc văn hóa[3]. Dĩ nhiên công trình của Phương Lựu cũng nằm trong một cộng đồng tưởng tượng nhất định. Ông có nêu lên phân biệt “thuộc tính dân tộc” và “phẩm chất dân tộc”, nhưng xem ra “thuộc tính” và “phẩm chất” cũng khó phân biệt nhau, vì đều là tính chất cả.

     Công trình thứ năm là Nhìn lại nửa thế kỉ lí luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt nam(1998) có ý định tổng kết về lí thuyết phương pháp sáng tác, từ đường lối của Đảng đến tìm tòi của giới lí luận Việt nam, khi mà lí luận này trên thực tế đã bị chính văn học bỏ qua. Đó là tập sách sưu tập công phu, tỉ mỉ và khá đầy đủ tư liệu về phạm trù phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với niềm tin là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới. Công trình thứ sáu tiêu biểu nhất cho tinh thần của Phương Lựu, được viết trong những ngày sôi sục đổi mới năm 1986 -1988, là cuốn Trên đà đổi mới văn hóa văn nghệ (1994). Tuy nhan đề là trên đà đổi mới, nhưng tinh thần của ông là bảo vệ kiên quyết tính đúng đắn của các nguyên lí văn nghệ mác xít chính thống. Đối với các ý kiến muốn hoài nghi vấn đề lí thuyết mác xít, ông đều phản bác lại, đẩy đối phương vào vùng nguy hiểm. Ông tự đặt mình vào vị trí người bảo vệ các nguyên lí chính thống.[4] Ông tự hào cũng đã đề xuất đổi mới, nêu chức năng thẩm mĩ của văn học lên hàng đầu, trước các chức năng nhận thức, giáo dục trong nhận thức hệ thống. Nhưng cách lập luận của Phương Lựu lại giản đơn, ông đồng nhất thẩm mĩ với giáo dục tình cảm: “Chức năng duy nhất ở cấp độ hệ thống là bồi dưỡng tình đời cho con người biết khao khát, trực tiếp hoặc gián tiếp vươn lên cái đẹp, cái hoàn thiện có thể có được ở từng nơi từng lúc[5]. Ông sơ suất thế nào mà không thấy “Bồi dưỡng tình đời” chính là chức năng giáo dục tình cảm. “Thẩm mĩ” của tác giả ở đây hóa ra chỉ là yếu tố của chức năng giáo dục! Cho đến khi viết giáo trình năm 2002, tập 1, ông vẫn hiểu thẩm mĩ nghiêng về  khía cạnh cảm xúc thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ, chứ không phải là sáng tạo thẩm mĩ.

    Điều ông không ngờ là trên thực tế, cả trong văn kiện lẫn trong thực tiễn  đời sống văn nghệ sau thời Đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam đã dần dần tự thay đổi rất nhiều. Trên thực tế trong các văn kiện đảng đã rút lui khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị”, không tiếp tục nêu yêu cầu nhà văn về tính đảng, tính nhân dân, không nêu phương pháp chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa, mà cho phép các nhà văn tự do tìm tòi các phương pháp và phong cách mới. Đó là những thay đổi rất to lớn, có ảnh hưởng rất sâu rộng. Không nói chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có nghĩa là không bắt buộc phải sáng tạo điển hình, con người mới  như Trường Chinh đã yêu cầu hồi những năm 60. Đảng cũng không chỉ ra cái hiện thực theo quan niệm của mình để yêu cầu nhà văn phản ánh. Điều này cho thấy việc đấu tranh bảo vệ quyết liệt có lúc không có nhiều ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn. Thời gian này ông còn có hai cuốn Khơi dòng lí thuyếtTiếp tục khơi dòng theo một nghĩa to tát là mở kênh cho lí thuyết nước ngoài chảy vào Việt nam. Thiết nghĩ, khơi dòng là một công việc lớn, cá nhân khó ai làm nổi. Tốt nhất là góp phần gạt bỏ các trở ngại cho tiếp nhận lí luận được dễ dàng hoặc vận dụng cho người khác tham khảo.  

      Qua tám công trình vừa nêu ta có thể thấy rõ, nghiên cứu lí luận đối với Phương Lựu là công việc góp phần truyền bá, củng cố, bảo vệ đường lối lí luận văn học.      

     Là một giáo sư, Phương Lựu còn có nhiệm vụ biên soạn giáo trình lí luận văn học cấp đại học. Ông đã tham gia biên soạn giáo trình lí luận văn học từ năm 1980, 1983 cho Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp. Ai cũng biết nội dung lí luận văn học Việt Nam từ 30 năm trước, bắt đầu với bộ sách của Nguyễn Lương Ngọc, đều mang nội dung chính trị hóa, xã hội học hóa rất đậm và nội dung sơ lược, chủ yếu là trích dẫn các ý kiến kinh điển, rồi suy diễn ra các nguyên lí văn học.  

      Bối cảnh tiếp nhận lí luận văn học của Phương Lựu cũng như nhiều tác giả viết giáo trình khác, bao gồm cả chúng tôi trong đó, là lí luận văn học xô viết với các tên tuổi như L. I. Timofeev, G. L. Abramovích, …  Cả nền lí luận văn học Việt Nam hồi ấy chưa ai đi ra ngoài cái bóng của họ. Phương Lựu học ở Trung Quốc thì có đọc thêm giáo trình lí luận văn học của Pitacop (1958) và nhiều tài liệu khác dịch từ Nga. Ông học ở Trung Quốc thì đặc biệt chịu ảnh hưởng tư tưởng trong các trào lưu chống phái hữu và chống xét lại hiện đại. Đặc điểm của lí luận Liên xô là thấm nhuần xã hội học, chính trị hóa cao độ, ý thức đấu tranh tư tưởng rất mạnh mẽ. Đến khi Stalin mất năm 1953, xã hội Liên Xô “rã đông”, lí luận Nga đã thay đổi phần nào, nhưng lúc ấy, ta lại phê họ là xét lại, thành ra ta lại cứ bám lấy mớ lí luận giáo điều, kinh viện cũ mà họ đang dần dần bỏ đi. Tình hình Trung Quốc cũng thế, ta lại chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, mà lí luận của Mao vốn cũng thấm nhuần lí luận Liên Xô. Đây không phải là vấn đề riêng của ai, mà chung cho cả giới, nhất là giới quản lí văn nghệ và giới đại học. Đến thời cải cách mở cửa, giới lí luận Trung Quốc có khẩu hiệu khắc phục di sản lí thuyết Liên xô cũ, hướng về phương Tây, nhưng ở ta thì không thấy nói gì. Vì thế, người làm lí luận văn học ở Việt Nam như đứng giữa hai dòng nước, tùy nghi lựa chọn theo khuynh hướng nhạy bén của mỗi người. Chúng tôi đi theo hướng đổi mới trong lí thuyết Nga của Bakhtin, Lotman, Tamarchenco…, Phương Lựu thì thiên về bảo lưu các nguyên lí truyền thống. Năm 1985 nhà xuất bản Giáo dục tổ chức biên soạn giáo trình lí luận văn học mới. Đây là công trình có nhiều người viết, tôi chỉ nói riêng phần viết của Phương Lựu. Là người chủ biên, ông giữ bố cục như các sách lí luận cũ, bao hàm một phạm vi lớn các nội dung xã hội học vào sách. Trong bộ sách viết vào thời đã đổi mới này ông vẫn giữ nguyên bài tính giai cấp của văn nghệ, khẳng định nó là bản chất của văn nghệ, đấu tranh quyết liệt chống lại quan điểm phủ nhận nó. Ông đặt ra mục : “Đấu tranh từ hai mặt xung quanh vấn đề tính giai cấp. a. Kiên trì quan điểm giai cấp, phê phán thuyết “tính người” và “chủ nghĩa thành phần.” ,“b. Nêu cao lí tưởng nhân đạo chân chính, vạch trần chủ nghĩa bá đạo và chủ nghĩa nhân đạo giả hiệu.” [6] Đối lập triệt để tính giai cấp và tính người, chỉ ra “chủ nghĩa nhân đạo giả hiệu”… là diễn ngôn ý thức hệ mác xít một thời, chủ yếu là thời chiến tranh lạnh của Trung Quốc, nhằm xác lập một đối tượng để đấu tranh tư tưởng, ai không thừa nhận có thể bị coi là thù địch, chứ không phải là khoa học. Về lí thuyết, vấn đề thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Marx,  Engels, Lenin nói tính giai cấp, nhưng không phủ nhận tính người[7]. M. Gorki đã nói nhiều đến tính giai cấp của văn học, đồng thời ông cũng nói đến “văn học là nhân học.” Từ ngày cải cách mở cửa năm 1980, hàng trăm học giả Trung Quốc đã bàn lại vấn đề này, sự đối lập kia đã bị vượt qua[8]. Nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel Mạc Ngôn cho rằng, dù miêu tả nhân vật thuộc giai cấp nào, chỉ khi miêu tả người ấy như một con người với tất cả tính người của nó, thì tác phẩm mới sống động, còn nếu miêu tả một người chỉ có tính giai cấp, thì sẽ là một hình nộm, “mà đã miêu tả tính người thì nó phải siêu giai cấp.”[9] Ở Việt Nam Trần Đức Thảo đã giải quyết vấn đề tính người và tính giai cấp một cách khoa học[10]. Từ ngày “Đổi mới” văn học viết về tính người, về bản năng, về tính dục, về giới ở Việt nam cũng phát triển mạnh, cho thấy quan niệm giáo điều đã bị đẩy lùi.

      Với giáo trình Lí luận văn học viết mới, xuất bản năm 2002, tuy nội dung đã có đổi mới và cách viết mềm mại, hệ thống hơn, đã bỏ mục tính đảng (tính đảng sẽ nói ở phương pháp HTXHCN), có nhiều chỗ đã nói đến tính người, chủ nghĩa nhân đạo chân chính, vẫn được in đi in lại sử dụng cho đến nay, ông vẫn giữ nguyên các mục và quan điểm xã hội học y hệt như sách cũ[11]. Nếu nhìn sang Trung Quốc, thì từ những năm 80 thế kỉ trước cho đến nay các giáo trình đã thay đổi căn bản. Các giáo trình lí luận văn học hiện đại của Đổng Học Văn (Đại học Bắc Kinh, 2001), Vương Nhất Xuyên (2002), Nam Phàm (2002), Đồng Khánh Bính (2003), của Lỗ Xu Nguyên (2006), của Dương Xuân Thì (2007), đều đã không còn các mục nội dung xã hội học như phản ánh luận, tính giai cấp, tính đảng, phương pháp sáng tác. Nếu nhìn sang Nga, từ sau khi Liên Xô sụp đổ thì giáo trình lí luận văn học đã thay đổi hẳn, như bộ giáo trình 2 tập do N. Tamarchenco chủ biên viết theo thi pháp học (2004), Lí luận văn học do G. Khalizev chủ biên cũng loại bỏ phần nội dung xã hội học (2001), đều không còn phản ánh luận và tính giai cấp, tính đảng, không còn vấn đề quan hệ chính trị và văn nghệ. So sánh sơ qua như thế để thấy, trong vai trò của mình, để cho an toàn, Phương Lựu đã bỏ lỡ nhiều cơ hội làm mới cho nội dung khoa học của giáo trình để theo kịp lí luận và thực tiễn trong nước/ ngoài nước.

      Trong sách Tiến trình văn học (2005) do Phương Lựu chủ biên ông vẫn sử dụng nguyên cái khung nội dung của hàng chục năm trước, không hề có gì thay đổi đáng kể. Ông lại đưa vào cả phần gọi là phương pháp sáng tác văn học phương Đông do ông tự sáng tạo ra với các thuật ngữ phương Tây, chẳng hạn nói đến chủ nghĩa hiện thực ở thời mạt kì phong kiến, rồi lấy nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều làm ví dụ. Chương viết về chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XX cũng thể hiện một chủ nghĩa hiện thực bị “phiếm hóa”[12], làm mất đi ranh giới của khái niệm, mà Eagleton đã nói, “khi ranh giới khái niệm bị bỏ qua thì khái niệm không thành khái niệm nữa”[13]. Ông cho mọi phương pháp đều mặc một bộ đồng phục chung. Ở phần phương pháp sáng tác ngoài nội dung, ông cho thêm phần “thi pháp”, để chỉ các biểu hiện hình thức. Theo tôi đó là một sự hiểu lầm tai hại khái niệm thi pháp. Trên Tạp chí Cộng sản số 8 năm 2008 ông có bài Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay phàn nàn về việc không tiếp tục sử dụng khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã gây trở ngại cho phê bình văn học rất nhiều, và ông đã dự báo một phương pháp sáng tác mới do ông tự nghĩ ra, gọi là “chủ nghĩa chân thực.”[14] Điều đó cho thấy ông rất luyến tiếc khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cũng năm này ông công bố giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu văn học (2005), ở đây, ngoài phương pháp luận chung, tác giả đã phân chia ra các phương pháp lí luận, phê bình, văn học sử, phương pháp luận nghiên cứu văn học phương Tây. Tác giả hình như chưa hình dung được độ khó của vấn đề được nêu ra.

    Ngoài các giáo trình ông còn soạn thảo các chuyên đề lí luận văn học cho cao học, nghiên cứu sinh. Từ thời đổi mới, với sự mở rộng giao lưu phạm vi các lí luận văn nghệ của Phương Lựu được mở rộng. Là người cùng một bộ môn với ông, tôi thấy sự hăm hở hối hả của ông để làm một nhà chuyên gia lí luận văn học phương Tây. Sẵn khi học giới Trung Quốc phiên dịch và giới thiệu hầu hết các trường phái lí luận phương Tây, Phương Lựu có điều kiện tiếp thu, nghiên cứu, giới thiệu các trường phái ấy. Ông có một quá trình tìm hiểu liên tục lí luận văn học phương Tây thể hiện qua các sách Tìm hiểu lí luận văn học phương Tây hiện đại (1995), Mười trường phái lí luận văn học hiện đại phương Tây (1999), sau đó nhập lại thành 22 trường phái với quyển Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX (2001), mà tôi biết chủ yếu đọc qua tiếng Trung. Đây là công trình bao quát nhất đương thời về lí thuyết phương Tây bằng tiếng Việt, đến nay vẫn chưa có công trình nào có số lượng trường phái nhiều hơn. Giới thiệu một khối lượng các trường phái lí thuyết vừa văn, vừa triết, vừa tâm lí học, ngôn ngữ học như vậy thật không dễ chút nào, độc lực một mình nói chung, không ai làm nổi. Ở Trung Quốc các sách loại đó đều là  công trình tập thể, do một số người chủ biên. Phương Lựu đã dựa vào các công trình đó mà một mình viết lại, tất nhiên phải mất rất nhiều công phu nghiền ngẫm, tra cứu mới tổng thuật được, và công trình cũng có giá trị tham khảo. Nhờ các công trình của ông mà bạn đọc Việt nam biết được một số lí thuyết tâm lí mĩ học, như lí thuyết chuyển cảm, lí thuyết hoàn hình…. Song như trên đã nói, tác giả chỉ mới sưu tập, tích lũy dần, chưa kịp sắp xếp theo thứ tự logic phát triển của chúng. Xem bài Tổng quan từ trang16 -31 của tập sách 2001 chỉ mới nói tới hai khuynh hướng “thiên nhân bản” và “thiên khoa học”(“thiên” đây nghĩa là nghiêng về, thiên vị), hình như chưa cho thấy hai cuộc chuyển đổi hệ hình, từ tập trung vào tác giả, chuyển sang tập trung vào văn bản, và lần thứ hai, từ văn bản chuyển sang người đọc. Tác giả cũng chưa cho thấy có ba sự chuyển hướng về cách tiếp cận: lần thứ nhất, từ lí tính sang phi lí tính và lần thứ hai, từ suy lí triết học chuyển sang phân tích ngôn ngữ và đồng thời chuyển hướng sang văn hóa, từ phân tích cấu trúc ngôn ngữ đến giải cấu trúc, hoài nghi mọi đại tự sự[15]. Trong tập sách gần đây nhất Hậu lí luận vẫn là lí luận  ĐHSP, Hà Nội, 2021, đọc nhan đề sách, ta thấy ông vẫn muốn khẳng định một xu hướng lớn: “Hậu lí luận” vẫn là “lí luận”. Đây là vấn đề mới, giới lí luận phương Tây đang thảo luận, khẳng định như Phương Lựu có thể là hơi sớm chăng?

    Tiếp sau, Phương Lựu còn viết Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây (2007) và Lí thuyết văn học hậu hiện đại (2011). Lí luận chủ nghĩa Mác phương Tây là một cố gắng để giải quy phạm, giáo điều của chủ nghĩa mác chính thống[16]. Trước đây sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác phương Đông (chính thống của các nước XHCN đề cao đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản) với chủ nghĩa Mác của các học giả phương Tây (nhấn mạnh chủ nghĩa nhân đạo và triết học thời kì đầu của Mác, phê phán chủ nghĩa Lênin) đã bị cường điệu cực đoan, một sống một chết, bỏ qua sự thống nhất của chúng. Công trình của Phương Lựu đã cố gắng giới thiệu môt số tư tưởng văn học của một số tác giả mác xít bị coi là xét lại (vẫn còn bỏ sót một số), không phân biệt thời kì đầu thế kỉ và cuối thế kỉ XX, là một việc làm bổ ích, vì ở ta hình như rất ít người quan tâm việc này. Nhưng ông đã dùng cách “gạn khơi”, lấy quan điểm của mác xít chính thống để thuật lại mác xít phương Tây, kết quả là vẫn một tinh thần phủ định như cũ[17]. Ví như giới thiệu R. Garaudy với đánh giá của Boris Sutchkov và của Tố Hữu thì khó mà hiểu được tác giả này. Phương Lựu bắt bẻ chữ “vô bờ bến” của Garaudy, dựa vào “tính chân thực”, “điển hình trong hoàn cảnh điển hình” để phê phán ông, mà không thấy cơ sở của tư tưởng của tác phẩm Garaudy là chủ nghĩa nhân bản của Mác thời kì đầu, con người lao động cải tạo thế giới và cải tạo mình, cho nên nó làm thay đổi tất cả, kể cả nghệ thuật, đó là một. Thứ hai, ông đề cao tính chủ thể của con người trong chủ nghĩa hiện thực. Thứ ba, ông cho thấy nghệ thuật thế kỉ XX không chú trọng mô phỏng và tái hiện. Không thấy Phương Lựu đề cập chút nào về một trong ba mặt này[18]. Cuốn Lí thuyết văn học hậu hiện đại, đã giới thiệu được bộ khung tri thức sơ lược của trào lưu tư tưởng hiện đại này.

    Trong phần giới thiệu lí luận phương Tây Phương Lựu có thêm phần Thi học so sánh (2002),trình bày một số bình diện so sảnh lí thuyết văn học. Đây là một ngành mới trong văn học so sánh do các học giả Hoa Kì đề xuất từ những năm 50, nhưng chỉ đến ngày nay, khi trào lưu hội nhập nổi lên thì mới được nhìn nhận và thực thi. Lí luận của Phương Lựu ở đây chịu ảnh hưởng sâu sắc của các học giả Trung Quốc, đặc biệt là của Tào Thuận Khánh, Đồng Kháng Bính, Hoàng Dược Miên, Trương Pháp, Phùng Hiến Quang… Có thể chỉ ra một số mục của ông tương ứng  với các chương mục nào trong sách của các học giả Trung Quốc nói trên. Lẽ ra  Phương Lựu nên ghi chú xuất  xứ cụ thể để bạn đọc tiện theo dõi. Một sự giới thiệu như Phương Lựu đã làm tuy hạn chế mà vẫn rất quý báu để đem lại một bổ sung, một nhận thức mới về sự ảnh hưởng, soi chiếu qua lại giữa các nền học thuật lớn trên thế giới. Chỉ tiếc là bộ phận so sánh thi học Việt Nam và Trung Hoa mà ông gọi là so sánh “nội văn hóa”thì quá sơ sài, và không cho thấy nhiều ý nghĩa.     Là người được đào tạo ở Trung Quốc, ông cũng có hai quyển sách viết về Tinh hoa lí luận văn học Trung Quốc (1979), Thi học cổ điển Trung hoa (2016) Quyển trên viết theo góc nhìn tư tưởng hệ và phản ánh luận[19]; quyển sau được thừa hưởng những thành tựu mới của Trung Quốc thời đổi mới.

     Qua lược thuật ở trên, có thể thấy, một đời lao động miệt mài, kiên trì, không mệt mỏi, Phương Lựu đã có công đem lại một số lượng tác phẩm với khối lượng tri thức khá đồ sộ, có tính đại chúng, giúp bạn đọc làm quen với nhiều lí luận và trường phái triết mĩ Đông Tây, góp phần bổ sung cái mà chúng ta vốn thiếu trong một thời gian dài. Nhưng mặt khác hệ tri thức chính trị hóa một thời đã chi phối hệ thao tác làm việc, khiến cho toàn bộ công trình của ông khó tránh làm xê dịch diện mạo tư tưởng phương Tây và tính khoa học cũng khó bảo toàn. Con đường lí thuyết của Phương Lựu chủ yếu là từ lí luận đến lí luận, mang tính dẫn nhập, ít vận dụng vào nghiên cứu văn học nước nhà. Hoạt động lí thuyết của Phương Lựu ở các giai đoạn chủ yếu mở ra theo bề rộng mà ít đi vào chiều sâu. Nhìn tổng thể lí luận của ông tiểu biểu cho diễn ngôn mác xít chính thống Việt nam.


[1] Phương Lựu tuyển tập, tập một, Lí luận văn học cổ điển phương Đông, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 259.

[2] Trần Đình Hượu. Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung cận đại, trong sách Văn học và hiện thực, Nxb KHXH, Hà Nội, 1990, tr. 11-83.

[3] F. Jullien , Không có bản sắc văn hóa, Trươg Quang Đệ dịch, Nxb Đại học Huế, 2018.

[4] Phương Lựu, Trên đà đổi mới văn hóa văn nghệ, nxb Viện văn hóa – Sở văn hóa thông tin Quảng Ngãi, 1994, tr. 76.

[5] Phương Lựu, Trên đà đổi mới văn hóa văn nghệ, 1994, tr. 57.

[6] Lí luận văn học, nhiều tác giả, Phương Lựu chủ biên, Nxb Giáo dục, 2006, tái bản lần thứ 5, tr. 84, 86.

[7] Trần Đình Sử, Tính nhân loại và văn học, trong sách Lí luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.

[8] Nhà lí luận Trung Quốc Bao Trung Văn trong cuốn Lịch sử lí luận văn nghệ Trung Quốc đương đại (Nxb Giáo dục Giang Tô, Nam Kinh, 1998) đã nêu 3 hậu  quả nghiêm trọng của việc phủ định chủ nghĩa nhân đạo như sau: 1) Do triệt để phủ nhận chủ nghĩa nhân đạo, nhân tính luận tư sản, cho nên cái thần quyền, vương quyền mà chủ nghĩa nhân đạo tư sản đã phủ định, lại có dịp ngóc đầu lên chiếm địa vị thống trị. 2)Lại cũng do triệt để phủ nhận thuyết tính người và chủ nghĩa nhân đạo mà suốt mấy chục năm cách mạng đã có một thời đáng khiếp sợ, khi đó thú tính trỗi dậy và lan tràn trong các cuộc đấu tố khốc liệt. Người đấu người, người cắn người, người lừa dối người. 3)Phủ định chủ nghĩa nhân đạo và tính người là phủ định luôn bản chất của văn nghệ.” Xem: Trần Đình Sử, Một nền lí luận văn học hiện đại – nhìn qua thực tiễn Trung Quốc, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2012, tr. 88.

[9] Mạc Ngôn, Văn học hay đều rộng lớn hơn chính trị, đột phá chính trị. Mạng Phượng Hoàng, 11/10/2012.

[10] Nếu Phương Lựu viết: “Cổ kim đông Tây quả là có tính người, tình người vượt ra khỏi  phạm vi một giai cấp, nhưng chưa hề có và không bao giờ có môt thứ tính người, tình người chung  cho mọi người, mọi giai cấp”(Mấy ngộ nhận về lí luận văn nghệ mác xít. Văn nghệ  4.2.1989), thì Trần Đức Thảo cho rằng: Con người có bản chất nhiều tầng, được hình dung như một lát cắt địa tầng: hàng 1, trên cùng, là con người giai cấp; hàng hai,  là con người nói chung, mang tính tộc loại; hàng ba là con người sinh vật, hàng bốn là con người hóa lí. Bản chất hàng hai được hình thành trong giai đoạn cộng đồng nguyên thủy, trong đời sống cá thể,  ở tuổi ấu thơ,  trong cộng đồng gia đình. Bản chất hàng 1  chỉ có từ thời thiếu niên và nó là một dạng tha hóa, khác với bản chất người. Như vậy tính người nói chung có từ thời nguyên thủy và tồn tại mãi mãi với loài người, và con người nói chung là hằng số có trong mọi con người cụ thể, là phần cốt lõi nhất.  (Vấn đề con người và chủ nghĩa “lí luận không có con người”, Nxb Thành phố  HCM, 1989, tr. 109 và các trang khác).Mao Trạch Đông, Althusser đều xem chủ nghĩa Mác là một thứ lí luận không có con người.

[11] Lí luận văn học tập 1, Văn học, nhà văn, bạn đọc, nhiều tác giả, Phương Lựu chủ biên, Nxb ĐHSP, 2002, tr. 114,118…

[12] Phương Lựu, Tiến trình văn học, tldd, tr. 235 – 245.

[13] Terry Eagleton, Văn bản, hình thái ý thức, chủ nghĩa hiện thực, trích theo sách Tuyển văn luận phương Tây mới nhất, Vương Phùng Chấn soạn, Nxb Li Giang , Quảng Tây, 1991, tr. 439.

[14] Phương Lựu, Vì một nền lí luận văn học dân tộc, hiện đại, Nxb Văn học, 2009, tr. 111.

[15] Xem phần Tổng quan trong sách: Phương Lựu, Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, Hà nội, 2001, tr. 16 – 31.

[16] Lã  Nguyên, Việt Nam, một trăm năm tiếp nhận lí luận văn nghệ nước ngoài, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2020, tr. 475.

[17] Xem thêm Lã Nguyên, tldd, tr. 482.

[18] Thông sử mĩ học phương Tây, tập hạ, Tưởng Khổng Dương, Chu Lập Nguyên chủ biên, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 1999,  tr. 560-570.

[19] Lã Nguyên, Việt Nam- một thế kỉ tiếp nhận lí luận văn nghệ nước ngoài, 2020, tr. 451.

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này